Câu chuyện Nổi bật

Đội tàu đánh bắt cá của Trung Quốc đe dọa các nền kinh tế đảo ở Thái Bình Dương

Joseph Hammond

Trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các tàu đánh cá bằng lưới rà cỡ lớn thuộc sở hữu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đang sử dụng lưới kéo lớn đến mức một sân bóng đá sẽ lọt thỏm. Việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated – IUU) như vậy đe dọa đến an ninh lương thực của khu vực, bao gồm cả ở vùng biển Samoa, Guam và Hawaii thuộc Hoa Kỳ. Đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, đánh bắt cá IUU cũng là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

“Hải quân Tonga không thể kiểm soát toàn bộ EEZ [vùng đặc quyền kinh tế] của chúng tôi,” ông Fusitu ‘a, một thành viên của quốc hội Tongan, chia sẻ với DIỄN ĐÀN. “Không có nghi ngờ gì về sự hiện hữu của ảnh hưởng tiêu cực do Trung Quốc gây ra trong EEZ và tất nhiên, cả ảnh hưởng đến an ninh lương thực của chúng tôi. Tuy nhiên, mối quan ngại của tôi là tại sao Trung Quốc đã và đang có thể làm điều này?”

Một thỏa thuận với Hoa Kỳ cho phép các sĩ quan Tongan đi trên tàu của Cảnh sát biển Hoa Kỳ để cải thiện năng lực thực thi luật pháp của quốc đảo này. Ông Fusitu ‘a kêu gọi cộng đồng quốc tế và liên minh tình báo Ngũ Nhãn, bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, hãy mở rộng nỗ lực nhằm ngăn chặn đánh bắt cá IUU ở Thái Bình Dương.

Theo báo The Guardian đưa tin, ở vùng biển xung quanh Palau, việc đánh bắt cá IUU của các tàu Trung Quốc có thể là để trừng phạt quốc đảo này vì họ có mối quan hệ thân thiết với Đài Loan. Palau đã yêu cầu Hoa Kỳ phát triển các căn cứ mới trong khu vực, điều này có thể làm tăng hiệu quả của những cuộc tuần tra trên không và trên biển.

Tuy rằng có một vài quốc gia thực hiện đánh bắt cá IUU, nhưng ông Fusitu ‘a cho rằng đội tàu biển sâu của Trung Quốc — đội tàu lớn nhất thế giới — gây ra mối quan ngại vô cùng to lớn. Theo một báo cáo vào năm 2020 của Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại Anh, đội tàu có 16.966 chiếc, chẳng hạn như ở trong hình, phần lớn trong số đó hoạt động ở Thái Bình Dương. Gần 1.000 tàu trong số đó được đăng ký ở các quốc gia khác dưới cờ thuận tiện (flags of convenience).

Theo chỉ số mới nhất của Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có Tổ chức Xuyên Quốc gia, Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia vi phạm đánh bắt cá IUU nhiều nhất.

Ông Hammarstedt, giám đốc các chiến dịch cho Sea Shepherd Global, một tổ chức bảo tồn biển, nói với DIỄN ĐÀN: “Các tàu đánh cá dùng lưới rà là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vì họ đánh bắt các loài cá dưới đáy biển — cá sống sát đáy gần bờ — và do đó cạnh tranh với các nỗ lực đánh bắt cá quy mô nhỏ ở cấp địa phương”. Năng lực của các tàu công nghiệp này vượt xa so với năng lực của các cộng đồng đánh bắt cá địa phương, gây nguy hiểm đến sinh kế của ngư dân và nguồn dinh dưỡng của người dân, ông nói.

Nhiều quốc đảo Thái Bình Dương cũng mong muốn chấm dứt việc sử dụng lưới trôi, do loại lưới này có khả năng giết chết sinh vật biển bất kể là loài gì. Vanuatu đã theo đuổi các cáo buộc hình sự và phạt tiền hàng triệu đô la đối với hai thuyền trưởng tàu Trung Quốc vào năm 2021 do họ đánh bắt cá bằng lưới trôi. Mặc dù Bắc Kinh đã cam kết thu hẹp đội tàu của mình và loại bỏ dần các khoản trợ cấp, một nghiên cứu của Đại học British Columbia ở Canada nhận thấy rằng các nỗ lực nhằm hạn chế việc đánh cá bằng lưới rà đáy biển của đội tàu Trung Quốc phần lớn không thành công.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, tàu đánh cá bằng lưới rà hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển Tonga và các quốc gia khác gây ra mối đe dọa đối với sự sinh tồn của các đảo Thái Bình Dương, nơi 30% chế độ ăn uống và hơn 50% lượng đạm của người dân đến từ cá. Mối đe dọa này càng thêm nghiêm trọng bởi những tổn thất kinh tế đối với ngư dân và chính quyền địa phương. Đánh bắt cá ngừ chiếm hơn 45% doanh thu quốc gia ở Liên bang Micronesia, Kiribati, Quần đảo Marshall, Nauru, Tokelau và Tuvalu, theo thông tin của Conservation International.

Joseph Hammond là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

HÌNH ẢNH: WIKIMEDIA COMMONS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button