Đông Bắc ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Trung Quốc đưa ra thông điệp mơ hồ, mâu thuẫn để trì hoãn đối thoại, cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Những tuyên bố mơ hồ, mâu thuẫn và lẫn lộn gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) về mối quan hệ với Hoa Kỳ đã khiến nhiều người trong cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi về động cơ đằng sau chiến dịch truyền tải thông điệp của Bắc Kinh.

Chẳng hạn, Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm của Trung Quốc, Thượng tướng Lý Thượng Phúc, đã kêu gọi hòa bình nhưng lại đe dọa chiến tranh trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La danh tiếng, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies) tổ chức tại Singapore vào đầu tháng 6 năm 2023.

Nhiều thông tin trao đổi lộn xộn khiến các nhà phân tích quốc phòng kết luận rằng thông điệp của Trung Quốc là sự lừa dối có chủ ý hoặc là một chiến dịch thông tin sai lệch được thiết kế để phá hoại nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của Hoa Kỳ.

Các hoạt động mới nhất của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như cũng báo hiệu rằng chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ, theo giới phân tích.

Mặc dù trong bài phát biểu ngày 4 tháng 6, Ông Lý Thượng Phúc tuyên bố rằng Trung Quốc có ý định giải quyết tranh chấp hàng hải “theo cách hòa bình thông qua đàm phán và tham vấn”, nhưng chỉ trước đó một ngày, tàu chiến Trung Quốc gần như đã va chạm với tàu Hải quân Hoa Kỳ sau khi hoạt động không an toàn trong vùng biển quốc tế ở eo biển Đài Loan.

“Mặc dù Trung Quốc mở miệng nói về đối thoại, nhưng hành động của Trung Quốc lại cho thấy sự đối đầu. Vì vậy, câu hỏi của tôi là … tại sao lại có sự khác biệt lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc?” Phó Đề đốc Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela đã hỏi ông Lý Thượng Phúc tại diễn đàn.

Ông Tarriela lưu ý rằng cam kết quản lý tranh chấp hàng hải một cách hòa bình gần đây của Trung Quốc với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng không giúp chấm dứt hành vi chèn ép ngư dân của Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Philippines, trang tin tức Inquirer.net của Philippines đưa tin. Vào tháng 2 năm 2023, một tàu hải cảnh Trung Quốc cũng bị cáo buộc chiếu tia laser cấp quân sự vào tàu Cảnh sát biển Philippines, gây mù tạm thời thủy thủ đoàn của tàu.

Ông Lý Thượng Phúc bảo vệ các hoạt động của Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army – PLA), cảnh báo quân đội nước ngoài giữ khoảng cách với bờ biển Trung Quốc và “quan tâm đến việc của chính mình”, theo trang web USNI News của Viện Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval Institute – USNI).

Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Hoa Đông, Biển Đông và Eo biển Đài Loan mặc dù theo luật hàng hải lâu nay quy định các khu vực này là vùng biển và không phận quốc tế, USNI News đưa tin.

Tương tự, “trong một mâu thuẫn khác, ông Lý Thượng Phúc nói “chỉ tăng cường đối thoại và trao đổi … sẽ đảm bảo ổn định trong khu vực của chúng tôi’ — nhưng ông này từ chối gặp Bộ trưởng Quốc phòng [Hoa Kỳ] Lloyd Austin, người cũng có mặt tại hội nghị. Ông Lý Thượng Phúc rất vui khi được gặp gỡ nhiều quan chức nước ngoài khác, nhưng ông chỉ bắt tay với người đồng cấp Hoa Kỳ”, tờ Washington Post cho biết.

Năm 2018, Hoa Kỳ đã trừng phạt ông Lý Thượng Phúc trong thời gian ông này đứng đầu bộ phận phát triển thiết bị của PLA khi chính phủ Trung Quốc mua máy bay chiến đấu và thiết bị hệ thống tên lửa đất đối không do Nga sản xuất, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Việc mua bán này đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Matxcơva vì hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine và sự can thiệp của Nga vào chính trị Hoa Kỳ.

Bài phát biểu của ông Lý Thượng Phúc tại Singapore cho thấy Trung Quốc muốn Hoa Kỳ rời khỏi khu vực này, bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund), phát biểu với tờ Washington Post.

“Phía Trung Quốc đã nói khá rõ là họ tin rằng nếu có sự hiện diện của rủi ro, thì Hoa Kỳ sẽ thận trọng trong hành vi của mình, vì vậy họ sẽ không nói chuyện với chúng tôi về cách giảm thiểu rủi ro”, bà nói. “Họ sẽ tiếp tục tăng rủi ro. Rủi ro có thể tạm thời khiến Hoa Kỳ thận trọng, nhưng sẽ không đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực này”.

Hoa Kỳ sẵn sàng đối thoại, ông Austin nhắc lại tại Đối thoại Shangri-La.

“Hoa Kỳ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và tình trạng cạnh tranh không được dẫn đến xung đột”, ông Austin phát biểu. “Và không bao giờ nên chia rẽ khu vực này thành các khối thù địch. Thay vào đó, chúng tôi đang hợp tác để xây dựng thêm rào cản chống lại xung đột và tăng gấp đôi các biện pháp ngoại giao, cũng như để củng cố hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

“Hoa Kỳ tin rằng các đường dây liên lạc cởi mở với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là điều cần thiết, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự của hai nước”, theo ông Austin. “Đối với các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để nói chuyện là bất kỳ thời điểm nào. Thời điểm thích hợp để nói chuyện là mọi thời điểm. Thời điểm thích hợp để nói chuyện chính là bây giờ. Đối thoại không phải là phần thưởng mà là một điều cần thiết ”.

Vào ngày 5 tháng 6, một ngày sau khi kết thúc Đối thoại Shangri-La, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã gặp các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh để duy trì các đường dây liên lạc và xây dựng dựa trên tình hình ngoại giao gần đây giữa hai nước, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Quan chức cấp cao hai nước cũng thảo luận về các vấn đề xuyên Eo biển và các khía cạnh khác của mối quan hệ song phương.

“Chúng tôi không cố gắng kiềm chế Trung Quốc”, ông Daniel Kritenbrink, Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết sau cuộc hội đàm. “Ngay cả khi cạnh tranh, chúng tôi sẽ hợp tác để duy trì các đường dây liên lạc cởi mở nhằm tránh tính toán sai lầm và ngăn chặn cạnh tranh biến thành xung đột”.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button