Khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIP

Các đồng minh, đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bảo vệ quyền hàng hải, đảm bảo an toàn, mở các tuyến giao thông đường biển toàn cầu

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của mình tiếp tục tham gia vào các hoạt động an ninh hàng hải để bảo vệ vùng biển quốc tế và các tuyến thông tin liên lạc đường biển toàn cầu (sea lines of communication – SLOC) quan trọng.

Ví dụ, Thái Lan và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc Tập trận (Marine Exercise – MAREX)/Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (Cooperation Afloat Readiness and Training – CARAT) Thái Lan lần thứ 29 vào tháng 5 năm 2023. Sự kiện gồm năm ngày diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm; thăm, lên tàu, khám xét và bắt giữ (visit, board, search and seizure – VBSS); cũng như nhận thức về lĩnh vực hàng hải.

“Với vai trò là hai quốc gia hàng hải thấu hiểu vai trò quan trọng của việc bảo vệ biển và chủ quyền, những bài học chúng tôi có được tại đây sẽ chỉ giúp hai quốc gia có thêm năng lực xây dựng tình hình quốc tế ổn định và đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu”, Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Richard Skinnell, sĩ quan chỉ huy tàu tác chiến ven bờ USS Mobile, cho biết. Trung tá Skinnell đã tham gia vào phần biển trong cuộc tập trận ở Vịnh Thái Lan cùng các tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Thái Lan HTMS Naresuan, HTMS Bangpakong và HTMS Kraburi.

Chuỗi diễn tập CARAT/MAREX giúp tăng cường hiểu biết về hàng hải, quan hệ đối tác, khả năng tương tác và an ninh. (Ảnh: Thủy quân lục chiến Sri Lanka và Hoa Kỳ chuẩn bị cho diễn tập VBSS trong CARAT/MAREX Sri Lanka 2023).

Các đồng minh và đối tác khác, bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh, cũng công nhận tầm quan trọng của việc hải quân kiểm soát biển.

Việc bảo vệ SLOC giúp đảm bảo các tuyến đường thủy quan trọng luôn rộng mở và thông thoáng với tất cả các quốc gia cũng như luôn bảo vệ các SLOC này trước sự thù địch và thương mại bất thường. Khả năng kiểm soát biển hiệu quả giúp bảo vệ các quyền hàng hải, ngăn chặn tình trạng can thiệp bất hợp pháp, cũng như có khả năng ngăn chặn kẻ thù sử dụng eo biển và những hành lang kín khác giữa các đại dương và các tuyến đường biển chính cho hoạt động thương mại và các mục đích khác.

Các lực lượng đồng minh và đối tác hợp tác cùng nhau để ngăn chặn các nỗ lực gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản lý hàng hải quốc tế, từ chối việc tiếp cận các trung tâm hậu cần và hạn chế quyền tự do hàng hải. Những hành vi như can thiệp bất hợp pháp vào các quyền trong vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) của các quốc gia, các yêu sách hàng hải quá đà và các hành vi tương tác nguy hiểm với tàu và máy bay hoạt động hợp pháp trong vùng biển hoặc không phận quốc tế đều vi phạm luật pháp quốc tế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự khiêu khích ở Biển Tây Philippines, Eo biển Đài Loan và gần vùng lãnh hải của Nhật Bản, quấy nhiễu hoạt động vận tải hàng hoá thương mại và hoạt động hàng hải khác của các nước láng giềng.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) cũng ngoan cố ép buộc và đe dọa các quốc gia bằng cách đưa ra yêu sách hàng hải quá đà cũng như xây dựng những công trình nhân tạo và tiền đồn quân sự trong lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Ví dụ, Bắc Kinh đã nhiều lần can thiệp vào các nhiệm vụ cung cấp hàng hoá của Philippines cho Bãi cạn Scarborough trong EEZ của Manila. Tháng 2 năm 2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser dùng trong quân đội vào tàu của Lực lượng Phòng vệ Biển Philippines gần một bãi cạn khác, khiến các thành viên thủy thủ đoàn bị mù tạm thời.

Hoa Kỳ đã khẳng định rằng nếu một cuộc tấn công vũ trang vào Lực lượng Vũ trang, máy bay hoặc tàu công vụ Philippines ở Biển Đông xảy ra thì sẽ dẫn đến việc kích hoạt các nghĩa vụ của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Hoa Kỳ-Philippines.

Ngoài việc thực hiện các thỏa thuận tăng cường quốc phòng, các quốc gia đồng minh có cùng chí hướng cũng hợp tác tiến hành các hoạt động qua lại tự do hàng hải thông thường qua các tuyến đường biển quan trọng, cũng như các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia như Balikatan, Iron Fist, Garuda Shield, Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific – RIMPAC) và Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á.

Phi đội trực thăng AH-1Z Viper của Lực lượng Quốc phòng Úc tiến hành diễn tập bay với tàu HMAS Canberra của Hải quân Hoàng gia Úc trong cuộc tập trận đa phương RIMPAC 2022. NGUỒN HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Trong bối cảnh các nút thắt chiến lược và SLOC có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với nền kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác tiến hành các cuộc tập trận như CARAT/MAREX Thái Lan 2023 để đảm bảo các tuyến đường thủy quan trọng luôn rộng mở và thông thoáng, phục vụ hoạt động thương mại và tự do hàng hải cũng như bảo vệ các tuyến đường đó trước sự thù địch và ngăn cản các bên đối lập vận chuyển các trang thiết bị hỗ trợ chiến tranh.

“Cuộc tập trận này vẫn là hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác phát triển trong bối cảnh phức tạp giữa Hoa Kỳ-Thái Lan. Cuộc tập trận cho phép hải quân của hai nước tinh chỉnh các hoạt động và chiến thuật để đối phó với những thách thức mới nổi,” Chuẩn Đô đốc Hoa Kỳ Derek Trinque, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 76/3 và Nhóm Đặc nhiệm CARAT, phát biểu trong lễ khai mạc. “Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. CARAT là minh chứng cho cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với Thái Lan cũng như các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng, nhằm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và ổn định của khu vực.

NGUỒN HÌNH ẢNH: TRUNG SĨ KEVIN G. RIVAS/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button