Hoa Kỳ lên kế hoạch xây dựng cơ sở radar vượt giới hạn đường chân trời ở Palau
BENAR NEWS
Quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch đến năm 2026 sẽ lắp đặt radar vượt giới hạn đường chân trời ở Palau, bổ sung vào những khả năng cảnh báo sớm cho khu vực Tây Thái Bình Dương khi sức mạnh quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tăng lên.
Vào cuối tháng 12 năm 2022, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense – DOD) đã trao một hợp đồng trị giá 2 nghìn 800 tỷ đồng (120 triệu đô la Mỹ) để xây dựng các móng và miếng đệm được gia cố ở Palau cho Radar Di động Chiến thuật Vượt Giới hạn Đường chân trời, một trạm cảm biến cung cấp phạm vi lớn hơn radar tầm nhìn thẳng.
Các tài liệu kỹ thuật cho thấy chi tiết của hai địa điểm — một máy thu và máy phát — ở hai đầu đối diện của chuỗi đảo. Hoa Kỳ chịu trách nhiệm bảo vệ Palau nhưng đã không đóng quân ở đó trong những thập kỷ gần đây.
“Cơ sở mới này có thể sẽ có sự hiện diện rất nhỏ của quân đội Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng Lầu Năm Góc thấy được giá trị đáng kể trong việc sử dụng vị trí địa lý đặc biệt của Palau để sử dụng hệ thống radar cụ thể này”, ông Brian Harding, một chuyên gia châu Á tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết vào tháng 1 năm 2023.
Mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng nhanh trong hai thập kỷ qua, đạt khoảng 30% ngân sách quân sự hàng năm của Hoa Kỳ vào năm 2021 và khả năng của nước này trong việc tấn công các lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực lân cận đã tăng lên.
Palau, nằm giữa Philippines và Guam, một căn cứ cho máy bay ném bom của Hoa Kỳ, là một trong ba quốc đảo Thái Bình Dương (Pacific Island Countries – PIC), bao gồm Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia, mà đã trao trách nhiệm về quốc phòng và an ninh cho Hoa Kỳ để đổi lấy hỗ trợ kinh tế và các lợi ích khác theo các hiệp ước liên kết tự do.
Palau và Quần đảo Marshall nằm trong số 14 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, nơi Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Hai PIC khác — Kiribati và Quần đảo Solomon — đã chuyển sự công nhận ngoại giao của họ từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 2019. (Ảnh: Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2021.)
Các quan chức ở Palau, nơi có khoảng 20.000 người dân, trước đây đã khuyến khích Hoa Kỳ xây dựng các căn cứ quân sự ở nước này như một cách để thúc đẩy nền kinh tế nhỏ bé của mình.
Hoa Kỳ “được hưởng các quyền khái quát về việc phát triển những cơ sở quốc phòng trong quốc gia này, điều mà Palau thường khuyến khích nhưng cho đến nay, Hoa Kỳ đã rất ít khi tận dụng”, ông Harding, một cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết.
Các tài liệu kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, được công bố như một phần của quy trình ký hợp đồng cho dự án, cho biết ít hơn 11 nhân viên quốc phòng sẽ làm việc cố định tại cơ sở radar.
Các tài liệu ngân sách cho thấy cơ sở Palau đã được bàn thảo từ ít nhất là năm 2017 và được mô tả là cần thiết để “hỗ trợ nhận thức về miền hàng không và các yêu cầu nhận thức về miền hàng hải ở khu vực Tây Thái Bình Dương”.
Công cuộc xây dựng quân đội của Trung Quốc, các tuyên bố chủ quyền của nước này trên khu vực rộng lớn ở Biển Đông, một tuyến đường vận chuyển toàn cầu tấp nập, và những cuộc xâm nhập vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan đã góp phần làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong vài năm qua.
HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS