Đông Bắc ÁKhí hậu

Trung Quốc ngày càng thiếu nước, nguy cơ gây căng thẳng với Nga trên hồ Baikal

Tom Abke

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cho nên quốc gia này đang để mắt đến hồ Baikal của Nga, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, như là giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, công chúng Nga đã phản đối nhiều lần Bắc Kinh muốn nhập khẩu nước từ hồ Baikal trong những năm gần đây, mặc dù ban đầu kế hoạch này được Điện Kremlin ủng hộ.

Khi tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, quyền tiếp cận hồ Baikal với diện tích rộng 31.500 km2 có thể biến thành lĩnh vực tranh chấp giữa hai quốc gia độc tài này, các nhà phân tích cho biết.

Tới 90% nước ngầm ở Trung Quốc không thể uống được trong khi đó, chỉ một nửa nước ngầm ở quốc gia này là phù hợp để sử dụng trong nông nghiệp hoặc công nghiệp, theo Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Úc. Phần lớn độc tính trong nước ngầm là kết quả của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong số các khu vực khô cằn và hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc thì nơi nghiêm trọng nhất là ở phía bắc. Tại đây, hơn nửa diện tích ở lưu vực các con sông Hải Hà, Hoài Hà, Liêu Hà và Hoàng Hà đang ở trong tình trạng khan hiếm nước.

Trớ trêu thay, hồ Baikal ở gần đó (trong ảnh), gần tỉnh Tuva của Nga, trước đây lại là khu vực do triều đại nhà Thanh của Trung Quốc kiểm soát từ năm 1644 đến 1911. Các công ty Trung Quốc từng tìm cách nhập khẩu nước từ hồ Baikal thông qua đường ống dài 1.000 km vào năm 2017 và qua cách đóng chai vào năm 2019.

Đường ống được đề xuất sẽ đi qua Mông Cổ để cấp nước cho tỉnh Cam Túc của Trung Quốc. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Nông nghiệp Nga khi đó và một viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc tán thành. Tuy nhiên, các nhà môi trường Nga đã lên tiếng phản đối và dự án bị đình trệ.

Năm 2019, một nhà máy đóng chai do Trung Quốc tài trợ được tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, sau khi bản kiến nghị của phe đối lập thu được khoảng 1 triệu chữ ký, thì tòa án quận ở thành phố Irkutsk của Nga gần Hồ Baikal đã phán quyết việc xây dựng là bất hợp pháp và ra lệnh dừng lại.

Hiện tại, phần lớn nước ở miền bắc Trung Quốc được chuyển từ miền nam, theo báo cáo của Viện Lowy. Tuy nhiên, đợt hạn hán kỷ lục trên khắp miền nam Trung Quốc vào năm 2022 có thể khiến khiến Bắc Kinh lại chú ý đến Hồ Baikal.

“Vấn đề quan trọng là cách Nga quản lý phe đối lập trong nước trong việc xây dựng dự án này”, Tiến sĩ Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại Rand Corp., nói với DIỄN ĐÀN. “Trung Quốc có thể đề nghị tài trợ xây dựng đường ống và trả số tiền hào phóng để mua nước, đây có thể là động lực. Tuy nhiên, chính quyền và người dân Nga sẽ phản đối việc xuất khẩu nước, điều đó có nghĩa là Matxcơva sẽ phải thay mặt Trung Quốc đàn áp người dân trong nước, dẫn đến khả năng khiến công chúng tức giận hơn nữa, hoặc chấp nhận rằng chính trị bây giờ quá nhạy cảm.

Nga đã vượt qua Ả-rập Xê-út để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2023. Phần lớn lượng khí đốt, hóa dầu, gỗ và khoáng sản xuất khẩu của Nga cũng được chuyển đến các khách hàng Trung Quốc.

“Vẫn còn những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nga về lịch sử, biên giới và các vấn đề khác. Ông Heath nói: “Tranh chấp về các điều khoản trong các thỏa thuận tài nguyên có thể là một điểm xung đột khác”. Tuy nhiên, lợi ích chung trong việc phản đối và chống lại sức mạnh của Hoa Kỳ vượt xa những khác biệt này. Trung Quốc và Nga vẫn là đối tác thuận lợi”.

Tom Abke, phóng viên của DIỄN ĐÀN, đưa tin từ Singapore.

NGUỒN HÌNH ẢNH: HANS LUCAS THÔNG QUA REUTERS

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button