Đông Bắc ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Khu vực Chung của Thế giới

Cảng biển lưỡng dụng đưa Trung Quốc đến gần với các tuyến đường vận chuyển quan trọng

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đang xây dựng và giành được lợi ích tại nhiều cảng biển trên toàn thế giới với mong muốn sử dụng các cảng này phục vụ mục đích thương mại và quân sự. Bến cảng lưỡng dụng làm tăng ảnh hưởng của quốc gia này dọc theo các tuyến đường biển quan trọng và trên các hành lang hàng hải.

Các cảng nước ngoài này tập trung cao nhất ở phía tây Ấn Độ Dương và ven biển Nam và Đông Nam Á gần các tuyến thông tin liên lạc đường biển lớn (SLOC, sea lines of communication) và các điểm tắc nghẽn vận chuyển quan trọng. Isaac Kardon, thành viên cấp cao về nghiên cứu Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), đã viết như vậy trong Đánh giá của Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (United States Naval War College Review) năm 2021. Ông dẫn lời một học giả quân sự Trung Quốc, người đã mô tả tuyến đường hàng hải trải dài từ eo biển Đài Loan qua Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập là một “huyết mạch hàng hải”.

Theo nghiên cứu của các học giả Kardon và Wendy Leutert thuộc Đại học Indiana, vị thế về kinh tế-thương mại, chính trị và quân sự của Trung Quốc khiến quốc gia này có thể cung cấp tài trợ để tiếp cận gần 100 cảng thương mại có vị trí chiến lược trên toàn cầu. Các khoản đầu tư vào hải cảng của các công ty vận tải và hậu cần mà Trung Quốc kiểm soát thuộc chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road) của nước này nhằm mục đích kết nối chặt chẽ phần lớn thế giới với Trung Quốc. Theo bản tin của Tạp chí Newsweek vào tháng 10 năm 2022, hơn một nửa số thỏa thuận cảng được thực hiện trong thập kỷ qua dưới thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình.

Nỗ lực giành ảnh hưởng tại các cảng nước ngoài phù hợp với mong muốn của Trung Quốc trong việc trở thành một cường quốc hàng hải. Sách trắng năm 2015 của Trung Quốc khẳng định: “Chúng ta cần xóa bỏ tâm lý truyền thống rằng đất đai có vai trò lớn hơn biển. Cần chú trọng công tác quản lý biển và đại dương, bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải”.

Kiểm soát các tuyến đường biển và hành lang hàng hải có ý nghĩa rất quan trọng đối với các mục đích thương mại và an ninh, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi phần lớn hàng hóa vận chuyển của thế giới hiện đang đi qua. Hoa Kỳ và các quốc gia Đồng minh và Đối tác đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế thông qua các hành lang hàng hải an toàn và an ninh. Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện và đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc tại các cảng biển chiến lược là mối đe dọa bởi vì tàu thuyền sử dụng các cảng biển này có thể phục vụ nhắm vào quân sự cũng như thương mại. Jonathan Hillman, giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) tại thời điểm đó, chia sẻ với tờ The Guardian vào tháng 7 năm 2018.

Một số nhà quan sát lo ngại các khoản đầu tư hào phóng lại là cách phủ bóng quyền lực nguy hiểm, mang đến các rủi ro an ninh từ gián điệp đến ép buộc kinh tế đến mở rộng quân sự. Newsweek đưa tin, các tàu Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (People’s Liberation Army Navy) đã đến thăm khoảng một phần ba các cảng nước ngoài. Theo tờ Wall Street Journal vào tháng 11 năm 2022, việc tiếp cận các hải cảng này giúp hải quân Trung Quốc có thể bổ sung vật tư, nhu yếu phẩm cho các hạm đội ở nước ngoài theo cách ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn.

Cũng có khả năng Bắc Kinh sử dụng các khoản đầu tư thương mại và hải cảng để tác động đến hành vi của các quốc gia khác. Trước đây, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp tẩy chay thương mại mặc dù không tuyên bố với Úc, Nhật Bản, Litva, Na Uy và Đài Loan vì Trung Quốc cho rằng các quốc gia trên coi thường mình, Newsweek đưa tin. Theo báo cáo của AidData, phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học William & Mary ở Virginia vào tháng 7 năm 2023, quy mô đầu tư của Trung Quốc vào các cảng nước ngoài có thể mang lại đòn bẩy cho nước này đối với các quốc gia chủ nhà.

AidData xác định tám hải cảng ngoài Trung Quốc đại lục nơi Trung Quốc có thể thiết lập các căn cứ hải quân trong vòng năm năm tới:

  • Bata, Guinea Xích đạo: Được Trung Quốc tài trợ rất nhiều trên bờ biển Đại Tây Dương của Tây Phi.
  • Gwadar, Pakistan: Vị trí chiến lược trên Biển Ả Rập.
  • Hambantota, Sri Lanka: Nằm trên Ấn Độ Dương, đó là khoản đầu tư cảng nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
  • Kribi, Cameroon: Cảng Tây Phi này nhận được nguồn tài trợ đáng kể của Trung Quốc.
  • Nacala, Mozambique: Cảng nước sâu trên bờ biển phía đông của châu Phi.
  • Nouakchott, Mauritania: Cảng tây bắc châu Phi có vị trí gần với châu Âu và các điểm nghẽn chính.
  • Ream, Campuchia: Mối quan hệ chặt chẽ giữa giới tinh hoa của Campuchia và ĐCSTQ làm tăng khả năng hiện diện quân sự của Trung Quốc.
  • Vanuatu: Căn cứ quân sự tiềm năng của Trung Quốc ở các đảo Thái Bình Dương.

AidData đã xem xét quy mô tài trợ của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng bến cảng, giá trị chiến lược và vị trí của các hải cảng, mối quan hệ với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà, sự liên kết với Trung Quốc trong các cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và các đặc điểm của hải cảng phù hợp với hạm đội hải quân. Bốn trong số tám cảng trên nằm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc xây dựng tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở gần Sihanoukville gần đây đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Sau nhiều năm phủ nhận, các quan chức Campuchia đã thừa nhận vai trò then chốt của Trung Quốc trong công trình này. Cuối tháng 7, tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London tiết lộ hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 6 năm 2023 cho thấy các hoạt động xây dựng do Trung Quốc tài trợ. Trong số các cơ sở có một bến tàu mới giống như bến tàu tại căn cứ hải quân ở nước ngoài duy nhất của Trung Quốc ở Djibouti, Đông Phi. Chatham House đưa tin: “Ngay cả trung tâm hậu cần khiêm tốn tại Ream cũng sẽ giúp tàu chiến Trung Quốc có được phạm vi hoạt động lớn hơn và hiện diện lâu dài ở Vịnh Thái Lan và vùng biển Đông Nam Á”.

Tháng 8 năm 2022, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã phản đối vào khi tàu Viễn Vọng 5 (Yuan Wang 5), con tàu của Trung Quốc bị cáo buộc là tàu gián điệp, cập cảng Hambantota của Sri Lanka. Cảng này được xây dựng nhờ các khoản vay của Trung Quốc và được một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc tiếp quản theo hợp đồng thuê 99 năm khi Sri Lanka vỡ nợ. Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), Colombo đã cho phép tàu Viễn Vọng 5 cập cảng nhưng ra lệnh tắt thiết bị thu thập thông tin tình báo.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button