Hoa Kỳ triển khai năng lực và chiến lược tiên tiến đến Philippines cho cuộc tập trận Balikatan 2025

Nhân viên DIỄN ĐÀN
Cuộc tập trận Balikatan 2025 tại Philippines sẽ bao gồm khả năng tên lửa chống hạm mới, máy bay không người lái tối tân, huấn luyện lực lượng đặc nhiệm, và ra mắt đơn vị luân phiên Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ được thiết kế để linh hoạt, hiệu quả và tiên tiến về mặt công nghệ hơn.
Theo trang web Navy Times, Quân đội Philippines và Hoa Kỳ sẽ tổ chức cuộc tập trận thường niên từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 9 tháng 5, với sự tham gia của binh sĩ Úc và Nhật Bản, và hơn một chục quốc gia khác đến quan sát. Đây sẽ là lần thứ 40 của cuộc huấn luyện chung này.
Thiếu úy Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Ben Gillman phát biểu với Navy Times: “Cuộc tập trận bao gồm nhiều kịch bản, từ chiến tranh thông thường đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, bảo đảm rằng cả hai quốc gia đều sẵn sàng cho nhiều tình huống bất ngờ”. “Bài kiểm tra tổng lực là kết quả của quá trình hoạch định và huấn luyện song phương trước đó, sẽ thể hiện nỗ lực hiện đại hóa của Philippines và khả năng phối hợp hành động của chúng tôi để thúc đẩy lợi ích chung”.
NGUỒN VIDEO: TONYA SMITH/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ
Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ triển khai Hệ thống Ngăn chặn Tàu Viễn chinh Hải quân-Thủy quân Lục chiến (NMESIS) đến Balikatan. Bệ phóng trên mặt đất này gắn Tên lửa Tấn công Hải quân lên các phương tiện chiến thuật nhẹ không người lái. Được mô tả là “sát thủ tàu chiến” được thiết kế để ngăn chặn và kiểm soát biển, NMESIS có tầm hoạt động 100 hải lý.
Trung đoàn Thủy quân Lục chiến Ven biển (MLR) số 3 đã nhận được hệ thống này vào tháng 11 năm 2024 và dự kiến sẽ triển khai khả năng này tại Balikatan. Đại tá John Lehane, sĩ quan chỉ huy MLR số 3, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng NMESIS hỗ trợ “nhiệm vụ thiết yếu của trung đoàn trong việc tấn công mục tiêu hàng hải đối phương” và tăng cường hội nhập với lực lượng liên quân và đồng minh.

NGUỒN HÌNH ẢNH: HẠ SĨ EARIK BARTON/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth, trong buổi phát biểu cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro vào cuối tháng 3 năm 2025, cũng cam kết triển khai các phương tiện không người lái mặt nước (USV) cho Balikatan.
Hoa Kỳ đã cung cấp cho Hải quân Philippines các phương tiện USV điện Mantas T-12, và sẽ còn nhiều chiếc nữa được bàn giao theo một thỏa thuận tài chính trị giá 12.500 tỷ đồng (500 triệu đô la Mỹ) được công bố vào năm 2024.
Những máy bay không người lái này hỗ trợ nhiệm vụ giám sát, tìm kiếm cứu nạn, dò mìn và tác chiến điện tử. USV có thể phóng từ bờ hoặc tàu, mang được tải trọng 64 kg và được trang bị cảm biến cùng camera.
Lực lượng đặc nhiệm Philippines và Hoa Kỳ sẽ cùng diễn tập phòng thủ quần đảo Batanes — tỉnh có vị trí quan trọng chiến lược của Philippines nằm giữa đảo Luzon và Đài Loan. Nỗ lực bảo vệ lãnh thổ hàng hải của Manila diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn, đặc biệt là tại Biển Đông và eo biển Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 đã bác bỏ những yêu sách đó.
NGUỒN VIDEO: HẠ SĨ NAYOMI KOEPKE/TRUNG SĨ PHÁO THỦ ANTONIO CAMPBELL/HẠ SĨ NGHIỆP VỤ BENJAMIN ANDERSON/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ/QUÂN ĐỘI HOA KỲ
Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cũng sẽ giới thiệu Lực lượng Luân phiên Ven biển – Luzon trong khuôn khổ Balikatan, theo tin từ Viện Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval Institute-USNI). Đơn vị tiền phương của MLR số 3 là một phần trong chiến lược Thiết kế Lực lượng 2030 của Thủy quân lục chiến nhằm phát triển các chiến lược và chiến thuật ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo USNI, trung đoàn sẽ tham gia huấn luyện phòng thủ ven biển, nhận thức về miền hàng hải và phòng không trong khuôn khổ Balikatan.
Trung úy Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Anne Pentaleri nói với USNI rằng MLR số 3 sẽ tiếp tục nâng cao chiến thuật, kỹ thuật và quy trình cho các hoạt động căn cứ tiền phương viễn chinh và lực lượng đột kích đứng tại chỗ “với đội hình nhẹ, ít bị phát hiện và cơ động trải rộng khắp khu vực hoạt động tại Luzon”.