Chính quyền quân sự Miến Điện hạn chế viện trợ ở vùng động đất, tiếp tục tấn công, Liên Hợp Quốc cho biết

Reuters
Theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chính quyền quân sự Miến Điện đang ngăn chặn viện trợ nhân đạo thiết yếu dành cho các nạn nhân động đất tại những khu vực mà họ cho là có sự phản đối chế độ.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết họ đang điều tra hàng chục vụ tấn công do chính quyền quân sự thực hiện nhằm vào các đối thủ kể từ khi trận động đất xảy ra vào cuối tháng 3 năm 2025. Các cuộc tấn công này bao gồm cả không kích, trong đó có 16 vụ diễn ra sau khi chính quyền tuyên bố ngừng bắn vào đầu tháng 4.
Người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani cho biết tình hình nhân đạo, đặc biệt tại những khu vực nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền quân sự, đang ở mức thảm họa. Trận động đất có độ lớn 7,7 độ Richter— một trong những trận động đất mạnh nhất tấn công Miến Điện trong một thế kỷ — đã làm rung chuyển nơi ở của 28 triệu người, khiến các tòa nhà đổ sập, nhiều cộng đồng bị san phẳng và hàng loạt cư dân rơi vào tình cảnh thiếu thốn thực phẩm và nước uống.
Một tuần sau thảm họa, số người thiệt mạng được báo cáo đã vượt quá 3.000 người.
Bà Shamdasani nói: “Các cuộc không kích thật sự đáng báo động, gây sốc và cần phải chấm dứt ngay lập tức — trọng tâm lúc này phải là công tác cứu trợ nhân đạo”.
Nhiều quốc gia đã nhanh chóng hỗ trợ Miến Điện, cung cấp nhu yếu phẩm và triển khai các hoạt động cứu hộ và khắc phục hậu quả.
Theo báo The Irrawaddy, chính quyền quân sự tuyên bố ngừng bắn chỉ vài ngày sau trận động đất, cùng với ít nhất một nhóm vũ trang sắc tộc đang giao tranh với chính quyền quân sự trong cuộc nội chiến kéo dài bốn năm qua. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, nơi chính quyền quân sự tiếp tục không kích nhằm vào dân thường và các nhóm kháng chiến, theo một tờ báo có trụ sở tại Miến Điện.
Ông James Rodehaver, trưởng nhóm Miến Điện thuộc Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết: “Hạn chế viện trợ là một phần trong chiến lược nhằm ngăn không cho viện trợ đến được với các cộng đồng mà [chính quyền quân sự] cho rằng không ủng hộ việc họ giành quyền lực vào năm 2021”.
Hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến ngày càng lan rộng, bắt nguồn từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021 lật đổ chính phủ dân cử. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp của đất nước này đã bị tàn phá, hơn 3,5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, trong khi các dịch vụ thiết yếu như y tế cũng bị phá hủy nghiêm trọng.