Các quốc gia Đông Nam Á nhắm mục tiêu vào mối nguy an ninh do các trung tâm lừa đảo gây ra

Peter Parson
Các quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành các biện pháp mạnh đối với các trung tâm lừa đảo, một tổ chức tội phạm toàn cầu thực hiện các hành vi gian lận trị giá hàng nghìn tỷ đồng (hàng trăm triệu đô la Mỹ) mỗi năm, đồng thời xâm phạm quyền con người và đe dọa an ninh khu vực.
Các cơ quan chức năng ở Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang làm gián đoạn các tổ chức tội phạm, bắt giữ các đối tượng vi phạm và giải cứu các lao động bị bắt làm nô lệ. Các nỗ lực gần đây đã nhắm mục tiêu vào khu vực Myawaddy phía đông nam Miến Điện, nơi các trung tâm lừa đảo được cho là hoạt động dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang có liên kết với chính quyền quân sự đã lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ vào tháng 2 năm 2021.
Bà Julia Dickson, một cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ nói với DIỄN ĐÀN: “Các trung tâm lừa đảo ở Đông Nam Á gắn chặt với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia của Trung Quốc”. “Các trung tâm này phụ thuộc vào lao động bị buôn bán, giam giữ các nạn nhân của nạn buôn người trong các khu vực có bảo vệ nghiêm ngặt và ép buộc họ thực hiện các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp, chẳng hạn như lừa đảo giả danh, thu thập dữ liệu hoặc rửa tiền”.
Theo báo The Economist, các nạn nhân lừa đảo ở Hoa Kỳ mất đến 1,25 triệu tỷ đồng (50 tỷ đô la Mỹ) mỗi năm, thường liên quan đến các khoản đầu tư tiền điện tử gian lận.
Các trung tâm lừa đảo đã phát triển mạnh mẽ ở các khu vực biên giới của Miến Điện như Myawaddy, nơi quân đội Miến Điện có ảnh hưởng lớn. Theo lời Tiến sĩ Stefanie Kam, một nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói với DIỄN ĐÀN, gian lận trực tuyến, buôn người, buôn ma túy và cờ bạc casino đã trở thành các yếu tố kinh tế chính ở những khu vực này.
Bà cho biết: “Điều này làm gia tăng bất ổn xã hội, làm trầm trọng thêm các vấn đề như nghiện cờ bạc, mất sinh kế và di dời, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở đất nước này”.
Theo hãng tin Kyodo News của Nhật Bản, Thái Lan đã cắt nguồn cung cấp nhiên liệu và điện cho Myawaddy vào tháng 2 năm 2025 nhằm làm gián đoạn các trung tâm lừa đảo. Cũng trong tháng đó, Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA) báo cáo đã giải cứu hơn 260 nạn nhân lao động cưỡng bức từ các hoạt động lừa đảo ở Miến Điện. Những người bị giam giữ đã được giải cứu đến từ các quốc gia như Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Ethiopia, Nhật Bản, Nepal, Pakistan và Philippines.
Vào tháng 3 năm 2025, Lực lượng Cảnh sát Singapore thông báo Trung tâm Chống Lừa đảo của họ đã hợp tác với bốn ngân hàng lớn để ngăn chặn hơn 1,45 nghìn tỷ đồng (58 triệu đô la Mỹ) bị mất do lừa đảo trong vòng hai tháng trước. Sáng kiến này sử dụng công nghệ tự động để nhanh chóng nhận diện và bảo vệ các khách hàng ngân hàng dễ bị tổn thương.
Một chiến dịch phối hợp giữa Indonesia và Philippines đã dẫn đến việc bắt giữ cựu thị trưởng Bamban, một thành phố thuộc tỉnh Tarlac của Philippines, vào tháng 9 năm 2024 tại Indonesia. Theo The Economist, người bị tình nghi, một công dân Trung Quốc giả mạo danh tính, đã trốn chạy sau các cuộc đột kích vào các trung tâm vận hành cờ bạc ngoài khơi ở Bamban và đã “tham gia vào một khu vực lừa đảo lớn hơn cả thành phố này”.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã cấm các trung tâm cờ bạc như vậy vào tháng 7 năm 2024 vì chúng đã chuyển sang các hoạt động “xa rời cờ bạc, như lừa đảo tài chính, rửa tiền, mại dâm, buôn người, bắt cóc, tra tấn tàn bạo — thậm chí là giết người”.
Peter Parson là cộng tác viên của DIỄN ĐÀN, hiện sống tại Hamilton, New Zealand.