Kỷ niệm nhiều thập kỷ hợp tác an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nhân viên DIỄN ĐÀN
Hợp tác an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển và nâng cao quan hệ quốc phòng cũng như năng lực phòng thủ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua.
Kể từ khi thành lập vào năm 1947, Bộ tư lệnh Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM) đã nỗ lực xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác bền vững nhằm củng cố sức mạnh của các lực lượng khu vực và duy trì hòa bình. Tạp chí DIỄN ĐÀN đã ghi nhận những nỗ lực hợp tác an ninh này kể từ khi ra mắt vào năm 1975.
Hoa Kỳ luôn tìm cách đảm bảo an ninh khu vực thông qua các mối quan hệ này và thúc đẩy phát triển kinh tế cho các quốc gia trong khu vực. Theo các nhà phân tích, việc triển khai lực lượng tiền phương của Hoa Kỳ, vốn tiếp tục được duy trì sau Chiến tranh Lạnh, đã giúp ngăn chặn các cuộc đối đầu quân sự tại các điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, cũng như Biển Hoa Đông và Biển Đông.
USINDOPACOM áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với hợp tác an ninh, bao gồm các hoạt động, chương trình và tương tác với lực lượng đối tác và các tổ chức quốc phòng của họ, như tập trận, huấn luyện, hợp tác về vũ khí, chia sẻ thông tin và bán trang bị quân sự.
Hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) là một nền tảng quan trọng trong hợp tác an ninh. Một trong những báo cáo đầu tiên của DIỄN ĐÀN cho thấy sau khi cơn bão Olga tàn phá Philippines vào năm 1976, quân đội Hoa Kỳ đã sơ tán hơn 1.900 người và cung cấp hơn 168 tấn (370.000 pound) hàng cứu trợ, bao gồm 35,3 nghìn lít (9.340 gallon) nhiên liệu. Các nhiệm vụ HADR của USINDOPACOM đã được mở rộng, cụ thể là lực lượng Hoa Kỳ đã ứng phó hơn 45 thảm họa thiên nhiên tại 17 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ba thập kỷ qua.
USINDOPACOM cũng cung cấp các chương trình giáo dục và huấn luyện nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn cho lực lượng đối tác. Ví dụ, vào năm 2022, Lục quân Hoa Kỳ đã thành lập Trung tâm Sẵn sàng Đa quốc gia Thái Bình Dương (JPMRC), tạo điều kiện cho Hoa Kỳ và các Đồng minh, Đối tác thể hiện năng lực tác chiến đáng tin cậy trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Với sự tham gia của các lực lượng từ mọi nhánh quân đội Hoa Kỳ, Trung tâm Sẵn sàng Liên hợp Đa quốc gia Thái Bình Dương (JPMRC) đã thu hút sự tham gia và quan sát của các quốc gia bao gồm: Úc, Bangladesh, Canada, Pháp, Đức, Indonesia,Ý, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Vương quốc Anh.
Để tăng cường huấn luyện và nâng cao khả năng tương tác, USINDOPACOM cùng các Đồng minh và Đối tác tổ chức hàng trăm cuộc tập trận định kỳ quy mô lớn. Trong thập kỷ qua, nhiều cuộc tập trận đã trở nên đa phương hơn nhằm đối phó với các yêu sách lãnh thổ và hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, vốn đã đặt ra những thách thức an ninh mới.
Nhằm đối phó với các hành động gây hấn này và thúc đẩy hợp tác, Hoa Kỳ và các Đồng minh, Đối tác đã thành lập các cơ chế an ninh như quan hệ đối tác Bộ Tứ, gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như Đối thoại Chiến lược giữa Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Các diễn đàn hợp tác theo mô hình thu nhỏ này giúp giải quyết những thách thức thực tế của cạnh tranh chiến lược.
Đồng thời, Hoa Kỳ cũng ủng hộ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc định hình các quan hệ an ninh khu vực vượt ra ngoài phạm vi 10 quốc gia thành viên. Qua nhiều thập kỷ, ASEAN đã xây dựng hàng loạt nền tảng như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng và Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng nhằm thúc đẩy đối thoại với các cường quốc khu vực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế và hợp tác an ninh phi truyền thống.
Trong tương lai, USINDOPACOM sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với các Đồng minh và Đối tác nhằm duy trì hòa bình khu vực và hiện thực hóa tầm nhìn chung về một thế giới tự do, rộng mở, an toàn và thịnh vượng.