Châu Đại DươngNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác tăng cường ổn định và an ninh tại các đảo Thái Bình Dương thông qua thỏa thuận tuần duyên

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Tàu tuần duyên Midgett của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã ghé thăm Úc, New Zealand và Tuvalu vào tháng 2 năm 2025 trong khuôn khổ chương trình cho phép tàu thuyền của một bên tiến hành các hoạt động chấp pháp ở vùng biển nước khác (shiprider). Đây là sáng kiến hợp tác giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), chống buôn lậu ma túy và củng cố quan hệ song phương. Các quân nhân cũng trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm và nâng cao khả năng tương tác.

Các thỏa thuận thực thi pháp luật hàng hải song phương, còn gọi là shiprider, đã hỗ trợ các quốc gia và vùng lãnh thổ Thái Bình Dương trong việc khẳng định chủ quyền và quản lý tài nguyên ngoài khơi. Chương trình này được khởi xướng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2008 tại Quần đảo Cook, nhằm đối phó với những hành vi gây mất ổn định, làm suy yếu sự thịnh vượng chung, thương mại và hệ sinh thái biển lành mạnh.

Chương trình này trái ngược với nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương và các nơi khác. Chiến lược Chính sách Quốc phòng của New Zealand, được thông qua năm 2023, kêu gọi nhận thức về những động thái của Trung Quốc. Chiến lược nêu rõ: “Một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ đang sử dụng tất cả các công cụ quyền lực quốc gia theo những cách có thể gây thách thức cho các quy tắc và chuẩn mực quốc tế hiện hành”. “Bắc Kinh tiếp tục đầu tư mạnh vào việc mở rộng và hiện đại hóa quân đội, đồng thời ngày càng có khả năng triển khai lực lượng quân sự và bán quân sự ra ngoài khu vực lân cận, bao gồm khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Các tàu bệnh viện Peace Ark và Silk Road Ark của Bắc Kinh cung cấp dịch vụ y tế và tham gia giao lưu quốc tế. Trong khi đó, theo tạp chí The Diplomat đưa tin vào tháng 2 năm 2025, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện các sứ mệnh hộ tống và chống cướp biển.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2024, một số nhiệm vụ triển khai diễn ra tại những địa điểm mà Trung Quốc “có thể đã cân nhắc” hoặc “đã có động thái tiếp cận” để thiết lập căn cứ quân sự. Một số chuyến thăm bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung.

The Diplomat đưa tin: “Ngoài các khoản đầu tư lớn vào cảng biển ở nước ngoài, Trung Quốc ngày càng sử dụng các mục tiêu nhân đạo và thương mại để mở rộng hiện diện hàng hải ở nước ngoài – bao gồm ngoại giao y tế, nhiệm vụ hộ tống và diễn đàn an ninh”.

Theo các báo cáo, các hoạt động triển khai hàng hải mang danh nghĩa nhân đạo của Bắc Kinh đã bao gồm các quốc gia châu Phi, vùng Caribe, cũng như Bangladesh và Sri Lanka ở Nam Á, cùng các quốc đảo Thái Bình Dương như Kiribati, Quần đảo Solomon, Timor-Leste, Tonga và Vanuatu.

Các hoạt động trong thỏa thuận tuần duyên của Hoa Kỳ thể hiện cam kết hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương và thúc đẩy một khu vực an toàn, thịnh vượng. Chương trình này là một phần trong sáng kiến Hợp tác An ninh Khu vực của Bộ tư lệnh Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Các thỏa thuận thực thi pháp luật giữa Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và 12 đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho phép nhân sự quân đội và lực lượng chấp pháp cùng hoạt động trên tàu của nhau trong vùng lãnh hải tương ứng, bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế. Họ có quyền dừng, kiểm tra và bắt giữ các tàu bị nghi ngờ có hoạt động hàng hải bất hợp pháp như đánh bắt cá trái phép. Các quốc gia tham gia gồm Quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.

Theo thông tin từ một viên chức Tuần duyên nói với DIỄN ĐÀN, tàu Midgett, dài 418 feet (127 m), được trang bị công nghệ tiên tiến và đóng quân tại Honolulu, Hawaii, đã bắt đầu hành trình tuần tra kéo dài nhiều tháng vào tháng 1 năm 2025. Ngoài khơi Tuvalu, lực lượng trên tàu đã lên kiểm tra các tàu cá nhằm đảm bảo tuân thủ quy định, phối hợp cùng cảnh sát địa phương, quan chức ngành thủy sản và lãnh đạo chính quyền. Đại tá Matthew Rooney, sĩ quan chỉ huy tàu Midgett, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều từ nhau, và trải nghiệm này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích trong các chiến dịch tương lai”.

Thủy thủ đoàn tàu Midgett của Tuần duyên Hoa Kỳ chào tàu vận tải Canterbury của Hải quân Hoàng gia New Zealand tại cảng Wellington, New Zealand, tháng 2 năm 2025.
NGUỒN HÌNH ẢNH: HẠ SĨ QUAN BẬC 3 JENNIFER NILSON/TUẦN DUYÊN HOA KỲ

Thiết bị ScanEagle, một phương tiện giám sát và trinh sát hàng hải không người lái, đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về miền hàng hải.

Chuyến thăm New Zealand của tàu Midgett đã củng cố thỏa thuận năm 2023 giữa Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia New Zealand (RNZN). Ba thủy thủ RNZN đã tham gia hành trình từ Honolulu đến Nam Thái Bình Dương trong khuôn khổ chương trình trao đổi song phương. Tại thủ đô Wellington của New Zealand, thủy thủ đoàn tàu Midgett đã gặp gỡ đại diện Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand, Cảnh sát Hàng hải New Zealand cũng như người dân địa phương.

Theo hãng tin Reuters, sau đó tàu Midgett đã ghé cảng Sydney, Úc. Con tàu vượt qua biển Tasman – vùng biển ngăn cách Úc và New Zealand – vào tháng 2, trong khi các tàu chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực, buộc các hãng hàng không thương mại phải thay đổi lộ trình của 49 chuyến bay. Tuy nhiên, theo các hãng tin, tàu Midgett không chạm mặt các tàu chiến Trung Quốc. Ông Rooney nói với các phóng viên tại Sydney: “Chúng tôi biết về sự hiện diện của họ”. “Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến các chiến dịch của chúng tôi”.

Ông Drew Thompson, một học giả cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với báo The Straits Times rằng cuộc tập trận không được thông báo trước này là “một cuộc biểu dương lực lượng rất bất thường ở khu vực cách xa đại lục Trung Quốc”. “(Nó) đã gây gián đoạn hàng không dân dụng và đặt ra nghi vấn nghiêm trọng về tính đáng tin cậy của những tuyên bố từ Bắc Kinh rằng họ không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button