Đông Bắc ÁHoạt động Trái phép

Báo cáo cho biết đội tàu đánh cá của Trung Quốc đã sử dụng lao động cưỡng bức Triều Tiên, có khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Theo một báo cáo mới, một đội tàu đánh cá đường dài treo cờ Trung Quốc trong nhiều năm đã sử dụng lao động cưỡng bức từ Bắc Triều Tiên để vận hành tàu tại Ấn Độ Dương, có thể vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) có trụ sở tại London đã phỏng vấn 19 thuyền viên đến từ Indonesia và Philippines, những người từng làm việc cùng lao động Bắc Triều Tiên. Báo cáo điều tra của tổ chức này có tựa đề “Mắc kẹt trên biển: Vạch trần lao động cưỡng bức Bắc Triều Tiên trên đội tàu cá Trung Quốc tại Ấn Độ Dương“, phát hiện rằng ít nhất 12 tàu đã sử dụng lao động Bắc Triều Tiên từ năm 2019 đến năm 2024, trong khi một số thuyền viên bị luân chuyển giữa các tàu để tránh bị phát hiện.

Báo cáo công bố vào tháng 2 năm 2025 này cho biết: “Dường như các thuyền trưởng của những con tàu này đã chủ động che giấu sự hiện diện của thuyền viên Bắc Triều Tiên — bằng cách giấu họ tại các cảng hoặc chuyển họ sang tàu khác khi ở trên biển. Điều này cho thấy rằng các thuyền trưởng, và có thể cả chủ tàu, đều biết việc sử dụng lao động này là bị cấm”.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghiêm cấm tuyển dụng lao động Bắc Triều Tiên hoặc thực hiện các giao dịch tài chính mang lại lợi ích cho chính quyền Bình Nhưỡng do lo ngại rằng nguồn tiền này sẽ tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất hợp pháp của ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chức trên, Trung Quốc là điểm đến quan trọng cho lao động Bắc Triều Tiên do ông Kim xuất khẩu và được cho là đang sử dụng tới 100.000 lao động, bao gồm cả trong các nhà máy chế biến hải sản.

Bắc Kinh có đội tàu đánh cá xa bờ lớn nhất thế giới và các tàu mang cờ Trung Quốc là những tàu vi phạm nhiều nhất với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), theo một báo cáo tháng 12 năm 2023 của Quản lý Tài nguyên Thủy sản Poseidon và Sáng kiến Toàn cầu về Chống Tội phạm có tổ chức xuyên Quốc gia. Hoạt động đánh bắt IUU lên tới 14 triệu tấn hải sản mỗi năm và gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 1.250 triệu tỷ đồng (50 tỷ đô la Mỹ) hàng năm trên toàn thế giới, theo các nhà nghiên cứu.

Một nghiên cứu vào tháng 11 năm 2023 của Liên minh Minh bạch Tài chính có trụ sở tại Washington, D.C. phát hiện rằng 25% số tàu đánh cá thương mại bị nghi ngờ lạm dụng lao động đều treo cờ Trung Quốc.

Ông Steve Trent, Giám đốc điều hành và người sáng lập Tổ chức Công lý Môi trường (EJF), cho biết trong một thông cáo báo chí: “Hoạt động đánh bắt cá trái phép và lạm dụng nhân quyền gần như luôn xuất hiện trên các tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc”.

Theo Tổ chức này, các thuyền viên Indonesia và Philippines kể lại rằng họ bị lăng mạ, đánh đập, ép làm thêm giờ, bị lừa gạt về tiền lương và bị cô lập trên biển. Trong một số trường hợp, lao động Bắc Triều Tiên bị buộc phải làm việc tới 10 năm trên biển mà không được đặt chân lên đất liền.

Tổ chức này nhận định: “Đây là một hình thức lao động cưỡng bức có quy mô vượt xa nhiều trường hợp lạm dụng từng được ghi nhận trong ngành công nghiệp đánh bắt toàn cầu vốn đã đầy rẫy vấn đề”.

Báo The New York Times dẫn lời các thuyền viên Indonesia cho biết lao động Bắc Triều Tiên nói với họ rằng tiền lương của họ được chuyển thẳng cho chính quyền ông Kim. Theo báo The Guardian có trụ sở tại London, các lao động Bắc Triều Tiên chấp nhận làm việc trên tàu cá Trung Quốc để tránh nghĩa vụ quân sự. Thuyền viên Bắc Triều Tiên cho biết họ phải lựa chọn giữa làm việc trên đồn điền, tại một doanh nghiệp nhà nước hoặc lên tàu cá Trung Quốc.Một thuyền viên người Philippines đã nói với các điều tra viên của Tổ chức rằng người Bắc Triều Tiên đã gắn kết với thuyền viên của nước khác vì họ có kẻ thù chung.

Ông nói: “Chúng tôi hòa thuận vì chúng tôi cùng một phe”. “Chúng tôi không muốn bị Trung Quốc áp bức”.

Xin bình luận ở đây

Quyền riêng tư của Quý vị rất quan trọng đối với chúng tôi. Nếu Quý vị chọn chia sẻ địa chỉ email, nhân viên DIỄN ĐÀN sẽ chỉ sử dụng phương thức này để liên lạc với Quý vị. Chúng tôi sẽ không chia sẻ hoặc công khai địa chỉ email của Quý vị. Chỉ có tên và trang web của Quý vị sẽ hiển thị trong phần bình luận. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button