Singapore đầu tư vào hệ thống không người lái, tái cấu trúc Lực lượng vũ trang trong bối cảnh có nhiều thay đổi về nhân khẩu học

Sarah Chan
Singapore đang đẩy mạnh triển khai các hệ thống không người lái và tái tổ chức lực lượng vũ trang vì các thay đổi về nhân khẩu học đang thu hẹp nguồn tuyển tân binh tiềm năng trong quân đội.
Theo Bộ Nhân lực, trong thập kỷ qua, tỷ lệ người lớn trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu đã giảm từ 6:1 xuống còn dưới 4:1.
Bộ Quốc phòng Singapore đang tiên phong trong các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động của dân số già đối với sức mạnh và hiệu quả của lực lượng. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore,Tiến sĩ Ng Eng Hen, đã gọi sự suy giảm về số lượng quân nhân là “thách thức nội bộ lớn nhất” mà Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) phải đối mặt. Ví dụ, Bộ Quốc phòng cho biết Hải quân dự đoán sẽ giảm 30% nhân sự vào năm 2044, theo Defense News, một ấn phẩm có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông Ng đã nhấn mạnh những nỗ lực để vượt qua thách thức đó, chẳng hạn như tăng cường tự động hóa cũng như phân công lính nghĩa vụ và quân dự bị quốc gia, được gọi là “Quân nhân Quốc gia” (NSmen), vào các vai trò phù hợp với kỹ năng dân sự của họ để nâng cao hiệu quả.
Ông Muhammad Faizal Abdul Rahman, nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore, phát biểu với DIỄN ĐÀN rằng những tiến bộ công nghệ và việc tối ưu hóa nhân sự như vậy đang củng cố SAF.
“Singapore cần đủ nhân lực trong Lực lượng vũ trang để có thể tạo ra [sự răn đe] đáng tin cậy chống lại mọi mối đe dọa quân sự bên ngoài trên các miền vật lý và không gian mạng”, cũng theo ông Rahman.
Ông Faizal cho biết, để sử dụng quân đội một cách tối ưu, các nhiệm vụ trước đây được giao cho quân nhân chuyên nghiệp thì giờ đây được giao nhiều hơn cho lính nghĩa vụ quốc gia, những người thường ở độ tuổi từ 18 đến 24, hoặc cho các quân nhân quốc gia, những người có xu hướng lớn tuổi hơn và thường có các kỹ năng chuyên môn. Nhu cầu sẵn sàng tác chiến “đòi hỏi lính nghĩa vụ và quân nhân quốc gia cần có các kỹ năng và kiến thức để tác chiến cùng với quân nhân chuyên nghiệp trên chiến trường một cách hiệu quả”, ông Faizal nhấn mạnh.
Trong khi đó, các ông Thomas Lim và Ian Li đã viết trong một bài phân tích vào tháng 3 năm 2024 do RSIS công bố rằng các khoản đầu tư đáng kể vào các nền tảng không người lái cho Lục quân và Hải quân cũng được thiết kế để bù đắp cho số lượng quân đội giảm sút. Những khoản đầu tư này bao gồm việc triển khai các tàu mặt nước không người lái (USV) của Bộ Tư lệnh An ninh Hàng hải (MARSEC) của Hải quân và các phương tiện bay không người lái (UAV) “siêu nhỏ” của Lục quân. Theo Bộ Quốc phòng, các USV của MARSEC đã bắt đầu tuần tra hoạt động vào tháng 1 năm 2025.
Theo các ông Lim và Li, “Trong bối cảnh SAF dự định giảm một phần ba số lượng nhân sự vào năm 2030, việc triển khai USV của MARSEC là minh chứng rõ nhất cho ý tưởng sử dụng công nghệ như một công cụ tăng cường sức mạnh, có khả năng thay thế các vai trò có người điều khiển ngoài biển và thực hiện các chức năng tương tự với thời gian hoạt động lâu hơn, đồng thời đảm bảo người vận hành không gặp nguy hiểm”.
Hai ông cũng lưu ý rằng các UAV siêu nhỏ được thiết kế để tăng cường những hoạt động bộ binh cơ bản và hỗ trợ di chuyển quân. Các máy bay không người lái đã được ra mắt lần đầu trong cuộc tập trận Forging Sabre năm 2023, cho phép SAF thử nghiệm hệ thống trong các tình huống nhiệm vụ thực tế.
Ông Faizal cho biết tình hình căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng khiến cho việc răn đe trở nên quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia nhỏ hơn như Singapore, nơi dựa vào sự ổn định và luật pháp quốc tế.
“Các hệ thống không người lái giúp bù đắp cho những hạn chế về nhân lực và thích ứng trong bối cảnh chiến tranh đang ngày càng gia tăng, bao gồm cả chiến đấu không người lái trong các cuộc xung đột toàn cầu”, cũng theo ông Faizal.
Sarah Chan là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.