Malaysia tăng cường an ninh hàng hải với máy bay tuần tra tiên tiến và hợp tác khu vực

Peter Parson
Trước những mối đe dọa an ninh hàng hải ngày càng gia tăng, Malaysia đang củng cố khả năng tuần tra của mình bằng cách bổ sung máy bay mới và thắt chặt quan hệ với các đối tác khu vực.
Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đang mua hai máy bay tuần tra ATR 72MPA do công ty Leonardo Aerospace của Ý phát triển, đồng thời chuyển đổi ba máy bay vận tải CN-235 thành máy bay giám sát tiên tiến. Quá trình chuyển đổi này được thực hiện thông qua thỏa thuận với công ty quốc phòng PTDI của Indonesia và nhận tài trợ từ Hoa Kỳ.
Ông Adib Zalkapli, giám đốc điều hành của Viewfinder Global Affairs – một tổ chức tư vấn chính sách công và địa chính trị, chia sẻ với DIỄN ĐÀN: “Những khí tài bổ sung này chắc chắn sẽ giúp Malaysia duy trì sự hiện diện trên không đối với vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình”.
ATR 72MPA là phiên bản chuyên dụng mới nhất của dòng máy bay vận tải khu vực do Leonardo phát triển. Máy bay này có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát hàng hải, tác chiến chống tàu ngầm và tàu mặt nước, tìm kiếm cứu nạn, theo dõi môi trường, sơ tán y tế và vận chuyển nhân sự cũng như trang thiết bị. Thỏa thuận mua sắm có giá trị gần 4,3 nghìn tỷ đồng (171,9 triệu đô la Mỹ), theo công ty phân tích quốc phòng Janes. Các máy bay dự kiến được bàn giao vào giữa năm 2026.
Theo tạp chí Naval News, các máy bay CN-235 tầm trung, hai động cơ, được trang bị radar giám sát hàng hải, tháp quang điện – hồng ngoại, hệ thống liên lạc ngoài đường chân trời và hệ thống điều hành dạng lắp ráp/ tháo rời. Quá trình cải tiến được thực hiện tại Indonesia bởi PTDI với sự hỗ trợ từ công ty Giám sát và Phòng thủ Tích hợp của Hoa Kỳ, cùng khoản tài trợ khoảng 1.500 tỷ đồng (60 triệu đô la Mỹ) từ Sáng kiến An ninh Hàng hải của Hoa Kỳ. Ba chiếc máy bay đã được bàn giao vào giữa năm 2024 cho căn cứ không quân Subang của RMAF.
Malaysia cũng đang chuẩn bị mua ba máy bay không người lái ANKA của Turkish Aerospace Industries để phục vụ nhiệm vụ giám sát hàng hải.
Malaysia cần tăng cường an ninh hàng hải chủ yếu do tranh chấp lãnh thổ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) tại Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa và bãi cạn Luconia – những điểm nóng tiềm tàng. Các hành động gây hấn của CHND Trung Hoa, bao gồm yêu cầu Malaysia ngừng khai thác dầu khí và triển khai tàu tuần tra để giám sát tàu của Malaysia, đã làm gia tăng căng thẳng. Ngoài ra, các tàu cá nước ngoài thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Cướp biển và các hoạt động phi pháp khác tại eo biển Singapore và Malacca vẫn là những mối đe dọa, dù số vụ việc đã giảm nhờ các hoạt động tuần tra phối hợp và hợp tác quốc tế.
Sáng kiến hợp tác hàng hải của Malaysia với Indonesia và Philippines nhằm điều phối các hoạt động tuần tra trên biển và trên không tại biển Sulu và biển Celebes, nhằm ngăn chặn và đối phó với nạn cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, cũng như các tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu và khủng bố.
Hải quân Indonesia hiện vận hành sáu máy bay CN-235, trong đó có hai chiếc được nâng cấp với thiết bị tiên tiến, theo báo cáo của Janes. Trong khi đó, theo tờ Philippine Daily Inquirer, Không quân Philippines dự kiến sẽ nhận hai phiên bản ATR 72 vào năm 2025.
Ông Zalkapli nói: “Những thách thức mà Malaysia phải đối mặt với tư cách là một quốc gia biển không phải là duy nhất”. “RMAF cần bảo vệ nguồn tài nguyên biển của đất nước, duy trì sự hiện diện và kiểm soát trong vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Peter Parson là cộng tác viên của DIỄN ĐÀN, hiện sống tại Hamilton, New Zealand.