Đông Nam ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIP

Indonesia tăng cường phòng thủ hàng hải bằng máy bay không người lái tầm xa

Gusty Da Costa

Theo các nhà phân tích, việc Indonesia dự định mua 12 máy bay không người lái ANKA là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa khả năng quân sự, tăng cường an ninh hàng hải và hỗ trợ tự chủ trong sản xuất quốc phòng.

Thỏa thuận trị giá 7,5 nghìn tỷ đồng (300 triệu đô la Mỹ) với Turkish Aerospace Industries (TAI) bao gồm sáu máy bay được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và sáu chiếc được lắp ráp tại Indonesia bởi công ty hàng không PTDI. Dự kiến việc bàn giao hoàn thành vào tháng 11 năm 2025, giúp không quân, lục lượng lục quân và hải quân Indonesia tăng cường bảo vệ vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế.

Các phương tiện bay không người lái (UAV) tầm trung, thời gian bay dài sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức về an ninh hàng hải.

Máy bay không người lái ANKA do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất thực hiện chuyến bay đầu tiên với vũ khí.
NGUỒN VIDEO: TURKISH AEROSPACE INDUSTRIES/ANADOLU AGENCY/REUTERS

Ông Marcellus Hakeng Jayawibawa, nhà phân tích quốc phòng thuộc Trung tâm Chiến lược Lemhannas có trụ sở tại Jakarta, nói với DIỄN ĐÀN: “Lãnh thổ hàng hải rộng lớn của Indonesia, bao phủ 3,25 triệu km² mặt nước và hơn 17.000 hòn đảo, đặt ra thách thức to lớn trong việc giám sát và bảo vệ”. Các phương tiện bay không người lái (UAV) sẽ “cung cấp giải pháp chiến lược bằng cách nâng cao khả năng phát hiện sớm mối đe dọa và cho phép tuần tra chuyên sâu, ngay cả trong điều kiện bất lợi”.

Theo ông Marcellus, với radar tiên tiến và công nghệ hình ảnh hồng ngoại, UAV ANKA có thể giám sát nạn đánh bắt cá trái phép, như ở vùng biển Bắc Natuna và Arafura, cũng như cướp biển trên các tuyến thương mại chiến lược như eo biển Malacca.

Ngoài việc tăng cường nhận thức về miền hàng hải, các UAV này sẽ giúp Jakarta giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và các thách thức an ninh khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Yono Reksoprodjo, Trưởng ban chuyển giao công nghệ và bù đắp của Ủy ban Chính sách Công nghiệp Quốc phòng Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN rằng thỏa thuận với TAI không chỉ là mua sắm mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ trong việc củng cố ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia. Ông nói: “Mọi hợp đồng mua sắm sản phẩm quốc phòng từ nước ngoài đều phải tuân theo quy định về hoàn trả thương mại, nội dung nội địa và bù đắp”. “Điều này đảm bảo Indonesia có thể đạt được sự tự chủ trong vận hành và cuối cùng sản xuất các sản phẩm tương tự trong nước”.

Sự hợp tác này phù hợp với mục tiêu của Indonesia trong việc thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng tự chủ, tạo nền tảng cho việc sản xuất vũ khí tiên tiến trong nước.

Ông Teuku Rezasyah, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran, nhận định: “Nếu dự án này thành công, Indonesia sẽ có lợi thế lớn”. “Dự án giúp các kỹ sư và nhà nghiên cứu Indonesia làm chủ công nghệ này và hỗ trợ phát triển năng lực trong nước”.

Sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ là một mô hình tận dụng hợp tác quốc tế để xây dựng năng lực nội địa. Ông Yono cho biết: “Việc mua sắm này không chỉ là mua thiết bị; nó còn nhằm tạo ra một hệ sinh thái quốc phòng bền vững và có tính cạnh tranh”.

Ông Marcellus nhận xét rằng tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thổ Nhĩ Kỳ giúp nâng cao uy tín cho các thiết bị quốc phòng của nước này. Ông nói: “Đa dạng hóa đối tác quốc phòng là điều quan trọng để Indonesia giảm phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất”. “Sự hợp tác này mở ra cơ hội cho các dự án phát triển và nghiên cứu chung trong tương lai”.

Gusty Da Costa là cộng tác viên DIỄN ĐÀN thường trực tại Jakarta, Indonesia.

Xin bình luận ở đây

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button