Báo cáo vạch trần những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ trong suốt năm 2024

Nhân viên DIỄN ĐÀN
Một nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc đã mất tích sau khi đưa ra chỉ trích mang tính cá nhân về nền kinh tế suy yếu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), tờ The Wall Street Journal đưa tin vào tháng 9 năm 2024.
Vào giữa tháng 12, một trưởng làng Tây Tạng đã qua đời sau ba ngày được thả khỏi tù vì tội “gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước”. Theo Chính quyền Trung ương Tây Tạng, tội của trưởng làng là ủng hộ việc bảo tồn tiếng Tây Tạng.
Theo Báo cáo Thế giới năm 2025 của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, một nhóm vận động và nghiên cứu có trụ sở tại New York, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở rộng chiến dịch đàn áp tự do và nhân quyền trong suốt năm vừa qua.
“Chính phủ Trung Quốc đã kìm kẹp đất nước này trong suốt năm 2024, cả về quyền tự do ngôn luận lẫn quyền tự do tôn giáo”, bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), phó giám đốc của tổ chức này tại Trung Quốc, tuyên bố. “Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt hơn nữa các luật mang tính lạm dụng và bỏ tù những người chỉ trích cũng như bảo vệ nhân quyền, đồng thời khiến việc báo cáo về các hành vi lạm dụng của chính phủ trên khắp đất nước ngày càng khó khăn hơn”.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án việc Bắc Kinh coi thường nhân quyền. Các quốc gia đã tăng cường lệnh trừng phạt và luật pháp, chẳng hạn như Đạo luật Chống lao động bưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ của Hoa Kỳ. Trong khi đó, những người ủng hộ nhân quyền đang nỗ lực vạch trần những hành vi lạm dụng của ĐCSTQ và khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng lên tiếng phản đối sự ngược đãi này.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các chủ đề trước đây được dung thứ đang ngày càng bị hình sự hóa trên khắp CHND Trung Hoa. ĐCSTQ đã kiểm duyệt hoạt động phân tích kinh tế và ngừng công bố các dữ liệu như tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng của thanh niên.
Theo nhóm nhân quyền này, chính quyền CHND Trung Hoa thường xuyên quấy rối và bắt giữ những nhà lãnh đạo của các nhóm tôn giáo bị coi là bất hợp pháp, bao gồm cả những giáo đoàn từ chối tham gia các nhà thờ được ĐCSTQ chấp thuận. Một nhà lãnh đạo “nhà thờ đặt tại nhà dân” như vậy đã bị buộc tội kích động lật đổ và bị kết án 5 năm tù vào năm 2024.
Báo cáo này cũng cho biết, kể từ khi Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc hóa các tôn giáo vào năm 2016, “các nhà chức trách đã tìm cách định hình lại các tôn giáo để thúc đẩy lòng trung thành với đảng và ông Tập”.
Người Tây Tạng phải đối mặt với việc bị giam giữ tùy tiện vì đăng các bình luận bất lợi trên mạng hoặc liên lạc với người Tây Tạng bên ngoài Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông. Theo những người ủng hộ nhân quyền, khi ĐCSTQ cố gắng đàn áp văn hóa Tây Tạng, các quan chức đã đóng cửa các trường học dạy tiếng bản địa và di sản, đồng thời giam giữ các nhà giáo dục và nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối. Hàng trăm nhà sư và dân làng Tây Tạng cũng đã bị giam giữ vào năm 2024 vì phản đối một cách hòa bình việc xây dựng một con đập thủy điện sẽ nhấn chìm các tu viện và làng mạc.
CHND Trung Hoa tiếp tục bác bỏ các yêu cầu quốc tế về việc chấm dứt tình trạng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc Turk khác theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương. Theo ghi nhận của các nhóm nhân quyền, các nhà nghiên cứu và các tài liệu nội bộ của ĐCSTQ, các tội ác chống lại loài người bao gồm: giam giữ tùy tiện hàng loạt, tra tấn, giám sát hàng loạt, lao động cưỡng bức, đàn áp văn hóa và tôn giáo, và chia cắt gia đình.
Vào tháng 9 năm 2024, Úc, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Lithuania, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã tiếp tục kêu gọi CHND Trung Hoa trả tự do cho những người bị giam giữ một cách bất công ở Tân Cương, làm rõ số phận của những người mất tích và hợp tác với những nhà ủng hộ nhân quyền của Liên Hợp Quốc để giải quyết các vụ lạm dụng.
Luật lệ ngày càng hà khắc ở Hồng Kông đã dẫn đến việc các nhà hoạt động và người biểu tình bị bỏ tù vì những hành động như tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 của ĐCSTQ, vẽ graffiti ủng hộ dân chủ, mặc áo phông “Giải phóng Hồng Kông” và các hành động khác mà đảng này cho là phản động. Các nhà báo cũng phải đối mặt với án tù vì đăng tin tức chưa kiểm duyệt. Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc gọi luật này là “một bước thụt lùi”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức trả tự do cho những người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác bị giam giữ oan, trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền, thu hồi cái gọi là luật an ninh quốc gia của Hồng Kông và cho phép các quan sát viên độc lập tiếp cận Tây Tạng và Tân Cương.