Nam ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Việc rút quân tại Đường Kiểm soát Thực tế giúp giảm căng thẳng tạm thời khi Ấn Độ đối phó với chiến thuật hung hăng của CHND Trung Hoa

Mandeep Singh

Mặc dù các cuộc đụng độ tại các khu vực tranh chấp dọc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã giảm bớt, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn, buộc New Delhi phải tăng cường phòng thủ dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), đường biên giới trên thực tế giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.

Các cuộc thảo luận ngoại giao về tranh chấp biên giới đã được nối lại vào tháng 12 năm 2024 sau hơn bốn năm đình trệ, tiếp sau thỏa thuận vào tháng 10 năm 2024 về việc rút quân và sắp xếp tuần tra. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những bất ổn dọc theo LAC dài gần 3.500 km không chỉ dừng lại ở các cuộc đối đầu quân sự, mà Bắc Kinh còn ngày càng sử dụng các chiến thuật phi truyền thống để củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình.

Xe tải quân sự Ấn Độ di chuyển dọc biên giới phía bắc vào năm 2020. Tổng tư lệnh Quân đội Ấn Độ tuyên bố vào tháng 1 năm 2025 rằng nước này sẽ không giảm ngay số lượng binh sĩ trong khu vực.
NGUỒN VIDEO: ANI/REUTERS

Từ chiến thuật “chia nhỏ từng phần” nhằm thay đổi dần hiện trạng lãnh thổ cho đến mở rộng cơ sở hạ tầng, sự hung hăng của CHND Trung Hoa đã làm gia tăng thách thức lâu dài đối với Ấn Độ. Trong khi đó, theo báo cáo, Bắc Kinh đang tuyển mộ thanh niên từ Tây Tạng do CHND Trung Hoa kiểm soát để đưa vào các đơn vị dân quân có khả năng tác chiến chuyên biệt, đồng thời xây dựng các khu định cư có mục đích kép trong khu vực, phản ánh rõ ràng cách tiếp cận của họ. Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định, chiến lược hai mặt của CHND Trung Hoa—vừa đối thoại vừa phô trương sức mạnh—tiếp tục thử thách quyết tâm của Ấn Độ dọc theo tuyến biên giới mong manh này.

Ông Prateek Joshi, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở New Delhi, nói với DIỄN ĐÀN: “Việc rút quân đã diễn ra tại nhiều điểm dọc LAC, đặc biệt là tại khu vực Depsang và Demchok thuộc khu vực phía tây của LAC”, nằm ở vùng núi Ladakh của Ấn Độ.

Quân đội Trung Quốc đã rút khỏi các khu vực này sau thỏa thuận tuần tra gần đây. Đối thoại của Đại diện Đặc biệt về các vấn đề LAC đã được nối lại vào giữa tháng 12 năm 2024, lần đầu tiên kể từ cuộc đụng độ chết người giữa lực lượng hai nước tại thung lũng Galwan của Ladakh vào giữa năm 2020. Các cuộc đàm phán cũng bao gồm các vấn đề như thương mại xuyên biên giới và chia sẻ nguồn nước.

Ông Joshi, người gần đây đã thực hiện nghiên cứu dọc theo LAC nhận xét: “Mặc dù những diễn biến này là tín hiệu đáng hoan nghênh, nhưng chúng chủ yếu liên quan đến việc quản lý biên giới hơn là giải quyết tranh chấp biên giới”. “Hai động thái gần đây của Trung Quốc có thể sẽ làm phức tạp tình hình”.

Kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Tsangpo tại Tây Tạng của CHND Trung Hoa đã làm dấy lên lo ngại ở Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc nhiều vào con sông này, nơi được gọi là sông Brahmaputra. Các chuyên gia cho rằng, siêu đập này có thể gây hại cho các cộng đồng dân cư hạ nguồn và các hệ sinh thái mong manh ở Ấn Độ và Bangladesh, đồng thời trao cho Bắc Kinh một công cụ chiến lược khi có thể hạn chế dòng chảy sang Ấn Độ trong mùa hạn hán hoặc xả lũ gây ngập lụt.

Ngoài ra, vào đầu tháng 1 năm 2025, tờ báo The Hindu của Ấn Độ đưa tin rằng New Delhi gần đây đã gửi “phản đối nghiêm khắc” tới CHND Trung Hoa liên quan đến quyết định thành lập hai huyện hành chính mới tại khu tự trị Hotan của Trung Quốc, trong đó có một huyện mở rộng vào khu vực tranh chấp Aksai Chin. Động thái này dường như là một nỗ lực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực tranh chấp lâu nay.

Ông Joshi nói: “Những diễn biến này—đều liên quan đến LAC—cho thấy một chính sách quen thuộc của Trung Quốc, trong đó đối thoại mang tính xây dựng luôn đi kèm với những động thái phô trương sức mạnh”.

Ông Joshi cho biết, trong nhiều năm, CHND Trung Hoa đã xây dựng các ngôi làng có mục đích kép tại các khu vực nhạy cảm dọc LAC, với cư dân được cho là bao gồm cả binh sĩ và lực lượng dự bị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ban đầu tập trung ở khu vực phía đông của LAC, hoạt động này hiện nay đã được ghi nhận tại các phần trung tâm của biên giới. Theo các hình ảnh vệ tinh gần đây, Bắc Kinh đã tiếp tục chiến thuật “chia nhỏ từng phần” bằng các dự án xây dựng quanh khu vực tranh chấp Hồ Pangong, nơi nằm giữa Ladakh và Tây Tạng. Bắc Kinh lần đầu tiên triển khai quân đội đến khu vực này vào năm 2020.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang triển khai các đội dân quân Tây Tạng chuyên tác chiến và giám sát ở địa hình cao, ông Joshi cho biết.

Theo ông Joshi, để đáp trả, Ấn Độ đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối biên giới. Các biện pháp quan trọng bao gồm đẩy nhanh xây dựng đường sá, cầu và sân bay dã chiến, triển khai các đơn vị tinh nhuệ như Lực lượng Đặc nhiệm Biên giới và Lực lượng Biệt kích Garud, cũng như triển khai các sáng kiến phát triển nhằm hỗ trợ cộng đồng dân cư biên giới.

New Delhi cũng đã tăng cường năng lực giám sát để theo dõi động thái của Trung Quốc và phát hiện các vụ xâm nhập, ông Joshi nhận xét: “Chiến lược kép của Trung Quốc—vừa đối thoại vừa triển khai các hành động gây hấn như mở rộng cơ sở hạ tầng và khẳng định chủ quyền hành chính—cho thấy Ấn Độ cần phải chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài dọc theo LAC”.

Mandeep Singh là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ New Delhi, Ấn Độ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button