Việc ghép nối vệ tinh thúc đẩy các mục tiêu công nghệ vũ trụ của Ấn Độ

The Associated Press
Vào giữa tháng 1 năm 2025, Ấn Độ đã ghép nối hai vệ tinh trong không gian, trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới đạt được nhiệm vụ này, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng công nghệ không gian đầy tham vọng của New Delhi.
Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) công bố rằng họ đã điều khiển hai vệ tinh, mỗi vệ tinh nặng 220 kilogram, trong một thử nghiệm ghép nối vệ tinh chính xác mang tên SpaDeX. Họ gọi hoạt động này là một khoảnh khắc lịch sử.
Hai vệ tinh, Chaser và Target, đã được phóng trên cùng một tên lửa từ Trung tâm Không gian Satish Dhawan ở Sriharikota vào tháng 12 năm 2024.
“Ấn Độ đã đưa tên mình vào lịch sử không gian!” ISRO đăng trên mạng xã hội. “Sau khi ghép nối, việc điều khiển hai vệ tinh như một vật thể duy nhất đã thành công”.
Thủ tướng Narendra Modi gọi đây là “bước đệm quan trọng cho các sứ mệnh không gian đầy tham vọng của Ấn Độ trong những năm tới”.
Nhiệm vụ này, trước đây đã được Hoa Kỳ, Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện, đã thể hiện vị thế ngày càng tăng của Ấn Độ như một cường quốc công nghệ và vũ trụ.
Năng lực vũ trụ được tăng cường cũng hỗ trợ răn đe vì vệ tinh và các thông tin tình báo không gian khác có thể tăng cường nhận thức và hiệu quả quân sự.
Năm 2023, ông Modi cho biết ISRO sẽ thành lập một trạm vũ trụ do trong nước sản xuất muộn nhất là vào năm 2035 và đưa một phi hành gia Ấn Độ lên mặt trăng muộn nhất là vào năm 2040.
Hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ từ những năm 1960, Ấn Độ đã phóng vệ tinh cho chính mình và các quốc gia khác, bao gồm cả việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào năm 2014.
Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ gần cực nam của mặt trăng vào năm 2023 trong một chuyến hành trình lịch sử đến vùng lãnh thổ chưa được khám phá mà các nhà khoa học tin rằng có thể chứa trữ lượng nước đóng băng quan trọng.