Nguồn tài trợ từ CHND Trung Hoa cho kênh đào Campuchia và các dự án hứa hẹn khác đang bị nghi ngờ
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol tuyên bố vào tháng 5 năm 2024 rằng một công ty thuộc sở hữu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) sẽ tài trợ “toàn bộ” cho kênh đào Funan Techo. Phnom Penh đã ca ngợi dự án nối sông Mekong với Vịnh Thái Lan là một yếu tố thay đổi kinh tế quan trọng.
Đến tháng 8, lãnh đạo Campuchia Hun Manet cho biết tại lễ khởi công dự án rằng CHND Trung Hoa sẽ chi trả 49% chi phí cho kênh đào. Cùng ngày, cha của ông, cựu Thủ tướng Hun Sen, đã kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào kênh đào này trên Facebook.
Những người quen thuộc với dự án đã nói với hãng tin Reuters vài tháng sau rằng Bắc Kinh chưa cam kết bất kỳ khoản tiền nào cho dự án, vốn ước tính tiêu tốn 42,5 nghìn tỷ đồng (1,7 tỷ đô la Mỹ), tương đương khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội của Campuchia.
Các quan chức Campuchia và CHND Trung Hoa đã phản hồi rằng quan hệ giữa hai nước đang tiến triển và nhiều dự án đang được triển khai.
Các chuyên gia nói với Reuters rằn cam kết giảm dần của Bắc Kinh có nguy cơ làm thất bại dự án khi các câu hỏi về chi phí, tác động môi trường và tính khả thi vẫn còn.
Các khoản đầu tư nước ngoài của CHND Trung Hoa đang giảm khi nền kinh tế nước này suy yếu. Ngay cả tại Campuchia, được coi là đối tác chiến lược, Bắc Kinh cũng đã rút lui khỏi các lời hứa như đóng góp 25 nghìn tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) cho một sân bay mới ở Phnom Penh.
Reuters đưa tin: “Việc từ chối hỗ trợ này diễn ra khi một tuyến đường cao tốc do Công ty Đường bộ và Cầu Trung Quốc (CRBC) xây dựng nối Phnom Penh với thành phố ven biển Sihanoukville không được người dân Campuchia và các tài xế xe tải sử dụng nhiều. Họ thích con đường cũ đông đúc nhưng miễn phí hơn là đường thu phí”.
Trong khi đó, CHND Trung Hoa có khả năng sẽ không thực hiện các cam kết đã đưa ra với Syria thông qua chương trình cơ sở hạ tầng Một Vành đai, Một Con đường (OBOR). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với nhà độc tài Syria Bashar Assad, người vừa bị lật đổ, rằng các khoản đầu tư sẽ tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của chế độ Assad vào cuối năm 2024, trang web DefTech Times đưa tin Syria không thể trông cậy vào Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phục hồi.
Tại Nepal, các dự án được Trung Quốc tài trợ cũng đã gặp rắc rối. Ví dụ, Bắc Kinh đã từ chối giải ngân viện trợ đã hứa trong 9 năm để nâng cấp đường cao tốc Araniko. Nepal đã phải tự tài trợ cải thiện con đường cao tốc nối Kathmandu với biên giới Nepal-Trung Quốc.
Trước khi lãnh đạo hai nước đồng ý về khuôn khổ OBOR vào cuối năm 2024, Bắc Kinh đã yêu cầu thỏa thuận phải bao gồm khả năng cho vay. Các nhà lập pháp Nepal nói rằng quốc gia này không thể đi vay từ CHND Trung Hoa, đặc biệt khi lãi suất của Bắc Kinh cao hơn các chủ nợ khác.
Các khoản nợ mà các nước như Ghana, Pakistan, Sri Lanka và Zambia phải trả cho CHND Trung Hoa đã làm suy yếu nền kinh tế của họ, với các chính phủ đã vỡ nợ hoặc có nguy cơ vỡ nợ. Các nhà phân tích cho rằng các hành vi cho vay mang tính bóc lột có thể buộc các quốc gia phải nhượng quyền kiểm soát các tài sản chiến lược hoặc chấp nhận ảnh hưởng của CHND Trung Hoa đối với chính sách đối nội hoặc đối ngoại của họ.
Theo báo The New York Times, hơn một chục quốc gia đã vỡ nợ kể từ năm 2022. Trong khi các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hợp tác với các chủ nợ để tái cơ cấu nợ, Bắc Kinh nổi tiếng với việc không muốn điều chỉnh các điều khoản của mình.
Theo tờ báo, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã kêu gọi đẩy nhanh việc giảm nợ và mô tả các quy trình tài chính của CHND Trung Hoa là thiếu minh bạch. Bà cũng đề xuất tạo ra các nguồn tín dụng mới cho “các quốc gia có tham vọng cao” quan tâm đến các dự án năng lượng sạch.