Úc công bố thỏa thuận trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đồng (118 triệu đô la Mỹ) để tăng cường hoạt động cảnh sát tại Quần đảo Solomon
The Associated Press
Úc sẽ chi trả để có nhiều cảnh sát hơn tại Quần đảo Solomon và thành lập một trung tâm đào tạo cảnh sát tại thủ đô Honiara của quốc đảo Nam Thái Bình Dương này. Khoản tài trợ trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đồng (118 triệu đô la Mỹ) này sẽ hỗ trợ và đào tạo cho lực lượng tân binh của Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon và “giảm nhu cầu hỗ trợ từ bên ngoài”, theo tuyên bố của Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào giữa tháng 12 năm 2024.
Ông Albanese cho biết, “Chính phủ của tôi tự hào đã đầu tư đáng kể vào lực lượng cảnh sát của Quần đảo Solomon để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục chịu trách nhiệm chính về an ninh tại Quần đảo Solomon”.
Trong một tuyên bố, ông Albanese và thủ tướng Jeremiah Manele của Quần đảo Solomon cho biết, mục đích của gói tài trợ này là xây dựng năng lực an ninh lâu dài tại Quần đảo Solomon, “qua đó dần giảm sự phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài”.
Úc đã theo đuổi các thỏa thuận an ninh song phương mới với các nước láng giềng trên đảo Thái Bình Dương kể từ khi Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) ký một hiệp ước an ninh vào năm 2022 dưới thời người tiền nhiệm của ông Manele. Thỏa thuận đó đã gây lo ngại cho Úc và các Đồng minh và Đối tác của Úc, bao gồm cả Hoa Kỳ, rằng quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ hải quân tại quần đảo Solomon, một vị trí chiến lược quan trọng.
Gần đây, Úc đã ký các thỏa thuận an ninh với Nauru, Papua New Guinea và Tuvalu, trong đó trao cho Canberra quyền phủ quyết đối với bất kỳ thỏa thuận an ninh nào mà các quốc gia này có thể muốn ký với các quốc gia thứ ba, bao gồm cả CHND Trung Hoa.
“Tất nhiên, Quần đảo Solomon là một quốc gia có chủ quyền”, ông Albanese khẳng định. “Sau khi ký thỏa thuận này, chúng tôi đã có thể đảm bảo rằng Úc luôn là đối tác an ninh được lựa chọn”.
Theo ông Mihai Sora, một chuyên gia về quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu chính sách quốc tế có trụ sở tại Sydney, thỏa thuận này là “một chiến thắng rõ ràng cho Quần đảo Solomon, nơi đã đạt được sự thúc đẩy rất cần thiết cho lĩnh vực luật pháp và tư pháp của mình”.
Ông Blake Johnson, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Canberra, cho biết các thỏa thuận về hoạt động tuần tra của CHND Trung Hoa tại Thái Bình Dương mang lại cho Bắc Kinh các công cụ để kiểm soát người nước ngoài và theo đuổi các mục tiêu khác.
Ông cho biết, “Đôi khi họ có thể phản ứng rất cứng rắn”. “Cũng có những lo ngại về dữ liệu và rủi ro về quyền riêng tư liên quan đến cảnh sát Trung Quốc trong khu vực. Đôi khi họ cung cấp thiết bị giám sát. Có những lo ngại về việc thiết bị đó được sử dụng để làm gì và nó đang ghi lại những gì”.