Cuộc tập trận Keris Woomera thể hiện sự hợp tác quân sự nâng cao giữa Úc và Indonesia
Tom Abke
Úc và Indonesia đang tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua việc thúc đẩy sự phối hợp hoạt động và hợp tác an ninh khu vực theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) mới đây giữa hai quốc gia.
DCA, dựa trên Hiệp ước Lombok song phương năm 2006 và các khuôn khổ hợp tác quốc phòng trước đó, tạo điều kiện tăng cường khả năng tương tác, bảo vệ pháp lý cho các nhân viên hoạt động trên lãnh thổ của nhau và tổ chức các cuộc tập trận quân sự toàn diện.
Tại lễ ký kết vào tháng 8 năm 2024 tại Học viện Quân sự Indonesia ở Magelang, khi còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Tổng thống hiện tại của Indonesia là ông Prabowo Subianto cho biết: “Thỏa thuận này thể hiện rằng chúng ta muốn duy trì và cải thiện mối quan hệ chặt chẽ và tình hữu nghị tốt đẹp”. Ông nhấn mạnh vai trò của hiệp ước trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh chung và thúc đẩy hòa bình khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nhận định DCA là “thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ song phương của chúng ta”.
Cuộc tập trận Keris Woomera 2024, kết thúc vào giữa tháng 11, là minh chứng cho sự hợp tác được nâng cao này. Khoảng 2.000 quân nhân từ Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) và Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia (TNI) đã tham gia vào các hoạt động trên không, trên biển, trên bộ và đổ bộ, bao gồm màn bắn đạn thật với xe tăng, pháo binh, bộ binh và máy bay chiến đấu tại tỉnh Đông Java của Indonesia.
Trung tá TNI Empri Airudin nói trong một thông cáo báo chí: “Cuộc tập trận chung này cũng là một phần của ngoại giao quân sự, nơi chúng ta xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ đối tác giữa Indonesia và Úc”. Đại tá ADF Chris Doherty phát biểu trong một tuyên bố rằng cuộc tập trận đã “tăng cường hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Indonesia, tăng cường khả năng tương tác và chứng minh chúng tôi đã sẵn sàng làm việc cùng các đối tác Indonesia của mình”.
Cuộc tập trận cũng bao gồm huấn luyện nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Trọng tâm của DCA về khả năng tương tác, chia sẻ tình báo và các hoạt động chung được chiến lược hóa để giải quyết các thách thức chung, bao gồm an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa, giáo sư Justin Hastings thuộc Đại học Sydney đã viết trong một bài luận xuất bản vào tháng 10 năm 2024 trên Diễn đàn Đông Á của Úc. Hai quốc gia lo ngại về những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt là các tuyên bố lãnh thổ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa gần Quần đảo Natuna của Indonesia.
Ông Hastings viết: “Cả Úc và Indonesia đều có xu hướng ủng hộ các giải pháp đa phương để giải quyết các vấn đề quốc tế – khẳng định tính hiệu lực và thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
DCA tập trung vào chuyển giao công nghệ, huấn luyện và hợp tác ngành quốc phòng, những lĩnh vực mà Indonesia tìm kiếm sự hiện đại hóa và đa dạng hóa. Các điều khoản của thỏa thuận về hậu cần nhân sự và hoạt động, đồng thời, là rất quan trọng “để tạo ra các hoạt động hợp tác thực tế”, theo lưu ý của ông Hastings.
Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết DCA phản ánh cường độ ngày càng tăng của hợp tác quân sự song phương trong thập kỷ qua, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, huấn luyện và hoạt động chung. Các ví dụ nổi bật bao gồm việc đưa các học viên TNI đến Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc và Trường Quân sự Hoàng gia Duntroon, một nhiệm vụ chung với Liên Hợp Quốc sắp tới, và các cuộc tập trận chung ngày càng phức tạp liên quan đến các hoạt động đơn lẻ và phối hợp.
Đại sứ quán Úc nhận định: “Cuộc tập trận bắn đạn thật tại Đông Java là ‘lớn nhất và phức tạp nhất’ mà hai lực lượng từng thực hiện tại Indonesia”.
Đại tá ADF Judd Finger cho biết trong một thông cáo báo chí: “Sau thành công của Cuộc tập trận Keris Woomera, Úc và Indonesia càng cam kết hơn nữa trong việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng và an ninh của chúng ta”.
Tom Abke, phóng viên của DIỄN ĐÀN, đưa tin từ Singapore.