Các đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cam kết hợp tác với NATO
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã tham gia cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào giữa tháng 10 năm 2024 và nhất trí tăng cường hợp tác để đối phó với các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc.
Các bộ trưởng đã họp tại Brussels, Bỉ, trong bối cảnh Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ngày càng hung hăng ở Biển Đông và các nơi khác, cũng như cuộc chiến tranh phi nghĩa của Nga chống lại Ukraine. Theo liên minh an ninh gồm 32 thành viên này, họ đã thảo luận về các nỗ lực chung để tăng cường phòng thủ mạng, sản xuất và đổi mới quốc phòng; chống lại việc thao túng thông tin; và khai thác công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo. Họ cũng tham vấn về việc hỗ trợ Ukraine.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte nói trong một thông cáo báo chí: “Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy sự bất ổn ở châu Âu có thể có những hệ quả sâu rộng trên toàn thế giới, và các quốc gia cách xa hàng nghìn dặm – xa như Iran, Trung Quốc và thậm chí Bắc Triều Tiên – có thể trở thành những kẻ phá hoại an ninh ngay tại sân sau của chúng ta”. “Thế giới của chúng ta được kết nối chặt chẽ và an ninh của chúng ta cũng vậy”.
Một tuần sau cuộc họp NATO, Hàn Quốc, Ukraine và Hoa Kỳ cho biết 3.000 quân nhân Bắc Triều Tiên đang huấn luyện tại Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói: “Nếu họ đồng chiến tuyến – nếu ý định của họ là tham gia vào cuộc chiến này thay mặt cho Nga thì đó là một vấn đề rất, rất nghiêm trọng”. “Việc này sẽ gây ra tác động không chỉ ở châu Âu. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trước cuộc họp của các bộ trưởng, ông Rutte gọi CHND Trung Hoa là “một nhân tố quan trọng trong những gì đang diễn ra ở Ukraine, hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga thông qua việc né tránh các lệnh trừng phạt, bằng cách cung cấp [hàng hóa] lưỡng dụng”. Quan hệ đối tác của NATO với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, ông nói rằng “không chỉ về Trung Quốc. Đây là một quan hệ đối tác rộng lớn hơn, thừa nhận rằng hai khu vực của chúng ta có sự kết nối với nhau”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm 2024 tại Washington, D.C. rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để loại bỏ các rào cản giữa các liên minh châu Âu, các liên minh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các quốc gia có chung chí hướng khác. Ông gọi đây là “một phần của bối cảnh mới”.
Bà Mirna Galic, một nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) – tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, D.C., viết vào tháng 4 năm 2024 rằng đối với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm gia tăng nhận thức về các hậu quả tiềm tàng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ các mối đe dọa đến an ninh châu Âu — không chỉ về ảnh hưởng đến nền kinh tế, an ninh năng lượng và lương thực, mà còn vì tín hiệu khi Nga bác bỏ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ gửi đến CHND Trung Hoa và Bắc Triều Tiên.
Mối liên kết giữa NATO và các đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục mạnh mẽ hơn. Các lãnh đạo từ Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên vào năm 2022 và tiếp tục vào năm 2023 và 2024. Các đối tác này mang đến cho liên minh những hiểu biết và quan điểm khu vực, và theo báo cáo của USIP vào tháng 2 năm 2024, “họ có những phẩm chất khiến họ trở thành những đối tác hấp dẫn đối với các quốc gia NATO: Quân đội chuyên nghiệp tuân theo luật pháp, mức độ phát triển kinh tế cao, và là các nền dân chủ có nhân quyền mạnh mẽ”.
Khả năng vũ trụ của Nhật Bản, chẳng hạn, có thể có giá trị trong lĩnh vực tương đối mới của NATO. Theo ông Giorgi Cioni, người đứng đầu Ban Năng lực Quân nhu và Không gian của NATO, Nhật Bản và liên minh đã thảo luận các vấn đề an ninh không gian trong “các cuộc tham vấn và tham gia cấp cao”.
Theo tạp chí National Defense, ông Cioni cho biết tại Triển lãm Không gian Quốc tế Nhật Bản vào giữa tháng 10 năm 2024 tại Tokyo rằng các cuộc thảo luận đã cho phép NATO xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm chia sẻ dữ liệu không gian và phát triển các năng lực chung.
Ông nói: “Việc Nhật Bản tham gia tích cực vào những nỗ lực này cho thấy sức mạnh của mối quan hệ đối tác của chúng tôi và cam kết chung của chúng tôi nhằm duy trì an ninh và ổn định trong không gian”.