Đông Bắc ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Báo cáo về việc quyền tự do học thuật của Hồng Kông chịu ảnh hưởng bởi chế độ an ninh

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ

Luật an ninh quốc gia của Hồng Kông, được ban hành vào tháng 7 năm 2020, đã làm xói mòn quyền tự do học thuật tại nơi từng là thuộc địa của Vương quốc Anh, theo một báo cáo được công bố vào cuối tháng 9 năm 2024.

Báo cáo của Tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền và tổ chức vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ là Hội đồng Dân chủ Hồng Kông cho biết, nhà quản lý của các trường đại học đã áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát và hạn chế hơn đối với các hoạt động của sinh viên, khiến sinh viên và giảng viên thực hiện ngày càng nhiều hoạt động tự kiểm duyệt để tránh rắc rối.

“Sinh viên, học giả và nhà quản lý, đặc biệt là những người ở Hồng Kông đang nghiên cứu các vấn đề chính trị xã hội đương đại, cảm thấy như thể họ đang sống dưới kính hiển vi”, báo cáo nhấn mạnh.

Các nhà phân tích cho biết, định nghĩa mơ hồ về những gì cấu thành hành vi vi phạm luật an ninh gây cảm giác nhụt chí ở các trường đại học Hồng Kông.

Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), phó giám đốc phụ tráchTrung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chia sẻ: “Khi lằn ranh đỏ không rõ ràng, cảm giác sợ hãi sẽ lan rộng và sinh viên cũng như giảng viên đều phải cố gắng điều chỉnh để đảm bảo họ không gặp rắc rối”.

Cũng theo báo cáo, sau khi luật được áp dụng vào năm 2020, tám trường đại học công lập của Hồng Kông đều thuộc sự quản lý của những người có quan điểm được Bắc Kinh ủng hộ. Kể từ đó, viên chức các trường đại học đã tăng cường đàn áp liên đoàn sinh viên và cấm những biểu tượng hoặc sự kiện được coi là thúc đẩy các giá trị ủng hộ dân chủ.

“Viên chức các trường đại học đã trừng phạt sinh viên vì tổ chức các cuộc biểu tình và tụ tập ôn hòa, đồng thời kiểm duyệt rộng rãi các ấn phẩm, hoạt động truyền thông và sự kiện của sinh viên”, báo cáo cho biết.

Năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề xuất một dự luật dẫn độ có khả năng cho phép nghi phạm Hồng Kông bị đưa sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) để xét xử. Đề xuất này đã gây phẫn nộ và dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn mà sau đó trở thành phong trào phản đối ĐCSTQ và ủng hộ dân chủ có quy mô lớn hơn.

ĐCSTQ đã phản ứng bằng cách ban hành luật an ninh quốc gia theo sắc lệnh, đảm bảo các nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh của đặc khu này có thể giải quyết những gì mà ĐCSTQ coi là thách thức đối với thẩm quyền của mình.

Bà Vương cho biết, vì nhiều sinh viên đại học và học giả đã tham gia vào các cuộc biểu tình năm 2019, nên một trong những ưu tiên của Bắc Kinh sau khi luật này được thực thi là “áp đặt quyền kiểm soát về mặt tư tưởng” đối với các trường đại học.

“Việc giảm bớt quyền tự do học thuật tại các trường đại học ở Hồng Kông nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp đặt quyền kiểm soát về mặt tư tưởng đối với toàn bộ đặc khu”, bà cho biết.

Trả lời phỏng vấn của báo cáo, các sinh viên và học giả cho biết rằng việc tự kiểm duyệt diễn ra phổ biến, đặc biệt là về các chủ đề chính trị xã hội liên quan đến CHND Trung Hoa và Hồng Kông.

Theo báo cáo, “Mọi người phải tự kiểm duyệt khi trình bày quan điểm trong lớp học, khi soạn và nghiên cứu các bài viết học thuật, cũng như khi mời diễn giả đến các hội nghị học thuật”, đồng thời cho biết thêm rằng các học giả giảng dạy về những vấn đề thời sự của Hồng Kông và Trung Quốc cảm thấy “đặc biệt dễ bị tổn thương”.

Trong một số trường hợp, viên chức các trường đại học đã yêu cầu học giả trong lĩnh vực khoa học xã hội ngừng tổ chức các khóa học về những chủ đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm. Một số khác thì phải đối mặt với sự kiểm duyệt áp đặt của các nhà quản lý trường đại học hoặc các nhà xuất bản học thuật.

Theo một số học giả, việc tự kiểm duyệt diễn ra phổ biến sẽ làm giảm sự hiểu biết về những sự biến động ở Trung Quốc.

Ông Lokman Tsui, nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm Citizen Lab của Đại học Toronto ở Canada và là cựu giáo sư báo chí tại Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, cho biết: “Hồng Kông luôn là một không gian quan trọng giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn sâu sắc về những gì đang diễn ra ở Hồng Kông và Trung Quốc nói chung, nhưng không gian đó hiện đang nhanh chóng biến mất”.

Theo báo cáo, với việc ban quản lý trường đại học có nhiều người thân Bắc Kinh, các nhà quản lý đã làm việc với chính quyền CHND Trung Hoa và Hồng Kông để gây rối, đe dọa và loại bỏ những học giả có quan điểm khác biệt.

“Chính phủ thực hiện điều này bằng cách phỉ báng và đe dọa trên các phương tiện truyền thông nhà nước những học giả được cho là có quan điểm tự do hoặc ủng hộ dân chủ, và từ chối hoặc không cấp thị thực cho những học giả nước ngoài bày tỏ quan điểm như vậy”, báo cáo nêu rõ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Hội đồng Dân chủ Hồng Kông cho biết, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “làm sạch” các trường đại học đã dẫn đến sự “hòa hợp” về quan điểm trong giới học thuật ở Hồng Kông.

Một số trường đại học Hồng Kông có các dự án nghiên cứu chung và chương trình trao đổi với các trường đại học ở nước ngoài và các trường đại học nước ngoài nên biết về sự đàn áp đang diễn ra, bà Vương nhấn mạnh.

Theo bà, “các trường đại học nước ngoài nên tránh nâng cao vai trò của những bên đàn áp, và cấp học bổng hoặc học bổng nghiên cứu cho các sinh viên và học giả Hồng Kông đang gặp nguy hiểm để đảm bảo họ có thể tiếp tục nghiên cứu ở bên ngoài Hồng Kông mà không phải sợ hãi”.

Xin bình luận ở đây

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button