Nhật Bản lên kế hoạch chi tiêu quốc phòng kỷ lục, củng cố quan hệ đối tác
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Đối mặt với “môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất” kể từ khi thành lập cách đây 70 năm, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai các năng lực tiên tiến như vũ khí tầm xa chính xác và mạng lưới vệ tinh nhỏ để phát hiện và theo dõi tên lửa cũng như các mối đe dọa sắp xảy ra khác.
Các sáng kiến này được nêu trong ngân sách quốc phòng năm 2025 theo đề xuất của Tokyo, với khoản đầu tư kỷ lục trị giá 1,4 triệu tỷ đồng (58 tỷ đô la Mỹ), tương ứng với mức tăng hằng năm hơn 7%. Khoản này sẽ được dùng cho máy bay chiến đấu, tàu khu trục đa năng, máy bay chiến đấu không người lái, tên lửa siêu thanh, vũ khí lượn tốc độ cao, tên lửa dẫn đường phóng từ tàu ngầm và phiên bản tầm xa của tên lửa nội địa Type 12 phóng từ tàu do Nhật Bản sản xuất.
“Hoạt động tăng cường năng lực phòng thủ đã tiến triển thuận lợi, nhưng chúng ta phải tiếp tục cảnh giác và triển khai đều đặn, nhanh chóng các dự án cần thiết để tăng cường hơn nữa năng lực phòng thủ và răn đe của Nhật Bản”, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara phát biểu với các phóng viên vào cuối tháng 8 năm 2024, theo Janes, một trang web phân tích quốc phòng.
Vài ngày trước đó, một máy bay do thám quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm không phận Nhật Bản gần quần đảo Danjo ở Biển Hoa Đông, khiến JSDF phải điều động máy bay chiến đấu. Theo các báo cáo, đây là máy bay đầu tiên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm phạm không phận Nhật Bản, mặc dù Tokyo đã lên án các cuộc xâm nhập thường xuyên của các tàu quân sự và tàu tuần duyên Trung Quốc vào vùng biển lãnh thổ của Nhật Bản. Vào cuối tháng 8 năm 2024, một tàu khảo sát của Hải quân PLA đã tiến vào vùng biển Nhật Bản ở phía tây nam Đảo Kuchinoerabu, theo tin của USNI News thuộc Viện Hải quân Hoa Kỳ.
Sách trắng “Quốc phòng Nhật Bản 2024” của Tokyo nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng gia tăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Hoa Đông, bao gồm cả khu vực xung quanh Quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, và xác định Bắc Kinh là “thách thức chiến lược lớn nhất” của Nhật Bản. An ninh và sự ổn định của khu vực này càng bị suy yếu bởi các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên, cũng như việc nước này cung cấp vũ khí bất hợp pháp cho Nga để phục vụ cho cuộc chiến vô cớ của Moscow chống lại Ukraine.
Theo các chuyên gia, các hệ thống vũ khí tự động đóng vai trò quan trọng đối với thế trận phòng thủ của Nhật Bản. Ví dụ, các phương tiện bay không người lái có thể mang lại lợi thế ngay cả khi đối đầu với những bên đối lập tiềm ẩn có nhiều binh lính và thiết bị quân sự thông thường hơn đáng kể, chẳng hạn như PLA.
“Các thiết bị không người lái là ‘những kẻ thay đổi cuộc chơi’ tiên tiến, giúp giành ưu thế bất đối xứng trên không, trên mặt nước và trên biển, đồng thời hạn chế tổn thất về người”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, theo tờ báo The Japan Times. “Chúng cũng có thể vượt qua nhiều chướng ngại vật khác nhau, hoạt động liên tục trong thời gian dài hơn và thiết lập thế trận tình báo, giám sát cũng như trinh sát liền mạch”.
Yêu cầu ngân sách kỷ lục của Tokyo là một phần trong kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2027.
“Đây là thông điệp quan trọng về cam kết lâu dài đối với kế hoạch tăng cường quốc phòng đã công bố trước đó, cho thấy đây không phải là một động thái nhất thời mà là một chương trình thực tế và đáng tin cậy để tăng cường quốc phòng”, ông James Schoff, chuyên gia quốc phòng của Sasakawa Peace Foundation USA, phát biểu với tờ The Japan Times. “Động thái này sẽ giúp tăng cường khả năng răn đe để các đối thủ không liều lĩnh sử dụng vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp với Nhật Bản hoặc những quốc gia thân thiết của nước này”.
Song song với việc tăng chi tiêu quốc phòng, Nhật Bản cũng đang củng cố các quan hệ đối tác trong khu vực của mình. Vào tháng 9 năm 2024, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Úc và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và khả năng tương tác, bao gồm cả việc thông qua những cuộc tập trận chung và trao đổi sĩ quan liên lạc.
Hai nước cũng tái khẳng định quan hệ hợp tác về chiến tranh thông tin, phòng thủ tên lửa và không quân, cũng như khả năng phản công “tận dụng khả năng phòng thủ từ xa của Nhật Bản và khả năng tấn công tầm xa của Úc,” Bộ Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố.
Các bộ trưởng cũng lưu ý rằng hai quốc gia “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, đồng thời bày tỏ quan ngại về “các hoạt động gần đây của lực lượng quân sự Trung Quốc trên lãnh thổ Nhật Bản … [và] việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động nguy hiểm và cưỡng ép” ở Biển Đông.