Kế hoạch đường ống dẫn dầu Bắc Kinh-Moscow không tiến triển
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Việc loại bỏ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga khỏi kế hoạch phát triển mới nhất của Mông Cổ cho thấy hậu quả kinh tế của cuộc chiến vô cớ của Moscow ở Ukraine. Theo tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông, điều này cũng minh chứng cho sự rạn nứt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và Nga, khi các nhà lãnh đạo của họ đã đàm phán về kế hoạch đường ống trong nhiều năm nhưng vẫn bất đồng về việc Bắc Kinh sẵn sàng trả bao nhiêu cho khí đốt của Nga và quốc gia nào sẽ kiểm soát việc phát triển.
Đường ống Siberia 2 của Nga ban đầu được hình dung để vận chuyển khí đốt của Nga qua Mông Cổ đến CHND Trung Hoa nhằm tăng doanh thu và ảnh hưởng ngoại giao của Kremlin. Sự cấp bách đã tăng lên đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tìm cách thay thế thương mại bị mất do các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc châu Âu từ chối khí đốt tự nhiên của Moscow.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Moscow đã chứng kiến những tổn thất nghiêm trọng. Theo Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, D.C., trong hai năm 2022-2023, ngân sách nhà nước đã giảm 24%. Tập đoàn khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước Gazprom báo cáo lợi nhuận giảm 71% trong nửa đầu năm 2023.
Theo báo Financial Times, mặc dù ý tưởng về đường ống đã tồn tại ít nhất một thập kỷ, Tổng thống Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về dự án vào năm 2022, trong chuyến thăm mà họ tuyên bố về một quan hệ đối tác “không giới hạn”.
“Kể từ đó, trong khi Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sự sẵn sàng khởi động … Bắc Kinh vẫn im lặng một cách đáng chú ý”, tờ báo đưa tin.
Kế hoạch của Mông Cổ đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về những chi tiết gây cản trở cho dự án đường ống dẫn khí giữa CHND Trung Hoa và Nga, đồng thời nêu rõ các dự án phát triển của đất nước này đến năm 2028. Các nhà phân tích cho rằng dự án này có thể bị đình chỉ do nguy cơ bị trừng phạt đối với những nước hỗ trợ quân đội Nga ở Ukraine hoặc do Nga và CHND Trung Hoa không thể thống nhất về giá cả.
Ông Munkhnaran Bayarlkhagva, một cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ, nói với South China Morning Post: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn tạm dừng kéo dài, khi Moscow không còn tin rằng họ có thể đạt được thỏa thuận mong muốn từ Bắc Kinh và có lẽ sẽ tạm dừng dự án cho đến khi có thời điểm tốt hơn”.
CHND Trung Hoa hiện đang nhận khí đốt từ một đường ống dẫn khí riêng của Nga, mặc dù các chuyên gia cho rằng Moscow đã đàm phán giá cả vào năm 2014 khi giá cả toàn cầu thấp hơn, do đó hiện thu được ít hơn đáng kể so với các nhà cung cấp khác. Theo các báo cáo truyền thông, CHND Trung Hoa đã yêu cầu Nga cung cấp khí đốt tự nhiên với giá trợ cấp trong nước và chỉ đề nghị mua một phần nhỏ công suất của đường ống đề xuất.
Theo lời ông Bayarlkhagva nói với Post, ông Tập có thể cũng không hài lòng với kế hoạch của ông Putin nhằm đơn phương kiểm soát phần đường ống của Mông Cổ. Ông nói: “Điều này sẽ có nghĩa là một sự gia tăng đột ngột và lâu dài ảnh hưởng của Moscow ở Mông Cổ, gây bất lợi cho Bắc Kinh”.
Mông Cổ sẽ nhận được doanh thu từ dự án, cùng với một phần khí đốt tự nhiên. Ông Li Lifan, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói với tờ Post: “Mông Cổ hy vọng nhận được đầu tư từ Trung Quốc và Nga, [nhưng] Nga không có tiền và Trung Quốc không vội vàng xây dựng đường ống”.
Mông Cổ đã đồng ý hợp tác với Hàn Quốc và Hoa Kỳ trong lĩnh vực khai thác mỏ và an ninh năng lượng vào tháng 6 năm 2023. Rio Tinto, một tập đoàn khai khoáng có trụ sở tại Úc và Vương quốc Anh, có khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại quốc gia này.