Đông Bắc ÁQuan hệ Đối tácTình trạng Gia tăng Vũ khí

Chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc chia sẻ thông tin chuyên sâu về các nỗ lực răn đe và các liên minh quan trọng

Nhân viên Sentry

Tiến sĩ Hyeongpil Ham, một đại tá đã nghỉ hưu của Hàn Quốc, đã làm việc hơn 30 năm tại Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc. Ông lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Hàn Quốc chịu trách nhiệm giải quyết các mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên cũng như phát triển chiến lược răn đe và phòng thủ của Hàn Quốc. Ông có bằng tiến sĩ về hệ thống và chính sách năng lượng hạt nhân và năng lượng thay thế từ Viện Công nghệ Massachusetts. Tiến sĩ Ham đã tham dự Hội nghị Chuyên đề về Răn đe của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ tại Omaha, Nebraska vào tháng 8 năm 2024 và trả lời các câu hỏi của Sentry về các liên minh chủ chốt và về việc chống lại các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

SENTRY: Ông định nghĩa như thế nào về việc răn đe chiến lược? Góc nhìn của Hàn Quốc về việc này như thế nào, và chính sách răn đe chiến lược của quốc gia ông như thế nào?

ÔNG HAM: Theo quan điểm của tôi, răn đe chiến lược đòi hỏi một loạt các nỗ lực toàn diện để ngăn chặn các mối đe dọa chiến lược hoặc hạt nhân thông qua việc phối hợp sử dụng năng lực quốc gia, bao gồm các công cụ ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế. Tôi không cho rằng vũ khí hạt nhân là phương tiện duy nhất để đạt được mục tiêu răn đe chiến lược. Các lực lượng thông thường tiên tiến mang lại hiệu quả chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả răn đe chiến lược. Do đó, theo quan điểm của Hàn Quốc, việc này yêu cầu một chiến lược răn đe toàn diện chống lại các mối đe dọa hạt nhân và chiến lược của Bắc Triều Tiên. Để đạt được mục tiêu này, cần phải tích hợp các biện pháp răn đe mở rộng của Hoa Kỳ với những năng lực quân sự thông thường tiên tiến của Hàn Quốc.

SENTRY: Đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Hàn Quốc là quốc gia nào và ông thấy đồng minh mới nổi nào bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các vấn đề răn đe chiến lược?

ÔNG HAM: Hầu hết người Hàn Quốc coi Hoa Kỳ, Đồng minh duy nhất, là Đồng minh chiến lược quan trọng nhất. Ngoài ra, xét đến vị trí địa chính trị của Hàn Quốc thì Nhật Bản, quốc gia thân thiện gần nhất, được coi là Đối tác nên tăng cường hợp tác răn đe chiến lược. Thực tế này được phản ánh rõ trong những nỗ lực đang diễn ra nhằm tăng cường hợp tác quân sự ba bên giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc và Hoa Kỳ mô phỏng một cuộc tấn công đổ bộ trong cuộc tập trận Ssang Yong năm 2024 tại Pohang, Hàn Quốc.
NGUỒN VIDEO: BINH NHẤT TREVOR BISHOPWILLIAMS/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ

SENTRY: Lợi ích và cái giá phải trả cho việc răn đe bằng hạt nhân là gì, như thất bại trong việc răn đe, gia tăng vũ khí hạt nhân, tai nạn hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân?

ÔNG HAM: Lợi ích của chiến lược răn đe bằng hạt nhân bao gồm khả năng ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy một môi trường hỗ trợ giải trừ vũ khí hạt nhân và, theo quan điểm của Hoa Kỳ, là cần duy trì sự lãnh đạo toàn cầu bằng cách ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa hạt nhân, điều này cũng giúp củng cố mạng lưới liên minh. Ngược lại, cái giá phải trả cho chiến lược răn đe bằng hạt nhân có thể sẽ rất thảm khốc nếu thất bại, dẫn đến những mất mát không thể tưởng tượng được về sinh mạng và thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng.

SENTRY: Trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân và hệ thống bệ phóng, ông đang thấy có những xu hướng nào, như hiện đại hóa, đa dạng hóa, lò phản ứng hạt nhân mini và vũ khí siêu thanh?

ÔNG HAM: Tôi tin rằng các cường quốc hạt nhân như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đã quay trở lại cuộc chạy đua vũ trang vốn đã tạm dừng sau Chiến tranh Lạnh. Các quốc gia này đang tích cực theo đuổi quá trình hiện đại hóa và đa dạng hóa các đầu đạn hạt nhân và hệ thống bệ phóng, tập trung vào việc cải thiện khả năng tấn công nhanh và né tránh phòng thủ của đối phương. Họ cũng đang phát triển vũ khí siêu thanh và hệ thống vũ khí dưới nước hoặc trên không gian để tăng cường khả năng thâm nhập. Các sáng kiến này được thiết kế để duy trì những lực lượng có khả năng chống chịu ngay cả khi đối đầu với các cuộc tấn công bất ngờ của đối phương và thiết lập ưu thế về năng lực hạt nhân so với các bên đối lập.

SENTRY: Những tác nhân và yếu tố chính nào định hình nên sự cân bằng và động lực về hạt nhân ở Đông Bắc Á, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản?

ÔNG HAM: Ở cấp độ chiến lược, điều quan trọng là phải duy trì sự cân bằng về năng lực chiến lược giữa các cường quốc hạt nhân như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Trên Bán đảo Triều Tiên, những nỗ lực quan trọng nhất tập trung vào việc cân bằng năng lực hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc. Không thể bỏ qua khả năng nảy sinh các cuộc xung đột khu vực ở Đông Bắc Á có mối liên hệ chặt chẽ với Bán đảo Triều Tiên, vì những cuộc xung đột này có thể mang đến cơ hội cho các bên đối lập. Hiện tại, Bắc Triều Tiên đóng vai trò trung tâm trong những động lực này, với nỗ lực thiết lập một cấu trúc đối đầu 3:3 theo cái gọi là khuôn khổ Chiến tranh Lạnh Mới, với Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản ở một bên, và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga ở bên còn lại. Bắc Triều Tiên coi liên minh chống lại Hoa Kỳ là lập trường chiến lược có lợi nhất.

SENTRY: Ông định nghĩa mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên như thế nào và ông có nhận thấy cộng đồng quốc tế đang giải quyết những lo ngại về các mối đe dọa đó không?

ÔNG HAM: Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào khả năng đe dọa Hoa Kỳ cũng như khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế trên Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc đặc biệt lo ngại rằng nếu Bắc Triều Tiên đạt được khả năng tấn công có thể chống chịu lần hai, họ có thể thiết lập một vị trí chiến lược thuận lợi trên bán đảo bằng cách đe dọa leo thang hạt nhân toàn diện. Mối lo ngại cấp bách nhất là khả năng xảy ra xung đột hạt nhân hạn chế do mối đe dọa leo thang. Mặc dù cộng đồng quốc tế nhận thức được những mối đe dọa này, nhưng tôi tin rằng những nỗ lực ngăn chặn hiện vẫn chưa đủ.

Máy bay ném bom chiến lược B-52H, máy bay chiến đấu F-22 và C-17 của Hoa Kỳ bay qua Hàn Quốc trong cuộc tập trận trên không tại một địa điểm không được tiết lộ khi lực lượng Hàn Quốc và Hoa Kỳ tăng cường răn đe tập thể chống lại các mối đe dọa đang gia tăng từ Bắc Triều Tiên.
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

SENTRY: Những thách thức và cơ hội chính cho việc xây dựng lòng tin và hợp tác hạt nhân ở Đông Bắc Á là gì?

ÔNG HAM: Theo tôi, thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu minh bạch trong việc chia sẻ thông tin đầy đủ. Điều này dẫn đến xu hướng phóng đại ý định chiến lược của nhau. Do đó, cần nỗ lực hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng hiểu lầm và tính toán sai lầm bằng việc nỗ lực vận động các quốc gia thù địch tham gia đối thoại chiến lược.

SENTRY: Những yếu tố và động lực chính trong nước cũng như quốc tế nào ảnh hưởng đến việc ra quyết định và hoạch định chính sách của các nhân tố và bên liên quan tham gia vào hoạt động răn đe chiến lược và vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á, chẳng hạn như hệ thống chính trị, dư luận xã hội hoặc các nhóm lợi ích?

ÔNG HAM: Yếu tố nội bộ quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc ra quyết định và hoạch định chính sách trong lĩnh vực răn đe chiến lược và vũ khí hạt nhân là hệ thống chính trị. Ở Hàn Quốc, mặc dù có sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân nội địa, nhưng chính phủ vẫn ưu tiên tăng cường răn đe chiến lược bằng cách hợp tác với các Đồng minh của mình.

SENTRY: Những yếu tố cũng như xu hướng toàn cầu và xuyên quốc gia chính nào ảnh hưởng đến cơ hội và thách thức của các nhân tố và các bên liên quan tham gia vào hoạt động răn đe chiến lược và vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á, chẳng hạn như các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga cùng với sự xuất hiện của các công nghệ mới?

HAM: Trên toàn cầu, yếu tố tác động lớn nhất đến việc định hình Đông Bắc Á là tham vọng bành trướng của Trung Quốc và Nga. Mặc dù sự ra đời của các công nghệ mới cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng răn đe chiến lược, tôi tin rằng các yếu tố địa chính trị thậm chí còn quan trọng hơn.

SENTRY: Làm thế nào chúng ta có thể đạt được những tiến bộ trong quá trình hội nhập trong một thế giới dường như đang bị chia rẽ như hiện nay?

ÔNG HAM: Hoa Kỳ phải thể hiện vai trò lãnh đạo bằng cách nêu rõ cũng như nhấn mạnh các giá trị và mục tiêu chung. Thông qua việc hiện thực hóa các giá trị dân chủ, một liên minh mạnh mẽ có thể được hình thành. Sự lãnh đạo và hy sinh của Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực này.

SENTRY: Hàn Quốc cực kỳ tự hào về khả năng răn đe chiến lược hoặc khả năng phòng thủ nào, và lực lượng phòng thủ đang nỗ lực cải thiện những lĩnh vực nào?

ÔNG HAM: Hàn Quốc đang tăng cường năng lực răn đe chiến lược dựa trên lực lượng thông thường, đặc biệt là thông qua hệ thống ba trục thông thường (Kill Chain, Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Không quân Hàn Quốc, Kế hoạch Trừng phạt và Đáp trả Cực lớn của Hàn Quốc). Ngoài ra, vào tháng 10 sắp tới, Hàn Quốc sẽ thành lập một bộ tư lệnh chiến lược thông thường để giám sát răn đe chiến lược. Bộ tư lệnh chiến lược Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng cường răn đe kết hợp với Hoa Kỳ bằng cách thực hiện quyền kiểm soát hoạt động đối với nhiều lực lượng chiến lược khác nhau, bao gồm các lực lượng thông thường tiên tiến, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình công suất lớn, máy bay chiến lược không người lái và các lữ đoàn nhiệm vụ đặc biệt.

SENTRY: Quyền lực mềm đóng vai trò gì trong việc phát triển kế hoạch phòng thủ chiến lược và nó được áp dụng như thế nào?

ÔNG HAM: Những nỗ lực nhằm lồng ghép năng lực của đồng minh vào lĩnh vực ngoại giao và thông tin cũng quan trọng như quyền lực cứng. Không giống như các chế độ độc tài, những nền dân chủ như Hoa Kỳ và các đồng minh phải ưu tiên chia sẻ thông tin liền mạch để xây dựng một mạng lưới vững chắc và đạt được các kết quả có lợi cho cả hai bên. Lĩnh vực này đòi hỏi một cách tiếp cận hướng tới tương lai trong tư duy chiến lược và năng lực răn đe chiến lược của Hoa Kỳ. Tôi tin rằng kỷ nguyên hiện tại đòi hỏi sự hợp tác dựa trên sự minh bạch hơn là sự mơ hồ về mặt chiến lược với các quốc gia đồng minh.

SENTRY: Còn câu hỏi nào mà chúng ta chưa nhắc đến hoặc có thông tin nào ông muốn chia sẻ không?

ÔNG HAM: Hiện tại, Hàn Quốc đang phải chịu mối đe dọa hàng ngày về sự công kích hạt nhân từ chế độ của Bắc Triều Tiên – một trong những chế độ có tính thách thức và nguy hiểm nhất trên toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên có khả năng leo thang thành một cuộc đối đầu hạt nhân toàn cầu thông qua sự đoàn kết của các quốc gia độc tài. Do đó, Hoa Kỳ phải hết sức nỗ lực để phát triển một mô hình lý tưởng cho việc tích hợp hạt nhân thông thường (CNI) giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên vì điều này rất cần thiết cho cả lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và nền hòa bình thế giới. Sự phát triển của CNI giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn là một lĩnh vực chưa được khai thác, đòi hỏi phải hiểu sâu sắc quan điểm của nhau và nỗ lực thu hẹp sự khác biệt. Liên minh Hoa Kỳ – Hàn Quốc đủ kiên cường để vượt qua những thách thức này.


Tạp chí Sentry được xuất bản bởi Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button