Cảnh sát Úc và các quốc đảo ứng phó với các trường hợp khẩn cấp ở khu vực Thái Bình Dương Xanh
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Một lực lượng cảnh sát đa quốc gia mới có trụ sở tại Úc sẽ đảm bảo an ninh cho các quốc gia khu vực Thái Bình Dương Xanh, đồng thời đóng vai trò răn đe đối với nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) nhằm kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.
Sáng kiến Cảnh sát Thái Bình Dương trị giá 6,7 nghìn tỷ đồng (271 triệu đô la Mỹ) do Úc cam kết tài trợ bao gồm một cơ sở huấn luyện mới tại Brisbane và lên đến bốn trung tâm trên khắp khu vực Thái Bình Dương để huấn luyện chuyên biệt cho khu vực này. Trong khuôn khổ sáng kiến này còn có Nhóm Hỗ trợ Cảnh sát Thái Bình Dương – một nhóm sĩ quan được triển khai đến các quốc gia khu vực Thái Bình Dương Xanh trong trường hợp thiên tai cũng như các sự kiện lớn và khẩn cấp khác.
“Với việc hợp tác để đảm bảo an ninh của toàn bộ khu vực, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều và sẽ tự lo được cho chính mình”, Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu. “Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ đáng kể lâu dài để đảm bảo sáng kiến này thành công và đáp ứng được nguyện vọng của khu vực”.
Diễn đàn các Quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) gồm 18 thành viên đã nhất trí thông qua đề xuất này, kể cả Quần đảo Solomon – quốc gia đã ký một thỏa thuận an ninh và trị an với CHND Trung Hoa vào năm 2022.
Theo các bản tin, “Toàn bộ Thái Bình Dương là không gian không được kiểm soát bởi cảnh sát lớn nhất trên hành tinh Trái đất”, Thủ tướng Papua New Guinea (PNG) James Marape phát biểu trong các cuộc họp của PIF tại Tonga vào cuối tháng 8 năm 2024. Cũng theo ông Marape, PNG sẽ là nơi đặt trụ sở của một trong những trung tâm huấn luyện cấp khu vực.
“Việc có một sáng kiến do chính Thái Bình Dương sở hữu và dẫn dắt là điều rất quan trọng” để giải quyết tình trạng tội phạm ngày càng trở nên nghiêm trọng, theo Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni. Các quốc gia khu vực Thái Bình Dương Xanh thường xuyên phải đối mặt với nạn buôn bán ma túy, đánh bắt cá bất hợp pháp và tội phạm kinh tế trên khắp khu vực bao trùm hàng triệu kilomet vuông đại dương.
“Hầu hết các vấn đề chúng ta phải đối mặt là các vấn đề của khu vực… vì vậy, chúng ta có trách nhiệm phát triển sáng kiến trị an của riêng mình”, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka nhấn mạnh. “Tôi chắc chắn rằng sáng kiến này sẽ thành công vì lợi ích của chúng ta”.
Trước đây, Úc và New Zealand đã hỗ trợ cảnh sát cho khu vực này. Việc thiết lập sự hiện diện của cảnh sát ở khu vực trở nên cấp bách hơn vào tháng 2 năm 2024, khi Kiribati thừa nhận rằng các sĩ quan mặc sắc phục của Trung Quốc đã có mặt tại quốc đảo này để hỗ trợ hoạt động cảnh sát kiểm soát cộng đồng và cơ sở dữ liệu tội phạm, theo tin từ Reuters. Sau sự kiện này, Quần đảo Solomon và CHND Trung Hoa đã có thoả thuận cảnh sát hợp tác bí mật trong vòng 3 năm. Sau đó, PNG đã từ chối lời đề nghị của Bắc Kinh về một thỏa thuận tương tự.
“Chúng tôi không tin rằng việc nhập khẩu lực lượng an ninh từ CHND Trung Hoa sẽ giúp ích cho bất kỳ Quốc đảo nào ở Thái Bình Dương. Không những vậy, việc làm này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và trên thế giới”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sau khi quan hệ hợp tác Kiribati – CHND Trung Hoa được biết đến.
Các chuyên gia cho biết những thỏa thuận về cảnh sát như vậy là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, bao gồm cả việc tiếp cận những thị trường kinh tế và địa điểm quân sự tiềm năng, có thể đe dọa đến chủ quyền của các quốc gia sở tại.
“CHND Trung Hoa đang dùng cảnh sát để theo đuổi lợi ích an ninh của mình tại các quốc đảo Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia không có quân đội”, ông Peter Connolly, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Đại học New South Wales ở Úc và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, D.C., đã viết trong một bài luận vào tháng 5 năm 2024 cho Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Các cố vấn cảnh sát của CHND Trung Hoa “là những người thực hiện ý định mang tính chiến lược của Trung Quốc. … Sự hiện diện của cảnh sát dễ dàng được bình thường hóa hơn so với sự hiện diện của quân đội, và việc này có thể tác động đến luật pháp địa phương cũng như gây ảnh hưởng và tạo khả năng tiếp cận lớn hơn ở quốc gia sở tại”, ông Connolly viết. “Hơn nữa, việc mở rộng hoạt động hỗ trợ cảnh sát của CHND Trung Hoa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn hoặc làm mất chủ quyền về tay CHND Trung Hoa”.