Khó khăn kinh tế của CHND Trung Hoa làm lu mờ các chính sách của ông Tập Cận Bình
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Theo các nhà phân tích, nền kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tiếp tục trì trệ, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống còn 4,7% trong quý hai, giảm so với mức 5,3% của quý một và thấp hơn dự báo.
Đồng thời, nhiều nhà phân tích nghi ngờ CHND Trung Hoa có thể dễ dàng điều chỉnh hướng đi để giảm bớt khó khăn kinh tế cho người dân, do các mục tiêu quyết liệt của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình nhằm vượt qua Hoa Kỳ và các đồng minh trong lĩnh vực sản xuất, dẫn đầu công nghệ và sức mạnh quân sự. Sự thiếu minh bạch của chế độ đang làm trầm trọng thêm những lo ngại.
Theo bà Wei Yao, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Societe Generale, một tổ chức tín dụng Pháp, nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy “sự mất cân bằng nghiêm trọng”. Bà viết trong một báo cáo nghiên cứu tháng 7 năm 2024, theo tin của tờ The Wall Street Journal: “Nền kinh tế đang chập chững dựa vào nhu cầu bên ngoài và sự thúc đẩy từ phía cung, trong khi nhu cầu nội địa vẫn rất trì trệ”.
The Wall Street Journal đưa tin, nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho sự suy thoái kinh tế vào thảm họa bất động sản, chi tiêu tiêu dùng yếu kém và căng thẳng thương mại gia tăng với phần lớn thế giới, chủ yếu do sự hung hăng về chính trị và lãnh thổ của ông Tập Cận Bình.
Theo Keyan, một tổ chức nghiên cứu chuyên về bất động sản Trung Quốc, trong vài năm qua, ít nhất 50 nhà phát triển Trung Quốc, bao gồm một số công ty lớn nhất của quốc gia, đã vỡ nợ các khoản nợ quốc tế lên tới hàng trăm tỷ đô la, và hơn 500.000 người đã mất việc làm. Trước đây, bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội của CHND Trung Hoa. Trong khi đó, theo các báo cáo tin tức, hơn 20 triệu ngôi nhà mới trên khắp Trung Quốc đã được mua nhưng chưa bao giờ hoàn thành, khiến người mua bị mắc kẹt.
Theo các nhà phân tích, các tỉnh và thành phố Trung Quốc cũng đang gánh chịu khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đô la Mỹ. Các nhà quan sát cho biết, lãi suất của khoản nợ này khiến chính quyền địa phương không thể cung cấp dịch vụ và thực hiện các khoản chi tiêu để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đã lan sang khu vực ngân hàng. Vào tháng 5 năm 2024, tờ The Economist đưa tin rằng 3.800 tổ chức ngân hàng, tương đương 13% hệ thống ngân hàng Trung Quốc, đang nắm giữ tổng tài sản khoảng 187,5 triệu tỷ đồng (7,5 nghìn tỷ đô la Mỹ), đang gặp nguy hiểm. Trong một tuần của tháng 7, 40 ngân hàng đã biến mất, điều này có thể báo hiệu thêm nhiều rắc rối, theo các nhà phân tích. Tờ The Economist đưa tin một ngân hàng cho vay có tên Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Ninh đã tiếp quản 36 trong số các ngân hàng này.
Các nhà phân tích cho rằng nếu không có cải cách minh bạch đối với những điểm yếu hệ thống, khu vực ngân hàng của CHND Trung Hoa vẫn còn nhiều rủi ro. Theo The Wall Street Journal, nhiều nhà phân tích ủng hộ việc kích thích kinh tế nhiều hơn để khôi phục chi tiêu và cải cách kinh tế nhằm phục hồi niềm tin của khu vực tư nhân.
Theo The Wall Street Journal đưa tin, vào cuối tháng 7, ngân hàng trung ương của CHND Trung Hoa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm nhẹ cơ chế cho vay trung hạn, một lãi suất cho phép các ngân hàng cho cá nhân và doanh nghiệp vay.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nghi ngờ biện pháp này sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề sâu xa trong nền kinh tế và khu vực tài chính đang gặp khó khăn của CHND Trung Hoa. Họ cũng nghi ngờ rằng sẽ có thêm các động thái kích thích kinh tế, do gánh nặng nợ của CHND Trung Hoa và nguy cơ mất thêm đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, các nhà phân tích lưu ý rằng việc Tập Cận Bình đầu tư mạnh vào sản xuất công nghệ cao đã đẩy nhanh tình trạng giảm phát.
Ông Donald Low, một giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, viết trên tạp chí The Diplomat vào tháng 7 năm 2024: “Ngay cả khi các nhà sản xuất Trung Quốc có tính cạnh tranh cao và tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia vẫn mạnh mẽ, điều này vẫn không đủ để bù đắp cho nhu cầu nội địa yếu kém”.
“Những diễn biến trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang trượt khỏi tầm kiểm soát của ông Tập Cận Bình. Sau những nỗ lực không thành công trong việc hồi sinh nền kinh tế, có dấu hiệu cho thấy ông Tập đang chuyển hướng sang một nền kinh tế kế hoạch sâu sắc hơn để giải quyết những vấn đề này”, bà Simone Gao, một nhà báo độc lập, viết trong cùng tháng đó trên trang web The Hill.
Ông Low đặt câu hỏi liệu cách tiếp cận chính sách công nghiệp do nhà nước chi phối và mang tính kỹ thuật xã hội của Tập có thể hoạt động hiệu quả hay không.
Ông viết trên The Diplomat: “Khi chính sách được thúc đẩy bởi các chỉ thị mang tính ý thức hệ từ cấp cao, thay vì bởi tín hiệu thị trường, nó thường dao động từ cực đoan này sang cực đoan khác”.
Ông đã dẫn chứng việc các cơ quan quản lý Trung Quốc đàn áp ngành công nghiệp internet vào cuối năm 2020, bao gồm thương mại điện tử, trò chơi và tài chính tiêu dùng, khiến thị trường mất hơn 60% vốn hóa. Ông cũng lưu ý chính sách COVID-19 của ĐCSTQ đã chuyển đột ngột từ kiềm chế nghiêm ngặt sang nới lỏng đột ngột các biện pháp kiểm soát và mang lại kết quả kinh tế tương tự bằng cách kiềm chế tiêu dùng và tăng tiết kiệm. Ông Low viết: “Kết quả là, Trung Quốc không bao giờ có được sự phục hồi hậu COVID như hầu hết các nền kinh tế lớn khác”.
Các tín hiệu trái ngược từ nhà nước và những thay đổi chính sách đột ngột làm trầm trọng thêm các cú sốc thị trường, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch dài hạn của các công ty và cá nhân bằng cách kìm hãm niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Low viết: “Thay vì bảo vệ nền kinh tế khỏi các cú sốc bên ngoài và tăng cường tính linh hoạt và khả năng phục hồi của nó, một chính phủ có định hướng ý thức hệ mạnh mẽ hơn và bị ám ảnh bởi an ninh có thể đang gây ra sự không chắc chắn và biến động, đồng thời trì hoãn quá trình phục hồi của nó”.