Đông Bắc ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Khu vực Chung của Thế giới

Công nghệ USV của Nhật Bản đang gia tăng động lực trong bối cảnh căng thẳng hàng hải leo thang

Thisanka Siripala

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đang ưu tiên triển khai các tàu mặt nước không người lái (USV), mô tả công nghệ này như một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong thu thập tình báo, giám sát và hỗ trợ chiến đấu.

Tokyo đang tìm cách tăng cường khả năng quan sát hàng hải của mình để đối phó với các cuộc xâm nhập lặp đi lặp lại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý ở biển Hoa Đông. Vào tháng 6 năm 2024, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản báo cáo rằng hai tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Nhật Bản trong thời gian kỷ lục là 64 giờ trong vòng một tuần. Các quan chức cho biết các tàu Trung Quốc cũng đã khảo sát một tàu cá Nhật Bản hoạt động gần quần đảo không có người ở này.

Ông Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ Đốc giáo Quốc tế Nhật Bản, nói với DIỄN ĐÀN: “Những gì Nhật Bản muốn làm có lẽ là tăng cường khả năng nhận thức tình hình hàng hải của họ ở biển Nhật Bản, qua eo biển Đài Loan và ở biển Đông”. “Có lo ngại mạnh mẽ về việc cần phải phát triển các biện pháp chống mìn và chiến tranh chống ngầm đạo để đối phó với khả năng hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phong tỏa”.

Sách trắng năm 2024 của Tokyo nhấn mạnh vai trò của các phương tiện không người lái là yếu tố then chốt để củng cố năng lực quốc phòng của đất nước. Các Phương tiện Không người lái trên mặt nước (USV) được cho là sẽ trở thành trụ cột của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Bộ Quốc phòng tuyên bố những phương tiện này có thể thay đổi căn bản cách thức các lực lượng tiếp cận các cuộc giao tranh tiềm năng.

Được thiết kế để tránh bị radar phát hiện, USV có thể né tránh các cuộc tấn công của đối phương và mìn dưới nước trong khi thu thập thông tin tình báo. USV có thể hoạt động hoàn toàn tự động hoặc được điều khiển từ xa từ tàu hộ tống hoặc căn cứ trên đất liền, loại bỏ nhu cầu về nhân sự trên tàu và cho phép hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn so với các tàu có người lái.

Nhật Bản đang hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ, lực lượng cũng đang phát triển một “hạm đội ma” gồm các USV. Các đồng minh lâu năm này đang tiến hành các cuộc diễn tập USV chung để tăng cường khả năng phối hợp hạm đội. Ông Nagy cho biết Hải quân Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ khi Nhật Bản phát triển USV, bao gồm cả việc phát triển các khả năng mới nổi như trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử “có thể được sử dụng để nâng cao sức chịu đựng và hệ thống cảm biến của các phương tiện tự hành”.

Nhật Bản đang hợp tác với nhà thầu Hệ thống Quốc phòng JMU, đơn vị đã bàn giao một USV để thử nghiệm trên tàu khu trục nhỏ Mogami mới nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) vào năm 2023. Tàu khu trục nhỏ này sẽ đóng vai trò như tàu mẹ cho các phương tiện không người lái dưới nước và xử lý mìn. Công ty Hệ thống Quốc phòng JMU đã bắt đầu thử nghiệm USV từ năm 2021.

Ông Nagy cho biết, cạnh tranh toàn cầu về công nghệ USV sẽ định hình lại an ninh khu vực, với trọng tâm là phát triển các hệ thống tiên tiến, giá cả phải chăng và có thể thay thế dễ dàng.

Với ngân sách nghiên cứu và phát triển trên 4,1 nghìn tỷ đồng (160 triệu đô la Mỹ) trong năm 2024, Nhật Bản đang chuyển hướng sang các USV hỗ trợ chiến đấu, có khả năng phát hiện mối đe dọa và thu thập thông tin tình báo nhờ công nghệ điều hướng tàu ngầm.

Ông Nagy nhận định: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà các dàn máy bay không người lái và phương tiện không người lái sẽ trở thành tiền tệ chi phối cách thức thực hiện an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa”.

Thisanka Siripala là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Tokyo.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button