Việt Nam xây dựng đảo nhân tạo: Phản ứng dè dặt từ Philippines và các nước láng giềng khác
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Các nhà phân tích cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh các dự án đảo nhân tạo của mình ở Biển Đông tranh chấp, một động thái nhằm đối phó với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa). Theo báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, D.C., bằng cách nạo vét đáy biển và đổ vật liệu lên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, Hà Nội đã bồi thêm hơn 280 hecta đất trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024. Diện tích đất này còn nhiều hơn cả diện tích đất mà Việt Nam đã bồi tạo trong hai năm trước cộng lại.
CHND Trung Hoa đã xây dựng các đảo nhân tạo trong ít nhất một thập kỷ qua và đã tiến hành quân sự hóa mạnh mẽ các thực thể này trên vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh tuyên bố các quốc gia khác cần được phép để đi lại gần các đảo nhân tạo của họ. Khẳng định này không có cơ sở pháp lý và các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, thường xuyên tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.
Bất chấp luật pháp quốc tế và phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016, CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, một nhóm hơn 100 đảo san hô và bãi đá chiến lược được bao quanh bởi các vùng đánh cá giàu tài nguyên và trữ lượng dầu khí tiềm năng. Quần đảo này nằm ở khoảng cách gần bằng nhau giữa Philippines và Việt Nam, cách đất liền CHND Trung Hoa hàng trăm kilomet.
Tuyên bố chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với Quần đảo Trường Sa không chỉ chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam mà còn với cả Malaysia, Philippines và Đài Loan.
CHND Trung Hoa đang ngày càng gia tăng các hành động hung hăng đối với các quốc gia tuyên bố chủ quyền cạnh tranh, đặc biệt là Philippines, quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được quốc tế công nhận bao gồm một phần các đảo này. Các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đã áp dụng các cách tiếp cận ngoại giao hơn.
Theo Đài Á Châu Tự Do, Phó Đề đốc Hải quân Philippines Roy Vincent Trinidad cho biết các quan chức đang theo dõi hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Việt Nam, nhưng cũng nhấn mạnh đến một phản ứng dè dặt.
Ông Trinidad nói: “Philippines và Việt Nam có ‘mối quan hệ hữu nghị’, không giống như Trung Quốc, Việt Nam không chủ động thực hiện các hành động bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và lừa dối đối với chúng tôi”.
Phó Đề đốc Tuần duyên Philippines Jay Tarriela tuyên bố với các phóng viên rằng Việt Nam không “quấy rối ngư dân của chúng tôi hoặc triển khai bất hợp pháp tàu hải quân và dân quân biển trên vùng biển xung quanh các thực thể hàng hải do chúng tôi chiếm đóng”.
Trong bối cảnh gia tăng áp lực lên nhiều quốc gia Đông Nam Á, CHND Trung Hoa đã leo thang các hoạt động nhằm đe dọa Philippines trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tuyên bố quốc gia của ông, vốn có hiệp ước phòng thủ chung lâu đời với Hoa Kỳ, sẽ không nhượng bộ lãnh thổ của mình.
Theo Lực lượng Vũ trang Philippines, trong một cuộc đụng độ gần Bãi Cỏ Mây, nơi Manila có một tiền đồn quân sự, các thành viên của hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vũ khí có lưỡi để gây hư hại cho các thuyền cao su của Philippines trước khi lên tàu và cướp bóc các tàu này. Theo các báo cáo, cuộc tấn công đã làm bị thương tám thủy thủ Philippines.
Theo tạp chí Foreign Policy, trong hơn một thập kỷ qua, CHND Trung Hoa cũng đã cản trở các giàn khoan của Việt Nam trong vùng biển của Hà Nội. Theo báo The Washington Post, tương tự như vậy, CHND Trung Hoa duy trì sự hiện diện gần như liên tục tại các vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền – nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt.
Ngược lại, Philippines và Việt Nam đã đồng ý thúc đẩy đối thoại và thiết lập các cơ chế xây dựng lòng tin như đường dây nóng. Các nhà phân tích cho rằng những biên bản ghi nhớ mà các quốc gia đã ký kết vào tháng 1 năm 2024 có thể dẫn đến những cột mốc quan trọng, chẳng hạn như thỏa thuận năm 2022 giữa Indonesia và Việt Nam về việc phân định ranh giới các Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của họ ở Biển Đông.
Ngoài việc hỗ trợ sinh kế cho người dân trong khu vực, vùng biển này còn có tầm quan trọng sống còn đối với hàng hải quốc tế, với ước tính giá trị hàng hóa lưu thông qua đây mỗi năm lên tới 127,32 triệu tỷ đồng (5 nghìn tỷ đô la Mỹ).
Hoa Kỳ, quốc gia duy trì tự do hàng hải và bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển trên toàn cầu, ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc trong khu vực. Các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Bắc Kinh đã bắt đầu vào năm 2002. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trì hoãn bất kỳ thỏa thuận nào có thể hạn chế các yêu sách rộng lớn của CHND Trung Hoa.