Sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản nêu bật các mối đe dọa gia tăng, nhấn mạnh khả năng răn đe
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo trong sách trắng quốc phòng thường niên về “một kỷ nguyên khủng hoảng mới” với những tác động tiềm tàng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc răn đe.
Bản báo cáo ra đời vào tháng 7 năm 2024 đánh giá môi trường an ninh của Nhật Bản từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024. Báo cáo xác định Bắc Triều Tiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và Nga là các mối đe dọa, đồng thời cảnh báo về một kịch bản tương tự như Ukraine trong khu vực nếu các quốc gia này gia tăng các hành vi hung hăng bất chấp các chuẩn mực quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara viết trong lời nói đầu của báo cáo: “Thế giới hiện đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II”. “Trật tự hiện tại đang bị thách thức nghiêm trọng. Nhật Bản đang ở trong môi trường an ninh khắc nghiệt và phức tạp nhất kể từ thời kỳ hậu chiến”.
Sách trắng “Quốc phòng Nhật Bản 2024” hoàn toàn phù hợp với chiến lược quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Tokyo. Vào tháng 12 năm 2022, Nhật Bản tuyên bố sẽ phát triển tên lửa phản công và các năng lực khác, đồng thời ưu tiên đổi mới và tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027. Sách trắng khẳng định khả năng phản ứng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi CHND Trung Hoa tăng cường sức mạnh quân sự và Bắc Triều Tiên tiếp tục các chương trình hạt nhân và tên lửa bất hợp pháp. Mối quan hệ ngày càng được tăng cường của hai quốc gia này với Nga cũng là một mối quan tâm.
Theo ông Yoshinaga Kenji, cựu sĩ quan tình báo của Cục Tình báo An ninh Công cộng và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, nói với tạp chí The Diplomat vào tháng 7: “Phần đầu tiên của báo cáo quốc phòng năm nay, mô tả tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản, là căng thẳng nhất trong lịch sử [50 kỳ] của báo cáo này, do cuộc xâm lược kéo dài của Nga ở Ukraine, áp lực quân sự gia tăng của Trung Quốc lên Đài Loan và việc Bắc Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Sách trắng xác định CHND Trung Hoa là “thách thức chiến lược lớn nhất” của Nhật Bản. Báo cáo ghi nhận sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông — đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý — Biển Nhật Bản và Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan tự trị và Bắc Kinh đã mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo và đưa ra các yêu sách lãnh thổ bất chấp luật hàng hải quốc tế. Báo cáo nêu rõ, CHND Trung Hoa ngày càng tăng cường hợp tác với Nga, bao gồm cả các hoạt động quân sự như các chuyến bay ném bom chung và các cuộc tập trận hải quân gần Nhật Bản.
Sách trắng viết: “Những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng bằng vũ lực và những nỗ lực như vậy thể hiện một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế hiện có”. “Không thể loại trừ khả năng một tình huống nghiêm trọng tương tự như cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai, đặc biệt là ở Đông Á”.
Báo cáo nêu rõ các hoạt động mạng bất hợp pháp đang trở nên nghiêm trọng hơn và các mối lo ngại về an ninh khác như chiến tranh thông tin và biến đổi khí hậu đang nổi lên. Các thế lực thù địch áp dụng các hành động bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và lừa dối thay thế cho các hành động quân sự.
Báo cáo quốc phòng ghi nhận sự hợp tác gia tăng giữa các Đồng minh và Đối tác, bao gồm cả đồng minh chủ chốt của Nhật Bản là Hoa Kỳ, cũng như mối quan hệ được cải thiện của Tokyo với Seoul. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã gặp nhau vào tháng 8 năm 2023 để thảo luận về cách tiếp cận an ninh ba bên. Bên cạnh các biện pháp khác, các quốc gia hiện chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Giai đoạn đánh giá kết thúc trước khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng vào tháng 7. Hiệp ước cho phép các quốc gia triển khai quân đội đến lãnh thổ của nhau để huấn luyện và thực hiện các hoạt động chung, bao gồm cả cứu trợ thiên tai.
Trong bối cảnh những thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II, ông Kihara viết: Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản “cam kết bảo vệ cuộc sống và sinh kế hòa bình của người dân Nhật Bản và bảo vệ lãnh thổ, vùng biển và không phận của Nhật Bản đến cùng”.