ĐCSTQ tiếp tục siết chặt kiểm soát các lãnh đạo quân sự, khai trừ hai cựu bộ trưởng khỏi đảng.

Nhân viên DIỄN ĐÀN
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai trừ hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa vào cuối tháng 6 năm 2024, sau khi tước các chức vụ quân sự của họ.
Động thái này là bước tiếp theo trong chiến dịch đang diễn ra của ông Tập nhằm loại bỏ “tham nhũng” trong hàng ngũ quân đội và củng cố quyền lực của ông ta. Trong năm qua, ông Tập đã thanh trừng ít nhất 11 sĩ quan quân đội cấp cao và ba lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng, phần lớn trong số họ có liên quan đến việc mua sắm vũ khí hoặc lực lượng tên lửa của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đơn vị quản lý tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Các nhà phân tích nhận thấy những điểm tương đồng giữa các chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Tập và những chiến dịch của ông Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong những năm 1940.
Một số người cho rằng các cuộc đàn áp ngày càng gay gắt đang tạo ra một bầu không khí sợ hãi trong quân đội và chính phủ Trung Quốc, gây ra tác động tiêu cực về tinh thần cuối cùng làm suy yếu khả năng lãnh đạo đất nước của ông Tập.
Theo các hãng tin nhà nước Trung Quốc, vào tháng 6 năm 2024, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã buộc tội ông Lý và ông Nguỵ về “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật”, bao gồm nhận hối lộ và không trung thành với đảng, và xác nhận đã bắt đầu điều tra về các hoạt động của họ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thông tin về tung tích của ông Lý và ông Nguỵ. Theo các báo cáo tin tức, hai ông này đối mặt với các cáo buộc hình sự và án tử hình tiềm tàng.
Ông Tập đã sa thải ông Lý vào tháng 10 năm 2023, bảy tháng sau khi bổ nhiệm ông ta làm bộ trưởng quốc phòng. Ông Lý không xuất hiện công khai kể từ tháng 8 năm 2023, sau khi chức danh ủy viên quốc vụ của ông cũng bị tước bỏ.
Ông Nguỵ, người tiền nhiệm của Lý, giữ chức vụ này từ năm 2018 đến năm 2023.
Ông Andrew N.D. Yang, một chuyên gia về Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói với tờ báo The New York Times rằng ông Tập có thể thấy sự mất niềm tin rõ ràng của các tướng lĩnh vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là điều đáng lo ngại bởi vì điều này có thể chỉ ra những vấn đề sâu xa hơn trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, bao gồm cả sự bất tuân lệnh ở cấp cao.
Ông Yang, người từng phục vụ trong bộ quốc phòng Đài Loan, nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể mong đợi những cuộc điều tra toàn diện vào quân đội, không chỉ trong Lực lượng Tên lửa, mà còn trong các lĩnh vực khác”. Ông Yang cho rằng, hệ quả của tình trạng bất ổn này là các thành phần khác trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể đặt dấu hỏi về năng lực lãnh đạo quân đội của ông Tập Cận Bình.
Bà Lynette Ong, nhà khoa học chính trị từ Đại học Toronto, đã nói với BBC vào tháng 2 năm 2024 rằng các cuộc đàn áp đang “làm giảm động lực sáng tạo, tinh thần kinh doanh và dám chấp nhận rủi ro, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế [của CHND Trung Hoa] kể từ năm 1979”.
Các nhà phân tích cho rằng, các hệ thống quân sự do các đảng phái chính trị điều hành thường gặp phải những vấn đề về quản lý.
Ông Lâm Dương , một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Đại học Tamkang của Đài Loan, đã nói với tờ báo The Washington Post: “Ông Tập Cận Bình phụ trách việc thăng chức và cũng phụ trách việc bắt giữ”. “Trong cơ cấu quân sự của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, hệ thống tổng thể thiếu sự giám sát và theo dõi”.
Các nhà quan sát cũng nhận thấy những cạm bẫy khi ông Tập bao quanh mình bằng những “người chỉ biết nói có”.
“Ở thời điểm này, ông Tập không tìm kiếm lời khuyên thẳng thắn. Ông ấy đang tìm kiếm lòng trung thành”. Ông Alex Payette, giám đốc điều hành của Cercius Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại Montreal chuyên về chính trị Trung Quốc nói với BBC. “Ông Tập dường như đã trở thành nạn nhân của việc liên tục được ca ngợi bởi những cán bộ chỉ tìm kiếm thăng tiến. Nhìn vào lịch sử Đảng thời kỳ đầu, lẽ ra ông ấy phải biết rằng các cán bộ Đảng tham gia vào việc xu nịnh để tránh bị thanh trừng và để có cơ hội tiếp cận các tầng lớp cao cấp của bộ máy Đảng-nhà nước”.
Theo các nhà phân tích, để đạt được tham vọng của mình, bao gồm hiện đại hóa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc và sáp nhập Đài Loan, việc kiểm soát lực lượng vũ trang của ĐCSTQ là yếu tố then chốt đối với ông Tập.
Đến năm 2014, chỉ trong vòng hai năm sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã điều tra và bỏ tù hai cựu thành viên của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, cơ quan kiểm soát Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc và do ông Tập giám sát. Đến năm 2017, theo BBC, trích dẫn báo cáo của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Bắc Kinh, ông đã loại bỏ hơn 100 sĩ quan cấp cao, và số lượng này “vượt xa số tướng lĩnh đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh để tạo nên một nước Trung Quốc mới.”
Cuộc chiếm lĩnh quyền kiểm soát của ông Tập không chỉ giới hạn trong quân đội. Vào tháng 7 năm 2023, ông Tập đã cách chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, người từng được cho là có quan hệ thân cận với lãnh đạo đảng. Trước khi có thông báo, ông ấy đã không xuất hiện trước công chúng cả tháng. Ông Tập đã tước bỏ chức vụ của ông Tần vào tháng 10 năm 2023.