Khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIP

Hoa Kỳ thách thức các yêu sách hàng hải quá mức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Halsey của Hải quân Hoa Kỳ đã tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông vào tháng 5 năm 2024 để khẳng định các quyền và sự tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Hoạt động này diễn ra bất chấp các tuyên bố không được ủng hộ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) rằng khu vực hàng hải này là lãnh thổ của họ và các tàu nước ngoài phải được Bắc Kinh cho phép đi qua.

Các khẳng định của CHND Trung Hoa là một trong 29 tuyên bố hàng hải từ 17 quốc gia trên toàn thế giới mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense – DOD) cho là quá mức và mang tính thách thức, theo Báo cáo Tự do Hàng hải cho Năm tài chính 2023 được công bố gần đây. Khoảng một nửa số yêu sách là từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm yêu sách của CHND Trung Hoa — nhiều nhất đối với một quốc gia — đã bị thách thức nhiều lần.

USS Halsey đã củng cố các thách thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bằng cách thực hiện một chuyến đi không gây hại qua quần đảo Hoàng Sa theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS) năm 1982 về tự do hàng hải và bay qua vùng trời nước khác, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở. “Không thành viên nào của cộng đồng quốc tế nên bị đe dọa hoặc ép buộc từ bỏ quyền và tự do của họ”, Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố sau khi kết thúc nhiệm vụ của tàu khu trục.

Cụ thể, Báo cáo Tự do Hàng hải thách thức tuyên bố năm 1996 của CHND Trung Hoa về các đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Tuyên bố này vi phạm luật pháp quốc tế được phản ánh trong Điều 7 của UNCLOS và mở rộng quy mô yêu sách hàng hải bất hợp pháp của CHND Trung Hoa, Hải quân Hoa Kỳ khẳng định.

Trong một số trường hợp nhất định, các quốc gia có thể sử dụng các đường cơ sở thẳng được vẽ dọc theo các phần bờ biển để đo lãnh hải của họ. CHND Trung Hoa, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

UNCLOS cũng cấm các quốc gia yêu cầu thông báo hoặc cho phép các quốc gia khác đi qua mà không gây hại, theo báo cáo.

Báo cáo ghi lại những thách thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về các yêu sách hàng hải quá mức từ ngày 1 tháng 10 năm 2022 đến ngày 30 tháng 9 năm 2023. Việc kêu gọi sự chú ý đến các yêu sách không hợp lệ sẽ ngăn chúng trở thành luật pháp quốc tế được chấp nhận, bộ này tuyên bố.

Báo cáo hàng năm nêu rõ: “Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và quá mức — hoặc các lý thuyết pháp lý không nhất quán về quyền hàng hải — đặt ra mối đe dọa đối với nền tảng pháp lý của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Báo cáo nêu rõ các hoạt động của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ như nhiệm vụ USS Halsey được “lên kế hoạch với sự cân nhắc kỹ lưỡng, được xem xét về mặt pháp lý và được tiến hành một cách chuyên nghiệp”. “Hành động của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ củng cố luật pháp quốc tế một cách công bằng, có nguyên tắc mà không mang ý định khiêu khích”.

Các thách thức không nhắm vào bất kỳ bên có tuyên bố chủ quyền cụ thể nào; chúng cũng không được đưa ra để đối phó với các sự kiện hiện tại.

Các lực lượng Hoa Kỳ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông, thường là với các Đồng minh và Đối tác. Những nhiệm vụ như vậy chứng minh rằng các thành viên UNCLOS sẽ ra khơi và bay ở nơi luật pháp quốc tế cho phép, Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố.

Hoa Kỳ đã khởi động Chương trình Tự do Hàng hải vào năm 1979 và tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và tự do trên biển chừng nào các quốc gia còn hiểu sai hoặc tìm cách bất chấp các điều khoản của UNCLOS.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button