CHND Trung Hoa đưa nước sông băng từ Tây Tạng đến Maldives, làm dấy lên mối lo ngại
Đài Á Châu Tự Do
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã cung cấp 3.000 tấn nước đóng băng của Tây Tạng cho quốc đảo Maldives theo hai đợt vào tháng 3 và tháng 5 năm 2024 — cùng tháng họ công bố và áp đặt các quy định bảo tồn nước ở Tây Tạng.
Hội đồng Nhà nước CHND Trung Hoa đã ban hành các quy tắc mới một tuần trước khi giao 1.500 tấn nước đầu tiên trong các bình chứa cho Maldives, nơi nguồn cung cấp nước ngọt bị ảnh hưởng bởi lượng mưa thất thường và mực nước biển dâng cao.
Các quy định có hiệu lực vài tuần trước khi lô bình chứa nước thứ hai được gửi đến quốc gia Ấn Độ Dương cách cao nguyên Tây Tạng khoảng 3.400 km.
“Tôi đã nghe nói rằng Trung Quốc đang tặng nước đóng chai từ Tây Tạng cho các nơi khác trên thế giới miễn phí vì lợi ích chính trị”, một người Tây Tạng nói. “Tuy nhiên, ở Tây Tạng, người dân địa phương không có đủ nước uống. Đôi khi chúng tôi thậm chí không có đủ nước để đánh răng”.
Theo các nhà phân tích, Maldives đã vay hơn 25,4 nghìn tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) từ các ngân hàng Trung Quốc trong thập kỷ qua theo kế hoạch cơ sở hạ tầng Một Vành đai, Một Con đường của Bắc Kinh.
Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu đã ký 20 thỏa thuận, bao gồm hỗ trợ tài chính và quân sự, với Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc vào tháng 1 năm 2024.
Người Tây Tạng cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vì chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các chiến dịch quản lý và bảo tồn nước có hệ thống trên khắp các làng mạc và thị trấn trong hơn một thập kỷ. Người Tây Tạng đã sống dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi Quân đội Giải phóng Nhân dân xâm chiếm và chiếm đóng quê hương của họ vào đầu những năm 1950.
Vào cùng ngày Maldives cho biết họ đã nhận được lô nước đầu tiên, các quan chức ở quận Ngari của Tây Tạng, nguồn của các con sông chính ở Nam Á, đã bắt đầu một loạt các sự kiện kéo dài một năm để thúc đẩy bảo tồn nguồn nước.
Trong khi đó, người Tây Tạng đang bị buộc phải di dời khỏi vùng đất tổ tiên của họ ở thị trấn Gangkar để nhường chỗ cho việc mở rộng các cơ sở đóng chai nước của Trung Quốc, các nguồn tin cho biết.
Một nguồn tin cho biết: “Gangkar được biết đến với đồng cỏ màu mỡ và nguồn nước dồi dào từ các sông băng với 15 suối nước trong khu vực, nơi mà người Tây Tạng địa phương luôn dựa vào để kiếm sống”.
Chính quyền Trung Quốc có kế hoạch di dời khoảng 430 cư dân để kiểm soát tài nguyên nước, ông nói.
Các chuyên gia cho biết động thái của Bắc Kinh cho thấy họ đang tham gia vào “chính trị nguồn nước” nhằm đạt được lợi ích địa chính trị ở Nam Á.
Họ cho biết CHND Trung Hoa có các dự án khai thác nước giàu khoáng sản để mở rộng ngành công nghiệp nước đóng chai. Nước này cũng muốn kiểm soát dòng chảy đến các quốc gia ven sông thấp hơn như Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Ấn Độ, Lào, Nepal, Thái Lan và Việt Nam để tiếp tục khát vọng thống trị khu vực.
“Không thể cường điệu hóa yêu cầu giải quyết mối đe dọa vũ khí hóa nguồn nước của Trung Quốc ở Tây Tạng”, các học giả Neeraj Singh Manhas và Tiến sĩ Rahul M. Lad đã viết trong báo cáo “Vũ khí hóa Nguồn nước của Trung Quốc ở Tây Tạng: Bài học cho Các quốc gia ở Khu vực hạ lưu”, được công bố vào tháng 3 năm 2024 trên Tạp chí Các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với khoảng 87.000 con đập được xây dựng, CHND Trung Hoa đặt ra một mối đe dọa mang tính lịch sử với việc xây dựng xong đập cho hầu hết các con sông nội địa, các tác giả viết.
Anushka Saxena, một nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Takshashila, một tổ chức nghiên cứu chính sách công ở Ấn Độ, cho biết Tây Tạng đang đi đầu trong “các cuộc chiến tranh nguồn nước” trong khu vực của Bắc Kinh.
Tám hệ thống sông xuyên biên giới lớn của Tây Tạng có khả năng biến CHND Trung Hoa thành “bá chủ nguồn nước của châu Á”, vì nước của họ có thể được sử dụng cho các lợi ích liên quan đến chính sách kinh tế và đối ngoại trong nước, cũng như được vũ khí hóa để gây tổn hại cho các quốc gia ven sông, bà Saxena phát biểu.
“Theo cách đó, các động thái của Trung Quốc đối với việc xuất khẩu nước sang Maldives không thể tách rời khỏi cách tiếp cận lớn hơn mà Trung Quốc đang áp dụng để sử dụng tài nguyên nước của Tây Tạng”, cũng theo bà Saxena.