Châu Đại DươngNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Các Đồng minh, Đối tác tiếp tục thúc đẩy chống Khai thác Thủy sản Bất hợp pháp, Không Báo cáo và Không Theo Quy định (IUU)

Nhân viên DIỄN ĐÀN

Bảy năm sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 5 tháng 6 là Ngày Chống Khai thác Thủy sản Bất hợp pháp, Không Báo cáo và Không Theo Quy định (IUU), các Đồng minh và Đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu cuộc chiến chống lại hoạt động bất hợp pháp này. Theo Liên Hợp Quốc, hoạt động này có “những tác động nghiêm trọng đến việc bảo tồn và quản lý tài nguyên biển, cũng như an ninh lương thực và nền kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển”.

Theo các nhà nghiên cứu, đánh bắt IUU chiếm tới 14 triệu tấn mỗi năm và gây ra thiệt hại kinh tế hàng năm ước tính lên tới 1,27 triệu tỷ đồng (50 tỷ đô la Mỹ) trên toàn thế giới.

Nhân viên Tuần duyên Hoa Kỳ đang thực hiện kiểm tra một tàu đánh cá trên vùng Đông Thái Bình Dương vào năm 2022.
NGUỒN HÌNH ẢNH: TUẦN DUYÊN HOA KỲ

Đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ, bà Linda Fagan nói: “Không có nơi nào trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi hành vi trộm cắp tài nguyên thiên nhiên, và đó chính là điều đang xảy ra”. Bà đã phát biểu với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, D.C., vào tháng 10 năm 2023. “Đó là đánh cắp tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia khác hoặc trên biển khơi… đánh bắt cá theo những cách không bền vững và không phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thống nhất”.

Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã thành lập Trung tâm Chuyên môn về Đánh bắt Cá Bất hợp pháp, Không Báo cáo và Không Theo Quy định tại Hawaii vào tháng 10 năm 2023. Trung tâm này hợp tác với các đối tác quốc tế để chống lại nạn đánh bắt cá trái phép ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy sự phối hợp khu vực và tìm cách trang bị tốt hơn cho các quốc gia đối tác trong việc chống lại hoạt động đánh bắt cá IUU. Trung tâm cũng tìm cách tăng cường nhận thức về miền hàng hải, trao đổi thông tin, tăng khả năng tương tác và chia sẻ các hoạt động thực tiễn tối ưu.

Trong khi đó, Palau và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận thực thi pháp luật song phương mở rộng vào tháng 8 năm 2023, một cột mốc quan trọng trong khu vực vì thỏa thuận này cho phép Tuần duyên Hoa Kỳ thực thi các quy định trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc đảo Thái Bình Dương mà không cần có sự hiện diện của một sĩ quan luật pháp Palau.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Palau, Surangel S. Whipps Jr., cho biết: “Thỏa thuận này giúp Palau giám sát vùng đặc quyền kinh tế, ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời ngăn chặn các tàu trái phép thực hiện các hoạt động đáng ngờ trong vùng biển của mình”. “Chính những loại quan hệ đối tác này giúp chúng tôi hướng tới mục tiêu chung là hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Luật pháp quốc tế cấp cho các quốc gia ven biển quyền độc quyền về việc sử dụng và hưởng lợi từ các tài nguyên thiên nhiên, bao gồm nguồn cá, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của họ. Đánh bắt IUU vi phạm các quyền chủ quyền đó. Theo một báo cáo tháng 12 năm 2023 của tổ chức Quản lý Tài nguyên Thủy sản Poseidon và Sáng kiến Toàn cầu về Chống Tội phạm có tổ chức xuyên Quốc gia, các tàu được gắn cờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, là thủ phạm hàng đầu của việc đánh bắt IUU.

Theo một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 11 năm 2023 bởi Liên minh Minh bạch Tài chính có trụ sở tại Washington, D.C., Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) cũng là quốc gia hàng đầu sử dụng lao động cưỡng bức trên các tàu cá trên toàn cầu. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng 25% số tàu cá thương mại bị nghi ngờ bóc lột sức lao động đều treo cờ CHND Trung Hoa.

Hoạt động đánh bắt cá IUU thường lợi dụng những lao động dễ bị tổn thương và các nhóm dân cư thiệt thòi bị dụ dỗ lên tàu bằng những thỏa thuận tuyển dụng gian dối, giam giữ họ trên tàu nhiều năm trong điều kiện thường xảy ra bạo hành, thiếu chăm sóc y tế và suy dinh dưỡng. Theo báo cáo “Ước tính toàn cầu về nô lệ hiện đại” năm 2022 của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, khoảng 128.000 ngư dân trên toàn thế giới đã bị mắc kẹt trong tình trạng lao động cưỡng bức trên tàu.

Nhân viên từ Úc, Papua New Guinea và Hoa Kỳ chuẩn bị tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế của Papua New Guinea ở Biển San hô vào tháng 3 năm 2024.
NGUỒN HÌNH ẢNH: HẠ SĨ QUAN BẬC 2 TYLER ROBERTSON/TUẦN DUYÊN HOA KỲ

Trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các quốc gia cùng chí hướng đang hợp tác để chống lại đánh bắt cá IUU, bao gồm các cuộc tuần tra chung của Tuần duyên Hoa Kỳ và các cơ quan đối tác, như một phần của Chiến dịch Blue Pacific, nhằm thúc đẩy an toàn, an ninh, chủ quyền và thịnh vượng kinh tế.

Theo thỏa thuận tuần duyên song phương, nhân viên quân đội và/hoặc sĩ quan thực thi luật hàng hải của mỗi quốc gia có thể lên tàu của quốc gia kia và thực thi luật pháp trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tương ứng của họ. Ví dụ, tàu tuần duyên Harriet Lane của Tuần duyên Hoa Kỳ đã thực hiện khoảng 30 cuộc kiểm tra cùng với các cơ quan đối tác bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong đợt tuần tra kéo dài 79 ngày kết thúc vào tháng 4 năm 2024.

Các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham gia bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.

Bà Fagan cho biết, Tuần duyên Hoa Kỳ giúp “nâng cao năng lực, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để các quốc gia thực thi và đảm bảo chủ quyền quốc gia của chính họ”.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button