Các chuyên gia nói rằng binh sĩ Philippines đã hành động hợp pháp, thể hiện “sự kiềm chế đáng kể” trong cuộc đối đầu với lực lượng Trung Quốc.
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Các quan chức quân sự và chuyên gia cho biết, binh sĩ Philippines đồn trú tại một tiền đồn ở Biển Đông đã tuân thủ quy tắc giao chiến và thể hiện “sự kiềm chế đáng kể” khi trưng ra vũ khí nhưng không nổ súng trong cuộc đối đầu với lực lượng Trung Quốc.
Tướng Romeo Brawner Jr., Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng các binh sĩ trên tàu BRP Sierra Madre đã chĩa vũ khí vào các tàu hải cảnh Trung Quốc đang tiến đến gần vào giữa tháng 5 năm 2024. Ông xác nhận các binh sĩ đã cầm vũ khí khi các tàu tiến đến gần tiền đồn của họ, một tàu hải quân Philippines được chủ ý cho mắc cạn. Theo Reuters, ông nói: “Đây là một phần trong quy tắc giao chiến”.
Tư lệnh Liam Connel, một Sĩ quan cố vấn pháp luật của Hải quân Hoa Kỳ, nói rằng các binh sĩ trên tàu Sierra Madre đã hành động hợp pháp và thể hiện “sự kiềm chế đáng kể” khi không nổ súng. Ông nói với DIỄN ĐÀN: “Hành động giương hoặc chĩa súng của các lực lượng Philippines – nếu thực sự có – sẽ phù hợp với một phản ứng có tính toán nhằm giảm leo thang căng thẳng, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc về phòng thủ chính đáng của luật quốc tế”.
Theo hãng tin The Associated Press (AP), vào giữa tháng 6, trong một nỗ lực khác nhằm ngăn chặn các hoạt động tiếp tế cho tàu Sierra Madre, các lực lượng Trung Quốc đã tịch thu hai tàu cao su của Philippines, khiến các quân nhân Hải quân Philippines bị thương. Theo AP, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã tịch thu, gây hư hại và sau đó bỏ rơi các tàu cao su sau khi lấy đi đồ đạc bên trong, bao gồm cả súng trường.
Vụ tấn công xảy ra gần một tàu thời Thế chiến II bị mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tướng Brawner tuyên bố: “Họ không có quyền hoặc căn cứ pháp lý nào để cướp phá hoạt động của chúng tôi và phá hủy các tàu Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.
Theo AP, chính quyền Philippines đang yêu cầu trả lại vũ khí và các thiết bị khác, đồng thời bồi thường thiệt hại cho các tàu cao su. Tướng Brawner ví hành động của họ như hải tặc.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây và vùng biển xung quanh, bất chấp phán quyết của tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Để áp đặt tuyên bố phi pháp này, tàu hải cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi húc, ngăn cản và phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines. Vào giữa tháng 6 năm 2024, CHND Trung Hoa cũng đã thiết lập các quy định về hải cảnh, cho phép họ bắt giữ các tàu và thuyền viên nước ngoài “xâm phạm” vào lãnh thổ biển mà quốc gia này tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp.
Các cuộc đối đầu và quy định mới của CHND Trung Hoa đã làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, nơi có một số vùng biển cũng được tuyên bố chủ quyền bởi Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Vụ đối đầu vào giữa tháng 5 đã xảy ra sau khi Hải quân Philippines thả hàng tiếp tế xuống tàu Sierra Madre. Theo Philippine News Agency, truyền hình nhà nước Trung Quốc đã cho thấy hình ảnh các tàu Trung Quốc gần tàu Sierra Madre. Tướng Brawner nói với hãng tin này rằng các thủy thủ đoàn trên tàu Trung Quốc đã lấy các kiện hàng tiếp tế được thả xuống, nhưng sau khi phát hiện bên trong chỉ có đồ ăn chứ không phải vật liệu xây dựng, họ đã ném chúng trở lại. Manila đang tiến hành sửa chữa tàu Sierra Madre, hành động mà Bắc Kinh phản đối.
Các quan chức Philippines cho biết các tàu Trung Quốc đã đi vào vùng biển chỉ cách tàu Sierra Madre 10 mét. Reuters đưa tin, Tướng Brawner tuyên bố: “Chúng tôi có quyền tự vệ”, đồng thời nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình trong khu vực.
Vấn đề tự vệ trên biển cũng đang được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sau các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ bởi phiến quân Houthi ở Yemen. Vào tháng 2 năm 2024, Đại học Quốc gia Singapore báo cáo rằng Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã trích dẫn quyền tự do hàng hải – và quyền tự vệ để bảo vệ quyền tự do đó – như một lý do chính đáng cho việc tấn công các vị trí của phiến quân Houthi. Báo cáo nêu rõ, lập trường này mở rộng cách hiểu về thuật ngữ “tấn công” vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý hiện tại.
Ông Connel, nguời đồng thời là giáo sư quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, cho biết quyền tự vệ vẫn được áp dụng bất kể vị trí của tàu Sierra Madre. Ông nói thêm rằng: “Hoàn toàn hợp lý khi cho rằng hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặc biệt hung hăng và nghiêm trọng, bên cạnh việc bất hợp pháp, vì đã diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, điều đã được khẳng định bởi phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016”.