Báo cáo cho biết đánh bắt cá trái phép của CHND Trung Hoa đang gây thiệt hại cho các cộng đồng ở Đông Phi
ĐÀI Á CHÂU TỰ DO
Theo một nhóm hoạt động vì môi trường có trụ sở tại London, ngành đánh bắt cá toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la Mỹ do chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) hậu thuẫn đang thúc đẩy sự gia tăng các tàu đánh cá tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp và khai thác tài nguyên đánh bắt ngoài khơi Đông Phi.
Một ngư dân Mozambique chia sẻ với Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) có trụ sở tại Anh: “Trước khi những chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc đến đây, chỉ cần chúng tôi thả lưới ba lần là đã có thể đánh bắt được một mẻ cá kha khá”. “Bây giờ, chúng tôi phải lênh đênh trên biển cả ngày mới có thể đánh bắt đủ cá”.
Ông nói: “Điều này thật đau lòng vì những con cá này không chỉ dành cho chúng tôi mà còn dành cho con cháu chúng tôi”. “Họ đã hủy hoại kế sinh nhai của chúng tôi trong tương lai”.
Theo các tổ chức giám sát vấn đề này trong những năm gần đây, đội tàu đánh cá khổng lồ của CHND Trung Hoa, với hoạt động đánh bắt trải rộng xa đến tận Nam Mỹ, Tây Phi và Nam Cực, đã làm gia tăng áp lực lên trữ lượng cá trên toàn thế giới.
Theo lời các nhân chứng địa phương chia sẻ với EJF, các đội tàu đánh cá xa bờ được chính phủ hậu thuẫn nhanh chóng đánh bắt một lượng lớn cá, làm cạn kiệt trữ lượng, gây gián đoạn chu kỳ sinh sản và gây ô nhiễm bờ biển của Kenya, Madagascar, Mozambique và Tanzania bằng những bãi thải khổng lồ gồm cá loại bỏ vì được cho là không đủ giá trị để chế biến.
Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, khoảng hai phần ba dân số sống ven biển và phụ thuộc vào biển để kiếm sống.
Báo cáo đầu tiên cung cấp chi tiết về hoạt động đánh cá của CHND Trung Hoa ở tây nam Ấn Độ Dương – nêu rõ rằng nhiều tàu trong đội tàu có hành vi “bất hợp pháp, không bền vững và gây tổn hại đến hệ sinh thái biển cũng như thuyền viên”.
Báo cáo có tựa đề “Thủy triều Bất công: Bóc lột và đánh bắt cá trái phép trên các tàu Trung Quốc ở tây nam Ấn Độ Dương” đã phát hiện 86 trường hợp đánh bắt cá trái phép và vi phạm nhân quyền trong khu vực từ năm 2017 đến năm 2023, trong đó một nửa liên quan đến các tàu đánh cá của CHND Trung Hoa.
Báo cáo cho biết, hoạt động đánh bắt cá trái phép và vi phạm nhân quyền diễn ra phổ biến, bao gồm việc lấy vây cá mập thường xuyên, cố ý bắt giữ và/hoặc gây thương tích cho các loài động vật biển dễ bị tổn thương, thêm vào đó các thủy thủ đoàn phải chịu đựng bạo lực thể chất, điều kiện sống, làm việc bị lạm dụng và đe dọa.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn hàng chục ngư dân Mozambique và các cựu thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu đánh cá của CHND Trung Hoa.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố trong báo cáo ngày 6 tháng 6: “Tất cả ngư dân được tổ chức phỏng vấn, những người từng làm việc trên đội tàu đánh cá ngừ của Trung Quốc ở tây nam Ấn Độ Dương … đều đã trải qua hoặc chứng kiến một số hình thức vi phạm nhân quyền và/hoặc đánh bắt cá trái phép”.
Theo Chỉ số đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU), CHND Trung Hoa được xếp hạng là quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhất trong số 152 quốc gia được đánh giá.
Giám đốc khu vực Đông Á Châu Sảo Chi của tổ chức này cho biết, bạo lực cũng tràn lan trên các tàu của CHND Trung Hoa.
Bà Châu cho biết 54% số người được phỏng vấn đã chứng kiến hoặc phải chịu đựng các hành vi đánh đập và tấn công, bao gồm dùng dao và các công cụ bằng kim loại, đạp đá và các hình thức ngược đãi khác.
Khoảng 70% số người được phỏng vấn cho biết bị cấp trên lăng mạ bằng lời nói hoặc đe dọa, đôi khi đi kèm với bạo lực thể xác.
Và khoảng 93% cho biết họ bị thiếu lương hoặc bị khấu trừ tiền lương mà không có lý do chính đáng, lên đến hàng triệu thậm chí chục triệu đồng (hàng trăm tới hàng nghìn đô la Mỹ).
Một số người bị buộc phải vay tiền để có việc làm và bị buộc phải trả lại chi phí ăn uống, đi lại và chăm sóc sức khỏe cho chủ lao động, cũng như trả các khoản vay.
Bà Châu cho biết “Nhiều ngư dân nói với chúng tôi rằng họ về cơ bản là nô lệ”.
Báo cáo cho thấy, tính chất xa xôi của các vùng đánh cá, kết hợp với việc thiếu minh bạch trên toàn ngành, khiến việc xác định và truy tố các hoạt động đánh bắt cá trái phép và vi phạm nhân quyền đi kèm tiếp tục gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi các tàu hoạt động xa cảng nhà.
Các công ty thủy sản ở CHND Trung Hoa, vốn thường là doanh nghiệp nhà nước hoặc được trợ cấp và hậu thuẫn bởi các quan chức địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đánh bắt cá ở tây nam Ấn Độ Dương nhiều năm qua.
Bà Châu cho biết: “Trong 25 năm qua, tình trạng khai thác quá mức của các đội tàu công nghiệp và hoạt động đánh bắt cá trái phép, không được quản lý và không báo cáo diễn ra tràn lan đã khiến sản lượng đánh bắt của ngành thủy sản Mozambique giảm 30%”, dựa trên số liệu của chính quyền địa phương.
Bà cho biết Mozambique mất khoảng 1,61 nghìn tỷ đồng (70 triệu đô la Mỹ) doanh thu mỗi năm “do đánh bắt cá trái phép tràn lan, điều này có tác động đáng kể đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của cư dân ven biển”.