Các bài nổi bậtĐông Nam ÁNhững Khu vực Chung của Thế giới

Tăng cường Phòng thủ sinh học

Các nước Đông Nam Á Thúc đẩy Chiến lược Quốc gia

Tiến sĩ Deon Canyon và Tiến sĩ Benjamin Ryan

Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye

Các bệnh truyền nhiễm đang gia tăng là mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế toàn cầu. Các nước Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các bệnh truyền nhiễm do vị trí, mật độ dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự phát triển ngày càng tăng ở các khu vực hoang dã và nguồn tài nguyên dồi dào. Trong những năm gần đây, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trải qua sự bùng phát của COVID-19, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm H1N1, cúm gia cầm và virus Zika. Những đợt bùng phát này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hệ thống, chiến lược phòng vệ sinh học và giám sát sinh học linh hoạt ở Đông Nam Á. Có thể cho rằng, khu vực này hiện là tuyến đầu để chống lại những đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm mới nổi và các quốc gia cần phải tăng cường chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia. Quân đội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán và giảm thiểu rủi ro về bệnh truyền nhiễm. 

Các Chiến lược Phòng vệ Sinh học hiện có 

Một số quốc gia Đông Nam Á đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này và đầu tư vào việc phát triển các chiến lược phòng vệ sinh học để bảo vệ người dân của họ. Ví dụ, Singapore đã phát triển một chiến lược toàn diện bao gồm việc phát hiện sớm, phản ứng nhanh và quản lý hiệu quả các mối đe dọa sinh học. Chiến lược này bao gồm việc thành lập Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia vào năm 2019, phòng thí nghiệm ngăn chặn sinh học cấp cao và trung tâm điều hành khẩn cấp y tế công cộng.

Thái Lan đã xây dựng một kế hoạch chiến lược để chuẩn bị sẵn sàng cũng như ứng phó với khủng bố sinh học, bao gồm việc thiết lập một hệ thống giám sát khủng bố sinh học, xây dựng năng lực cho phòng thí nghiệm và giám sát dịch tễ học, và đào tạo cho nhân viên y tế. 

Malaysia đã xây dựng Khung Quản lý Thiên tai Quốc gia vào năm 2015. Khung Quản lý này bao gồm việc thành lập một ủy ban ứng phó khủng bố sinh học quốc gia và hệ thống giám sát khủng bố sinh học, đồng thời phát triển các hướng dẫn về phản ứng trong phòng thí nghiệm và y tế đối với các mối đe dọa sinh học. 

Năm 1991, Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng các hướng dẫn an ninh quốc gia cho thách thức này. Nước này đã phát triển một khuôn khổ cho an ninh và an toàn sinh học, bao gồm việc thiết lập một chương trình đào tạo, xây dựng các hướng dẫn về an toàn và an ninh trong phòng thí nghiệm và thành lập một ủy ban giám sát quốc gia. 

Tàu bệnh viện USNS Mercy đến Puerto Princesa, Philippines trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022, nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo đa quốc gia và chuẩn bị ứng phó thảm họa hàng năm lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
HẠ SĨ QUAN BẬC 3 RAPHAEL MCCOREY/HẢI QUÂN HOA KỲ

Indonesia đã thành lập một ủy ban quốc gia về an ninh sinh học và an toàn sinh học, giám sát việc xây dựng và thực hiện các chính sách cũng như hướng dẫn xử lý và vận chuyển các tác nhân sinh học. Năm 2020, Indonesia đã công bố Kế hoạch Hành động Quốc gia 5 năm về An ninh Y tế, đồng thời công bố hệ thống an ninh sinh học và an toàn sinh học toàn chính phủ cho con người, động vật và các cơ sở nông nghiệp. 

Năm 2009, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đã phê chuẩn Hiệp định về Quản lý Thiên tai và Ứng phó Khẩn cấp, trong đó bao gồm các quy định về phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. 

Mặc dù không phải mọi quốc gia Đông Nam Á đều có chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia, nhưng tất cả đều đã xây dựng các chính sách và hướng dẫn giám sát, hỗ trợ an toàn sinh học và ứng phó với các mối đe dọa sinh học. Nền tảng này hiện đã sẵn sàng để mở rộng quy mô phòng vệ sinh học ở mỗi quốc gia và trên toàn khu vực.

Các mầm bệnh Mới xuất hiện từ Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á nên lập kế hoạch chống lại các mầm bệnh mới xuất hiện từ Nam Á. Ví dụ, ở Bangladesh và Ấn Độ, các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và an ninh khu vực. Bangladesh và Ấn Độ có mật độ dân cư đông đúc, điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm. Cả hai nước đều đã trải qua các đợt dịch bùng phát như bệnh lao, sốt xuất huyết, dịch tả và COVID-19, không chỉ ảnh hưởng đến người dân của họ mà cả người dân của các nước láng giềng.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á có dân số đông, cũng như có mối liên kết thương mại và du lịch quan trọng với các quốc gia Nam Á, khiến họ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và bùng phát dịch bệnh. 

Sự lây lan toàn cầu của bệnh lao đa kháng thuốc (multidrug-resistant tuberculosis – MDR-TB) cũng là một vấn đề đáng kể ở Nam Á và Đông Nam Á do các yếu tố như lạm dụng thuốc kháng sinh, tuân thủ điều trị không nghiêm ngặt và kiểm soát nhiễm trùng không đầy đủ. Ngoài ra, rất khó để xác định đường lây truyền và mức độ lây truyền của bệnh giữa các vùng. Rõ ràng là cần có những nỗ lực để cải thiện việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị MDR-TB. 

Để đạt được điều này, các quốc gia Đông Nam Á có thể hợp tác với các quốc gia Nam Á và các tổ chức quốc tế để tăng cường hệ thống y tế công cộng, cải thiện hoạt động giám sát và báo cáo dịch bệnh, tăng cường năng lực phòng thí nghiệm, tăng cường nghiên cứu và phát triển cũng như thúc đẩy chia sẻ thông tin và tài nguyên. Những nỗ lực này có thể xây dựng khả năng phục hồi trước những mầm bệnh mới xuất hiện cũng như đảm bảo phản ứng mang tính phối hợp và hiệu quả trước các đợt bùng phát dịch.

Một chiếc máy bay của Air Asia chuẩn bị hạ cánh xuống Malaysia vào tháng 1 năm 2023 sau khi nước này áp dụng lại biện pháp kiểm tra thân nhiệt cho du khách trong bối cảnh lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
THE ASSOCIATED PRESS

Các mầm bệnh mới xuất hiện ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Các quốc gia Đông Nam Á cũng nên lập kế hoạch chống lại các mầm bệnh mới xuất hiện từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa). Vì nhiều lý do, CHND Trung Hoa là nơi ươm mầm bệnh tật lớn nhất thế giới và là nơi lan truyền bệnh tật hàng đầu. Ví dụ, CHND Trung Hoa là nơi xuất phát của dịch cúm châu Á năm 1957 và dịch cúm Hồng Kông năm 1968, khiến hơn 1 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong mỗi đợt dịch; cúm gia cầm H5N1 năm 1996; dịch SARS năm 2002 khiến hơn 750 người tử vong; Cúm gia cầm A-H7N9 năm 2017; cúm H1N1; và COVID-19, khiến 6,9 triệu người tử vong trên toàn cầu. CHND Trung Hoa không phải là nơi xuất phát dịch tả lợn châu Phi khiến gần một nửa số lợn trên cả nước bị chết hoặc tiêu hủy, nhưng các chính sách quản lý và chính phủ của nước này đã khiến dịch bệnh lây lan sang các nước khác. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc không sẵn lòng hợp tác với cộng đồng toàn cầu một cách minh bạch. Do Đông Nam Á nằm gần CHND Trung Hoa và có các mối liên hệ thông qua thương mại và du lịch với nước này, việc quản lý kém như vậy có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh mới lây lan từ CHND Trung Hoa. Bắc Kinh cần hợp tác với các nước khác để phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh. Cách tiếp cận mang tính hợp tác này rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, duy trì an ninh y tế toàn cầu và hạn chế sự gián đoạn trong thương mại, du lịch và đầu tư, vì nếu không được giảm nhẹ, những vấn đề này có thể gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể và bất ổn xã hội trên diện rộng.

Chống lại các Mầm bệnh Mới 

Chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm để hạn chế hiệu quả sự lây lan xuyên biên giới của mầm bệnh mới. Cốt lõi của bất kỳ kế hoạch nào cũng phải là phát hiện sớm và phản ứng nhanh. Cần có hệ thống giám sát để phát hiện mầm bệnh ở biên giới hoặc trong cộng đồng ở giai đoạn đầu. Việc giám sát cần được hỗ trợ bởi những phòng thí nghiệm có năng lực đầy đủ để có thể xác định và phân tích nhanh chóng nhằm xác định nguồn gốc của mầm bệnh. Cần bố trí sẵn sàng các nhóm phản ứng nhanh có nguồn lực và vật tư đầy đủ để chống lại việc bùng phát dịch, bao gồm cả việc cung cấp các cơ sở chăm sóc y tế và cách ly.

Giám sát nước thải là một biện pháp tiết kiệm chi phí và hiệu quả để phát hiện và theo dõi mầm bệnh, trong đó có cả bệnh bại liệt, SARS, HIV và virus viêm gan B. Virus bại liệt trong một lần xả bồn cầu có thể được phát hiện trong nhà máy xử lý nước thải hơn bốn ngày sau đó. Việc sử dụng phương pháp này được mở rộng đáng kể trong đại dịch COVID-19. Phương pháp này cho phép dự đoán các đợt bùng phát cục bộ để các bệnh viện có thể chuẩn bị tốt hơn cũng như có thể thiết lập cơ chế giám sát nhằm theo dõi sự tiến hóa của virus. 

Chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia nên ưu tiên phát triển các cơ sở thí nghiệm và năng lực khoa học, bao gồm việc cải thiện trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, đào tạo và phát triển xét nghiệm chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Điều này cho phép phát hiện sớm và phản ứng nhanh. Mặc dù việc phát triển vắc xin là một phần thiết yếu của mọi chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia ở những quốc gia có khả năng hỗ trợ chiến lược này, nhưng mọi quốc gia đều có thể tham gia phát triển và thử nghiệm vắc xin. Việc phát triển vắc xin cho các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện có thể mất thời gian, nhưng chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia nên ưu tiên nỗ lực này để đảm bảo nguồn cung vắc xin càng nhanh càng tốt.

Các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại được chứng minh là việc làm rất quan trọng trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của COVID-19 ở nhiều quốc gia. Điều này giúp các quốc gia có thời gian tìm hiểu cách cộng đồng và quốc gia có thể bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, trong khi xã hội vẫn có thể vận hành bình thường. Chiến lược phòng vệ sinh học cần bao gồm các biện pháp hạn chế việc đi lại đến và đi từ các quốc gia có các ca lây nhiễm trong thời gian dịch bệnh bùng phát, bao gồm cả việc sàng lọc các triệu chứng của khách du lịch và cách ly bệnh nhân. Trong thời gian bùng phát COVID-19, chiến lược này đã thành công ở nhiều quốc đảo nhỏ. Tuy nhiên, khi đại dịch vẫn tiếp diễn, hệ thống phòng thủ bị suy yếu và mầm bệnh đã xâm nhập được. 

Điều căn bản cho mọi hoạt động ứng phó khủng hoảng là giao tiếp hiệu quả và chia sẻ thông tin. Chiến lược phòng vệ sinh học cần thiết lập các kênh liên lạc với các quốc gia khác để có thể chia sẻ thông tin nhanh chóng về sự lây lan của mầm bệnh mới và thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp. Đã có một số mạng lưới như vậy, ví dụ như Mạng Giám sát Y tế Công cộng Thái Bình Dương (Pacific Public Health Surveillance Network – PPHSN) do Tổ chức Y tế Thế giới và Cộng đồng Thái Bình Dương thành lập vào năm 1996. PPHSN tập trung vào việc cải thiện giám sát sức khỏe cộng đồng và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp do sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm, bệnh leptospirosis, sốt thương hàn, SARS, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Họ làm được điều này thông qua việc hợp nhất dữ liệu y tế, hệ thống giám sát, ứng dụng máy tính, đào tạo và quảng bá mạng lưới. 

Một nhân viên y tế điều trị cho một người đàn ông sau khi chiếc thuyền chở người tị nạn dân tộc Rohingya cập bến bờ biển ở tỉnh Aceh của Indonesia vào tháng 12 năm 2022. THE ASSOCIATED PRESS

Vai trò của Quân đội

Tài sản quân sự có thể hỗ trợ một trung tâm quốc gia về phòng vệ sinh học và giám sát sinh học bằng cách phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa sinh học. Đầu tiên, các cơ sở phòng thí nghiệm quân sự có thể hỗ trợ cho các phòng thí nghiệm địa phương bằng cách cho phép phòng thí nghiệm sử dụng công nghệ mới hơn và nhân viên được đào tạo. Các cơ sở này có thể giúp phát triển và xác nhận các xét nghiệm chẩn đoán cho các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, tiến hành nghiên cứu về việc phát hiện và xác định đặc điểm mầm bệnh, đồng thời hỗ trợ sản xuất vắc-xin và phương pháp điều trị. Quân nhân cũng có thể đào tạo và hỗ trợ các tổ chức dân sự về các phương pháp tốt nhất để xử lý và lưu trữ các tác nhân sinh học, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và ngăn ngừa việc vô tình phát tán mầm bệnh.

Năng lực của tình báo quân sự có thể giúp cung cấp cảnh báo sớm về các mối đe dọa sinh học tiềm ẩn. Các tài sản tình báo như hệ thống giám sát, nền tảng trinh sát và mạng lưới tình báo của con người có thể xác định và theo dõi các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, cung cấp thông tin quan trọng về nguồn gốc và sự lây lan của các tác nhân sinh học cũng như nguy cơ đối với sức khỏe con người.

Các đội ứng phó y tế quân sự có thể được triển khai bởi một trung tâm phòng vệ sinh học và giám sát sinh học quốc gia để chăm sóc, điều trị và cách ly những người dân bị ảnh hưởng, đồng thời hỗ trợ hậu cần để phân phối vật tư và thiết bị. Ví dụ, Nhóm Phản ứng nhanh Toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Global Rapid Response Team – GRRT) đã được huy động hơn 2.400 lần kể từ năm 2015 để hỗ trợ sức khỏe cộng đồng ở Hoa Kỳ và nước ngoài. GRRT đã ứng phó với bệnh tả, COVID-19, sốt xuất huyết, Ebola, viêm gan A, sởi, bại liệt, sốt vàng da, Zika, nạn đói và thiên tai.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng và Hải quân Hoa Kỳ cũng được định vị phù hợp để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ quy mô lớn như vắc-xin, thiết bị y tế, vận chuyển và chuỗi hậu cần. Các lực lượng Hoa Kỳ cũng có thể là nhà cung cấp chính trong hỗ trợ hậu cần và đào tạo, cùng với các tổ chức phi chính phủ địa phương hoặc quốc tế và nhân viên y tế để tiến hành công việc lâm sàng. Những chiến lược như vậy được xây dựng dựa trên trách nhiệm cũng như cam kết chung và đã phát huy hiệu quả trong các nỗ lực cứu trợ sóng thần ở Banda Aceh, Indonesia, thông qua tàu bệnh viện USNS Mercy.

Quân đội cũng có khả năng quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần đáng kể, có thể được sử dụng để nhanh chóng vận chuyển nhân sự, vật tư và thiết bị y tế, cung cấp nơi lưu trữ và vận chuyển an toàn các tác nhân sinh học cũng như điều phối việc phân phối vắc xin và phương pháp điều trị. Cách ứng phó tốt nhất là kết hợp các năng lực quan trọng từ quân đội, khu vực tư nhân và các hệ thống hậu cần nhân đạo.

Cải thiện sự Sẵn sàng

Một chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia sẽ đảm bảo rằng các nước Đông Nam Á được chuẩn bị tốt hơn để phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và tái bùng phát cũng như để bảo vệ chống khủng bố sinh học. Chiến lược này cần bao gồm các hệ thống giám sát mạnh mẽ nhằm phát hiện sớm và lập kế hoạch toàn diện, bao gồm cả việc đánh giá rủi ro và các biện pháp đối phó y tế. Năng lực phòng thí nghiệm về an ninh sinh học và an toàn sinh học đòi hỏi những cải tiến quy mô lớn và phải hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển. Cuối cùng, hoạt động truyền thông và chia sẻ thông tin phải được tạo điều kiện thông qua việc hợp tác quốc tế, giáo dục đào tạo và đầu tư.

Bằng cách tận dụng khả năng của khu vực quân sự và tư nhân, các trung tâm quốc gia về phòng vệ sinh học và giám sát sinh học có thể tăng cường khả năng của chính phủ trong việc phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì an ninh quốc gia.

Thông qua việc đầu tư như vậy, cùng với các biện pháp tăng cường liên lạc và hợp tác với các nước Nam Á, CHND Trung Hoa và các đối tác như Hoa Kỳ, khu vực này có thể giảm thiểu nguy cơ xuất hiện mầm bệnh mới và bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như an ninh quốc gia. Cuối cùng, các chiến lược phòng vệ sinh học quốc gia là điều cần thiết để bảo vệ an ninh y tế toàn cầu và hạn chế tác động của các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện đối với sức khỏe con người và nền kinh tế.  

Bài viết này được xuất bản lần đầu vào tháng 3 năm 2023 trong Tập 24 của tạp chí Security Nexus thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye. Bài viết đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN.


Các thành phần của một Chiến lược Phòng thủ Sinh học Quốc gia

Đánh giá rủi ro: Xác định các mối đe dọa và lỗ hổng sinh học tiềm ẩn.

Phát hiện và giám sát sớm: Phát triển và duy trì các hệ thống giám sát mạnh mẽ để nhanh chóng phát hiện các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Chiến lược này bao gồm việc cải thiện năng lực phòng thí nghiệm, thiết lập mạng lưới các địa điểm giám sát và nâng cao năng lực ứng phó của các cơ quan y tế công cộng.

Năng lực phòng thí nghiệm: Thiết lập và duy trì các hệ thống phòng thí nghiệm chất lượng cao để xác định và mô tả các tác nhân sinh học. Cần ưu tiên đào tạo, cải thiện thiết bị và cơ sở hạ tầng.

Biện pháp đối phó y tế: Đảm bảo có sẵn vắc xin, thuốc và chẩn đoán để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng.

Lập kế hoạch và chuẩn bị ứng phó: Tạo một kế hoạch ứng phó trong đó nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, cũng như các quy trình quản lý những trường hợp nghi ngờ, truy vết tiếp xúc và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.

Ứng phó vấn đề y tế công cộng: Phát triển và thực hiện các chiến lược đối với những mối đe dọa sinh học, bao gồm các kế hoạch ứng phó khẩn cấp và điều phối các hoạt động ứng phó cho y tế công cộng.

An toàn sinh học và an ninh sinh học: Đảm bảo việc xử lý, vận chuyển và lưu trữ các tác nhân sinh học an toàn và bảo mật nhằm ngăn chặn việc vô tình phát tán hoặc sử dụng sai mục đích.

Nghiên cứu và phát triển: Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao hiểu biết về các tác nhân sinh học và phát triển các biện pháp đối phó y tế.

Giao tiếp và chia sẻ thông tin: Ưu tiên thiết lập mạng lưới truyền thông giữa các quốc gia nhằm đảm bảo chia sẻ thông tin kịp thời và hiệu quả về dịch bệnh truyền nhiễm và hỗ trợ phối hợp ứng phó.

Hợp tác quốc tế: Phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế để tăng cường an ninh y tế toàn cầu và ngăn chặn sự lây lan xuyên biên giới của các mối đe dọa sinh học.

Giáo dục và đào tạo: Nâng cao nhận thức về các
mối đe dọa sinh học và xây dựng năng lực phát hiện, phòng ngừa và ứng phó.

Kinh phí và nguồn lực: Đảm bảo luôn có sẵn kinh phí và nguồn lực để triển khai và duy trì chiến lược phòng thủ sinh học quốc gia.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button