Điểm Tương Đồng
Các Đồng minh, Đối tác điều chỉnh cam kết an ninh để đáp ứng nhu cầu của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nhân Viên Diễn Dàn
Hoa Kỳ cùng các Đồng minh và Đối tác đang tăng cường nỗ lực củng cố hòa bình và ổn định trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các biện pháp chung để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở bao gồm việc đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ an toàn và linh hoạt nhằm nâng cao các giá trị chung. Hoa Kỳ cũng tiếp tục hỗ trợ khả năng phòng thủ và an ninh của các Đồng minh và Đối tác nhằm tăng cường khả năng răn đe trong khu vực và khả năng chống lại sự ép buộc.
Một hệ sinh thái công nghệ dựa trên giá trị
Sáng kiến Ấn Độ-Hoa Kỳ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi (Initiative on Critical and Emerging Technology – iCET) ghi nhận sự giao thoa giữa các thách thức địa chiến lược và tiến bộ khoa học khi sáng kiến này xây dựng năng lực cho cả hai quốc gia.
Ông Atul Keshap, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Ấn Độ, phát biểu với Gateway House có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ: “Chúng ta cần khẩn trương hợp tác để đảm bảo rằng khi thế giới công nghệ thay đổi và phát triển nhanh chóng, các quốc gia tự do và độc lập và dân chủ như Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ là những nhà lãnh đạo của các công nghệ này, vì sợ rằng những công nghệ đó được sử dụng để làm giảm các quyền tự do của chúng ta”.
Kể từ khi iCET được ra mắt vào năm 2022, hai quốc gia đã khẳng định rằng các giá trị dân chủ và tôn trọng quyền con người phổ quát cần định hình quá trình thiết kế, phát triển và quản trị công nghệ. Để đạt được mục tiêu đó, Ấn Độ và Hoa Kỳ cam kết tăng cường quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo trong các học viện, ngành công nghiệp, chính phủ và quốc phòng. Trong số những phát triển sớm nhất của iCET trong việc thúc đẩy hợp tác và củng cố khả năng quốc phòng của Ấn Độ, có một thỏa thuận giữa đơn vị hàng không vũ trụ của General Electric có trụ sở tại Hoa Kỳ và Hindustan Aeronautics thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ để cùng sản xuất động cơ phản lực F414.
Thỏa thuận này bao gồm việc chuyển giao công nghệ, trong đó Hoa Kỳ chấp thuận cho phép Ấn Độ sản xuất các động cơ tiên tiến và đóng góp vào năng lực trong nước của Ấn Độ. Trong podcast Dollar and Sense của tổ chức chính sách công, ông Tanvi Madan, thành viên cấp cao và giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết động thái này thể hiện “sự đầu tư mang tính thế hệ vào mối quan hệ”.
Mặc dù sự hợp tác chiến lược thương mại và công nghệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã tồn tại từ lâu, nhưng iCET đã tạo ra một khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu và phát triển, độ tin cậy của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và tiến bộ không gian. Ông Madan cho rằng đó là sự “đổi mới toàn diện”.
Các điều khoản iCET khác kêu gọi cung cấp chương trình đào tạo của NASA cho các phi hành gia Ấn Độ, tăng cường sự tham gia vào không gian thương mại của Ấn Độ, giảm bớt rào cản đối với việc xuất khẩu công nghệ điện toán hiệu năng cao của Hoa Kỳ và củng cố vị thế của Ấn Độ trong sản xuất chất bán dẫn.
Trong những tháng sau khi sáng kiến hình thành:
Các quốc gia đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 3 năm 2023 về việc kiểm tra và xem xét các khuyến nghị từ một lực lượng đặc biệt về chất bán dẫn.
Đối thoại Thương mại Chiến lược Ấn Độ-Hoa Kỳ, với mục đích để hợp lý hóa các cơ chế kiểm soát xuất khẩu, đã được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2023.
Hội nghị thượng đỉnh Hệ sinh thái Tăng tốc Quốc phòng Ấn Độ – Hoa Kỳ được khởi động vào tháng 6 năm 2023 tại Washington, D.C., để tăng tốc hợp tác sản xuất và hợp tác phát triển trong lĩnh vực quốc phòng.
TRIỂN VỌNG CHUNG
Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã khởi động chương trình Đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để Nâng cao Nhận thức về Miền Hàng hải (Indo-Pacific Partnership for Maritime Domain Awareness – IPMDA) vào năm 2022. Các đối tác Bộ tứ đang trang bị cho các quốc gia trong khu vực công nghệ và đào tạo mới để cung cấp thông tin theo thời gian thực về vùng ven biển.
Tại một diễn đàn năm 2023 ở Washington, D.C., về Xây dựng một Kiến trúc An ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà Lindsey Ford, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về Nam và Đông Nam Á cho biết “Chương trình tập trung vào việc mang lại lợi ích công cộng, thiết thực cho khu vực – cách chúng ta bắt đầu xây dựng một bức tranh hoạt động chung trong không gian hàng hải”.
Thông qua công nghệ vệ tinh, các quốc gia đối tác có một cái nhìn toàn cảnh chung để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hỗ trợ trong các thảm họa nhân đạo hoặc thiên tai và tăng cường nỗ lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Ví dụ, dữ liệu từ các vệ tinh thương mại cho phép người dùng theo dõi các tàu đã tắt máy, bị giả mạo hoặc không có hệ thống nhận dạng và giám sát. Bà Ford cho biết: “Công nghệ đã phát triển đến mức, về cơ bản, bạn không thể làm những việc này mà không bị phát hiện nữa”. “Vì vậy, đây … chỉ là một cách để nói, ‘Tất cả chúng ta hãy cùng có một cái nhìn. Tất cả hãy cùng có ý hiểu chung về điều gì đang diễn ra để không có quốc gia nào, về cơ bản, có thể phủ nhận điều gì đang thực sự diễn ra”.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm tăng cường nhận thức về miền hàng hải (maritime domain awareness – MDA) ở các đảo Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn Nghề cá. Vào tháng 7 năm 2023, công ty phân tích dữ liệu HawkEye 360 cho biết, Úc đã trao một hợp đồng cung cấp cho cơ quan này các công cụ và đào tạo để phát hiện và ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép.
Ấn Độ đang xây dựng năng lực MDA thông qua Trung tâm Hợp nhất Thông tin ở khu vực Ấn Độ Dương. Được thành lập vào năm 2018, mục tiêu của trung tâm này là tăng cường an ninh hàng hải bằng cách tạo ra một trung tâm thông tin để thúc đẩy hợp tác.
Theo trang web DefenseScoop, kể từ khi khởi động IPMDA, Hoa Kỳ đã làm việc với các đối tác Đông Nam Á để truy cập dữ liệu vệ tinh nhằm có được thông tin chi tiết nhanh hơn và chính xác hơn về lĩnh vực hàng hải.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao phát biểu với DefenseScoop: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đổi mới từ khắp khu vực để cải tiến cách tiếp cận và phát triển các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề nhận thức về lĩnh vực hàng hải, bao gồm cả việc giải quyết các thách thức về công nghệ”.
Thúc đẩy nâng cấp an ninh
Với các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng, Philippines nhắm tới việc tăng cường khả năng răn đe và xây dựng năng lực chống lại sự ép buộc, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) hiếu chiến đã nhắm vào các tàu Cảnh sát biển Philippines, quấy rối ngư dân, làm gián đoạn các nhiệm vụ nghiên cứu và cản trở việc thăm dò năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Quốc gia này đang hợp tác với Hoa Kỳ, đồng minh hiệp ước của họ trong hơn bảy thập kỷ, để xác định các nền tảng quốc phòng ưu tiên trong 5 đến 10 năm tới, cùng đầu tư quốc phòng và xây dựng năng lực thể chế.
Hãng tin Reuters đưa tin vào năm 2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã coi các hệ thống radar, máy bay không người lái, máy bay vận tải quân sự và các hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không là ưu tiên của Philippines. Các đồng minh đang lên kế hoạch mua máy bay chiến đấu đa năng cho Không quân Philippines và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ trong việc cung cấp máy bay trực thăng quân sự cho Manila. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng phân bổ hơn 2.478 tỷ đồng (100 triệu đô la Mỹ) vào năm 2023 cho cơ sở hạ tầng tại các địa điểm thuộc Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA) mới và hiện có, nơi diễn ra các đợt luân chuyển quân của Hoa Kỳ tại Philippines.
Các địa điểm EDCA hỗ trợ huấn luyện kết hợp, tập trận và khả năng tương tác giữa các lực lượng đồng minh cũng như khả năng chuẩn bị và ứng phó thảm họa hướng tới dân thường của Philippines. Hoa Kỳ cũng cam kết bổ sung các dự án liên quan đến EDCA và các dự án khác bằng các hoạt động nhằm tăng cường hỗ trợ nhân đạo và xây dựng năng lực cứu trợ thiên tai, tiếp cận nguồn cung cấp nước an toàn, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quản lý nghề cá bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh năng lượng. Các cam kết được đưa ra sau khi Hoa Kỳ viện trợ 185,9 tỷ đồng (7,5 triệu đô la Mỹ) cho Philippines vào năm 2022 để tăng cường thực thi pháp luật hàng hải và nâng cấp hệ thống quản lý giao thông tàu của Cảnh sát Biển Philippines.
Liên minh Philippines-Hoa Kỳ “thực hiện cam kết chung đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ sau năm 1945… điều này nói chung đã tạo điều kiện cho sự phát triển thịnh vượng trong hòa bình của các quốc gia và công dân của họ”, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho biết trong một sự kiện năm 2023 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C.
Theo ông Manalo, thực tế địa chính trị đang thay đổi đòi hỏi các đồng minh xem xét các chiến lược mới cho tương lai của một quan hệ đối tác “rất quan trọng để thúc đẩy lợi ích của người dân Philippines và Hoa Kỳ, các giá trị chung của chúng ta và mục đích chung của chúng ta để duy trì trật tự toàn cầu. Trật tự đó phải ổn định và phải cho phép các quốc gia phát triển trong hòa bình trong bối cảnh có những thay đổi mang tính chuyển đổi”.
Hỗ trợ tự vệ
Các cam kết quốc phòng của Nhật Bản tiếp tục mở rộng khi quốc gia này phải đối mặt với một môi trường an ninh mà các nhà lãnh đạo gọi là phức tạp nhất kể từ Thế chiến II. Chính sách an ninh của Tokyo trích dẫn việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, bất chấp lệnh cấm trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong những năm gần đây, khi thông qua ngân sách quốc phòng kỷ lục, Nhật Bản cũng chỉ ra năng lực quân sự ngày càng mạnh của CHND Trung Hoa và sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, bên cạnh việc nước này tiếp tục gây hấn trên biển và trên không. Trong bối cảnh các mối đe dọa của khủng bố và tấn công mạng, nhu cầu mở rộng khả năng tự vệ của Tokyo ngày càng cao.
Trong số những nỗ lực đó, quốc gia này đặt ưu tiên hàng đầu lên việc phát triển các khả năng phòng thủ từ xa bao gồm tên lửa tầm xa hơn, cùng các tài sản phòng thủ tên lửa và phòng không toàn diện. Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu đó. Washington đã gọi bước đi này là một bước tiến đáng kể nhằm thúc đẩy khả năng răn đe của liên minh và giải quyết các thách thức an ninh ngày càng tăng ở trong khu vực và toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hoan nghênh kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong những năm tới. Tướng Mark Milley, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Tokyo vào năm 2023, đã phát biểu “Tôi cho rằng, với việc có một Nhật Bản hùng mạnh, một Nhật Bản có khả năng quân sự có liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, thì việc ngăn chặn chiến tranh sẽ rất thành công”.
Không quân Hoa Kỳ đã triển khai máy bay không người lái MQ-9 Reaper đến Biển Hoa Đông. Phi đội Trinh sát Viễn chinh 319 mới thành lập đã đóng quân một năm tại Căn cứ Không quân Kanoya ở miền nam Nhật Bản, đang triển khai để giám sát các hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của CHND Trung Hoa trong khu vực. Vào giữa tháng 10 năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết vào năm 2023, phi đội và các máy bay không người lái của Nhật Bản đã được chuyển đến Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, nơi MQ-9 sẽ có khả năng tiếp cận khu vực tốt hơn và có nhiều thời gian hơn để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, tìm kiếm và trinh sát.
Ông nói: “Khi môi trường an ninh ngày càng trở nên khắc nghiệt, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phản ứng của Liên minh Nhật-Hoa Kỳ, bao gồm cả khả năng thu thập thông tin tình báo”.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác về khả năng tên lửa mang tính bước ngoặt để đánh chặn vũ khí siêu thanh, tên lửa có thể thay đổi hướng bay trong quá trình bay, khiến khả năng chống lại chúng càng khó hơn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết quá trình phát triển sẽ hoàn thành vào giữa những năm 2030.
Xây dựng khả năng răn đe đáng tin cậy
Trong hơn bốn thập kỷ, Hoa Kỳ đã duy trì sự hỗ trợ kiên định cho khả năng phòng thủ của Đài Loan. CHND Trung Hoa tuyên bố hòn đảo được quản lý dân chủ này là lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực. Mối quan tâm lâu dài đến hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, tuyến đường thủy quốc tế đóng vai trò then chốt đối với thương mại toàn cầu, và việc phản đối những thay đổi đơn phương về hiện trạng đã dẫn đường cho chính sách “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ. Chính sách đó công nhận Bắc Kinh là “chính phủ hợp pháp duy nhất” của CHND Trung Hoa nhưng không đưa ra quan điểm gì về tình trạng của Đài Loan. Đạo luật Quan hệ với Đài Loan của Hoa Kỳ công nhận rằng bất kỳ động thái không hòa bình nào nhằm xác định tương lai của Đài Loan – dù bằng vũ lực hay ép buộc – đều đe dọa nền hòa bình và an ninh của khu vực. Theo đó, đạo luật năm 1979 yêu cầu Hoa Kỳ “cung cấp cho Đài Loan các vật phẩm quốc phòng và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để Đài Loan có thể duy trì đủ năng lực phòng vệ”.
Tờ New York Times đưa tin, viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Đài Loan tập trung vào việc giúp hòn đảo này hình thành năng lực tự vệ. Dựa trên sự ứng phó của Ukraine trước cuộc xâm lược vô cớ năm 2022 của Nga, các quan chức đã nhấn mạnh việc xây dựng một lực lượng có thể đẩy lùi cuộc tấn công, ngay cả từ một trong những quân đội lớn nhất thế giới. Mục đích của chiến lược theo thuyết “con nhím” này là khiến Đài Loan trở thành mục tiêu xâm lược quá đau đớn. Tờ New York Times đưa tin, các bệ tên lửa di động do Hoa Kỳ sản xuất, máy bay chiến đấu F-16 và đạn chống hạm như những loại mà Đài Loan mua trong những năm gần đây là phù hợp nhất để đẩy lùi lực lượng xâm lược.
Nhằm mục đích đẩy nhanh việc mua sắm quốc phòng cho Đài Loan, vào năm 2023, Hoa Kỳ đã đồng ý chuyển thiết bị trị giá 8.550 tỷ đồng (345 triệu đô la Mỹ) cho hòn đảo này. Theo The Associated Press, ngoài khả năng tình báo và giám sát, việc chuyển giao đã được phê duyệt còn bao gồm các hệ thống phòng không di động, loại vũ khí di động có thể hỗ trợ quân đội có nhiệm vụ chống lại kẻ xâm lược được trang bị tốt hơn. Việc chuyển giao tài sản quốc phòng năm 2023 là một phần trong khoản ủy quyền trị giá 24.782 tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cam kết tài trợ 3.345,6 tỷ đồng (135 triệu đô la Mỹ) trong cùng năm để Đài Loan mua vũ khí. Kể từ năm 2019, Hoa Kỳ đã công bố bán vũ khí với giá trị hơn 520.432,5 tỷ đồng (21 tỷ đô la Mỹ) cho Đài Bắc.
Bà Mira Resnick, phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về an ninh khu vực, phát biểu với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2023: “Một trong những chìa khóa dẫn đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là khả năng răn đe đáng tin cậy”. “Nhất quán với chính sách lâu dài của mình, chúng tôi tập trung cao độ vào việc tăng cường hợp tác nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của Đài Loan trong thời gian tới. Chính sách của Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng khả năng phòng thủ của Đài Loan thì phải thay đổi”.
Nhu cầu đa dạng, giải pháp đa dạng
Các hoạt động hợp tác khác với các Đồng minh và Đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm:
Hoa Kỳ cam kết tài trợ cho dự án ở Các quốc gia ở Thái Bình Dương Xanh nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư 178.434 tỷ đồng (7,2 tỷ đô la Mỹ) được công bố vào tháng 5 năm 2023.
Thúc đẩy sự gắn kết với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả chương trình học bổng nhằm cung cấp cơ hội giáo dục và phát triển nghề nghiệp cho các nhà lãnh đạo mới.
Hợp tác với Úc và Vương quốc Anh về các năng lực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tác chiến tự động dưới biển, phòng thủ không gian mạng, chiến tranh điện từ, vũ khí siêu thanh và điện toán lượng tử.
Tham gia và tập trận để tăng cường liên minh ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc, một quan hệ đối tác mà các quan chức Hoa Kỳ cho là sẽ hỗ trợ sự ổn định khu vực vì có thể thúc đẩy cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Trong một sự kiện của Viện Brookings năm 2023, ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, các hình thức hợp tác đa dạng trong khu vực được thiết kế để đáp ứng nhu cầu đa dạng không kém của các Đồng minh và Đối tác.
Ông nói: “Đây không phải là tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. “Đó là tầm nhìn chung của người Nhật, Quần đảo Thái Bình Dương, người Úc, người Hàn Quốc… về một khu vực tự do và rộng mở, không bị ép buộc và trong đó các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình. Đúng là với các Đồng minh và Đối tác khác nhau, chúng tôi có các kiểu kết hợp khác nhau về các loại cam kết mà chúng tôi có và các công cụ mà chúng tôi mang đến. Nhưng tôi cho rằng có sự liên kết rất chặt chẽ, và chúng tôi luôn đáp ứng theo nhu cầu của họ”.