Các bài nổi bậtChâu Đại DươngQuan hệ Đối tác

Đảm bảo Tương lai của Papua New Guinea

Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đề nghị tăng cường hợp tác, các biện pháp đảm bảo

Tom Abke

Theo Ngoại trưởng Elias Wohengu của Papua New Guinea (PNG), những thách thức an ninh mà PNG phải đối mặt đã ngày càng gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Ba mươi năm trước, tôi không cho rằng biến đổi khí hậu có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, ông Wohengu phát biểu tại một cuộc thảo luận có tên là “An ninh và lợi ích quốc gia của PNG”. Nhưng hiện tại, điều này đã trở nên hiển nhiên.

Việc đối mặt với các mối đe dọa thông thường và mới phát sinh sẽ đòi hỏi những mức độ hợp tác và hỗ trợ mới. “Chúng tôi đã tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ từ phía Úc. Chúng tôi đã tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ từ phía New Zealand. Chúng tôi cũng đã tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ từ phía Hoa Kỳ”, ông Wohengu cho biết tại sự kiện được tổ chức tại Port Moresby (thủ đô của PNG) vào tháng 8 năm 2023. Sự kiện này được đồng tổ chức bởi Đại học Papua New Guinea và Viện Lowy của Úc. “Do vậy, các thỏa thuận hợp tác quốc phòng hoặc an ninh này không chỉ là về các thỏa thuận quân sự như chúng ta thường nghĩ khi nhắc đến khái niệm này. Các thỏa thuận cũng sẽ bao gồm những điểm cần lưu ý liên quan đến an ninh phi truyền thống”.

Ông Wohengu và các diễn giả khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác an ninh với Hoa Kỳ cùng các Đồng minh và Đối tác. Sự kiện này còn có một cuộc nói chuyện với ông Ivan Pomaleu, thư ký trưởng của Cục Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Điều hành Quốc gia của PNG.

PNG là quốc đảo lớn thứ ba thế giới với tổng diện tích 462.840 kilomet vuông. Đây là một trong những quốc gia đa dạng nhất về mặt địa lý, với các rạn san hô, bãi biển, rừng nhiệt đới, núi, núi lửa và sông ngòi. PNG cũng là một trong quốc gia đa dạng về ngôn ngữ nhất, với 839 ngôn ngữ được biết đến, được sử dụng bởi dân số ước tính gần 12 triệu người.

Tiến sĩ Elizabeth Kopel, nhà nghiên cứu cao cấp kiêm lãnh đạo của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Không chính thức tại Viện Nghiên cứu Quốc gia PNG giải thích: “Hầu hết chúng tôi đến từ các ngôi làng”. Khoảng 85% “người dân của chúng tôi sống ở khu vực nông thôn. Nguồn thu nhập duy nhất của họ là từ những gì họ có thể tự sản xuất”.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape, bên trái, Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh thuộc Diễn đàn các Quốc đảo
Thái Bình Dương – Hoa Kỳ lần thứ hai ở Washington, D.C., vào tháng 9 năm 2023. THE ASSOCIATED PRESS

Tại sự kiện Port Moresby, bà Kopel cho biết các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia phải xem xét đến điều kiện sống của công dân. Bà cho biết sinh kế của PNG bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, cũng như nguồn cung nước uống sạch, nhà ở bền vững và giáo dục với mức phí phù hợp.

Ông Wohengu đồng ý và nhấn mạnh rằng các vấn đề an ninh mà PNG phải đối mặt có liên quan phần lớn là do ảnh hưởng của chúng đối với phúc lợi kinh tế của công dân — một mối liên hệ phải tính đến các thỏa thuận an ninh với các đối tác như Úc và Hoa Kỳ.

Vai trò của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng với Hoa Kỳ

Theo Đài phát thanh New Zealand (Radio New Zealand – RNZ), Bộ trưởng Quốc phòng PNG Win Bakri Daki và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defense Cooperation Agreement – DCA) vào tháng 5 năm 2023 tại Port Moresby mà Thủ tướng PNG James Marape gọi là “quan trọng đối với quan hệ đối tác liên tục giữa Papua New Guinea và Hoa Kỳ”. “Thỏa thuận này có lợi cho cả hai bên; nó đảm bảo lợi ích quốc gia của chúng tôi”. 

Ông Wohengu, người đứng đầu phái đoàn PNG đã xây dựng DCA với các đối tác, cho biết đây không phải là một thỏa thuận độc lập. “Đó là một thỏa thuận mà chúng tôi đã cân nhắc về cơ sở hạ tầng và các vấn đề kinh tế khác. Đó không đơn thuần chỉ là về quân sự”.

Ông Wohengu cho biết môi trường an ninh đang thay đổi đã tạo ra nhu cầu về các thỏa thuận như DCA để thay thế các thỏa thuận cũ, như các thỏa thuận về tình trạng lực lượng mà PNG đã duy trì với các quốc gia Úc, Pháp và Hoa Kỳ. Ông nói: “Khi nền tảng của các vấn đề an ninh thay đổi và phát triển trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với các vấn đề mới phát sinh, bao gồm cả đại dịch, thì các thỏa thuận an ninh của chúng ta cũng phải thay đổi tương ứng”. Nạn trộm cắp thủy sản và các nguồn tài nguyên khác từ vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của đất nước, cùng với các hoạt động bất hợp pháp khác trong vùng biển của PNG, đã khiến nhu cầu hợp tác quốc phòng tăng cao.

Vào tháng 5 năm 2023, các sĩ quan PNG và Hoa Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận tuần duyên. Các hiệp định song phương cùng nhau cho phép nhân viên PNG và Hoa Kỳ làm việc trên các tàu hải cảnh và tàu hải quân của nhau để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn bán người, ma túy và buôn lậu vũ khí.

Theo thông tin của Cơ quan Thủy sản Quốc gia PNG, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát đang đe dọa tính bền vững của tài nguyên biển, sinh kế của các cộng đồng ven biển và an ninh hàng hải của PNG.

Quốc gia này có một trong những EEZ lớn và giàu có nhất thế giới, với diện tích khoảng 2,4 triệu kilomet vuông và trữ lượng cá dồi dào, đặc biệt là cá ngừ. Ngành thủy sản chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 200.000 người.

Trẻ em, đi cùng với một thành viên của Lực lượng Quốc phòng Úc, đang chờ xây dựng một lớp học mới tại Căn cứ Hải quân Lombrum ở Papua New Guinea. QUÂN ĐỘI ÚC

Các nhà lãnh đạo quốc gia đã nhấn mạnh một mối quan tâm an ninh ngày càng tăng khác, đó là báo cáo về việc buôn bán ma túy bằng đường biển vào PNG và mối đe dọa khi đất nước này đang được sử dụng làm điểm trung chuyển.

Theo RNZ, ông Marape cho rằng có “rất nhiều cam kết vận chuyển bất hợp pháp trong vùng biển Papua New Guinea; các giao dịch không được kiểm soát, không được giám sát đang diễn ra, bao gồm cả buôn bán ma túy”. “Thỏa thuận tuần duyên mới này sẽ cung cấp cho cơ quan vận tải biển, Lực lượng Quốc phòng và Hải quân của Papua New Guinea đầy đủ kiến thức về những gì đang xảy ra ở vùng biển, điều mà PNG chưa từng có kể từ [khi giành được độc lập vào] năm 1975″.

Ông Wohengu cho biết thỏa thuận này sẽ giúp PNG duy trì chủ quyền bằng cách bảo vệ EEZ của mình. “Theo thỏa thuận tuần duyên này, nếu tàu do một nhân viên Hải quân thuộc Lực lượng Quốc phòng PNG chỉ huy, chúng tôi sẽ treo cờ PNG trên đó và tiến hành thực thi theo luật pháp của mình”.

Mở rộng Phạm vi của DCA

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, DCA sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tập trận và cam kết song phương và đa phương để hỗ trợ xây dựng năng lực cấp khu vực. DCA cũng sẽ cho phép Hoa Kỳ phản ứng nhanh hơn trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như những trường hợp liên quan đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

“Và những điều tạo nên sự khác biệt của DCA”, ông Wohengu nói, “Tôi muốn liên kết DCA với việc phát triển và hỗ trợ kinh tế”.

Ông Wohengu cho biết ông có kế hoạch vận chuyển thường xuyên các sản phẩm nông nghiệp của PNG, bao gồm cà phê và rau quả, đến các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo thỏa thuận này. “Như vậy, vào buổi sáng, họ có thể thức dậy và uống một tách cà phê của chúng tôi”.

Mở rộng Quan hệ với Úc

PNG và Úc cũng đang tăng cường quan hệ an ninh. Theo một thỏa thuận được ký kết vào tháng 12 năm 2023, hai quốc gia sẽ chính thức hóa việc hợp tác quốc phòng hiện tại và theo kế hoạch, đồng thời hợp tác để bảo vệ độc lập và chủ quyền cũng như xây dựng khả năng phục hồi, tập trung vào cách các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng và các yếu tố kinh tế trong hoạt động quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường chiến lược chung của họ.

Hoạt động hợp tác quốc phòng của hai nước không thể tách rời khỏi khoảng cách địa lý lân cận và lịch sử chung của họ. Khu vực tài phán cực bắc của Úc, đảo Saibai, cách đất liền PNG chưa đến 4 kilomet. Úc đã cai trị PNG trong gần 60 năm, bắt đầu từ Thế chiến I và kết thúc bằng việc thiết lập chủ quyền của PNG vào năm 1975.

Theo Chương trình Hợp tác Quốc phòng PNG-Úc, quân đội Lực lượng Quốc phòng Úc (Australian Defence Force – ADF) huấn luyện và tập trận với quân đội PNG thông qua loạt Olgeta hàng năm, bao gồm Không quân, Lục quân, Hải quân và các cam kết dân sự. Thông qua chương trình này, Úc đang đầu tư dài hạn vào nhân sự, thiết bị và cơ sở hạ tầng của PNG.

Trong cuộc tập trận Pukpuk vào tháng 8 năm 2023, quân đội ADF và PNG đã hợp tác với các quân nhân từ Vương quốc Anh và các quốc gia đối tác khác bao gồm New Zealand và Hoa Kỳ để xây dựng các lớp học và khu nhà ở tại Căn cứ Hải quân Lombrum của PNG, được điều hành bởi Yếu tố Hoạt động Hàng hải của Lực lượng Quốc phòng PNG trên đảo Manus. Pukpuk, ban đầu là một cuộc tập trận chung cách đây nhiều thập kỷ, cũng thực hiện cả hoạt động sửa chữa đường bộ và hệ thống thoát nước trên đảo.

Trung tướng Không quân Úc Robert Chipman, bên trái, gặp gỡ các nhân viên của Lực lượng Quốc phòng Papua New Guinea trong Triển lãm Hàng không Quốc tế Úc vào tháng 3 năm 2023. BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

“Cuộc tập trận tiếp tục phát triển về mức độ bao phủ và mức độ tham gia với nhiều quốc gia liên quan. Đây là một tín hiệu tích cực. Cuộc tập trận diễn ra rất tốt đẹp”, Đại tá Travis Gordon, người đứng đầu nhân sự ADF ở Port Moresby, phát biểu với tờ Post-Courier của PNG.

Sau khi nâng cấp, Lombrum sẽ có một đội tàu tuần tra lớp Guardian do chính phủ Úc tặng cho PNG.

Hợp tác để Đáp ứng các Thách thức An ninh Nội bộ

Theo ông Mihai Sora, một nhà nghiên cứu trong Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy kiêm giám đốc dự án của Mạng lưới Úc-PNG, các mối đe dọa an ninh của PNG cũng đến từ bên trong. Ông Sora là một nhà cựu ngoại giao Úc và là một trong những người tổ chức sự kiện Port Moresby.

Tại sự kiện này, ông Pomaleu thuộc Hội đồng Điều hành Quốc gia của PNG cho biết rằng chính phủ đang có sáng kiến tìm cách tăng tỷ lệ cảnh sát so với dân thường để tăng cường an toàn công cộng. “Mục tiêu chính là có 1.000 nhân viên mỗi năm trong vòng năm, sáu năm tới, cho đến khi chúng tôi có tỷ lệ cán bộ thực thi pháp luật tốt hơn so với dân số”.

Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, chính quyền PNG đang làm việc với các đối tác quốc tế để nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát và thúc đẩy pháp quyền cũng như một xã hội có trật tự. Các chương trình này bao gồm Đối tác Chính sách PNG-Úc (PNG-Australia Policing Partnership – PNG-APP) và Dịch vụ Tư pháp và Ổn định để Phát triển (Justice Services and Stability for Development – JSS4D).

Chương trình PNG-APP hỗ trợ Cảnh sát Hoàng gia Papua New Guinea thông qua các cố vấn, hoạt động tư vấn và đào tạo các nhà lãnh đạo mới nổi do Cảnh sát Liên bang Úc thực hiện. Sự hợp tác này nhằm nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát trong việc cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả và có trách nhiệm, đặc biệt là trong các lĩnh vực bạo lực gia đình và tình dục, cảnh sát cộng đồng và tội phạm xuyên quốc gia.

JSS4D là một sáng kiến của Úc, New Zealand và Hoa Kỳ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho lĩnh vực pháp lý và tư pháp của PNG. Chương trình hỗ trợ việc thực hiện Luật PNG và Chiến lược Quốc gia ngành Tư pháp giai đoạn 2018-2025 tập trung vào việc tăng cường tiếp cận công lý, tăng cường luật pháp và trật tự, cũng như thúc đẩy quản trị tốt.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng sẽ đóng góp 247,6 tỷ đồng (10 triệu đô la Mỹ) cho PNG để thực hiện Chiến lược 10 năm nhằm ngăn chặn xung đột và thúc đẩy sự ổn định, nâng tổng chi tiêu dự kiến lên 743,1 tỷ đồng (30 triệu đô la Mỹ) trong ba năm. Chiến lược do PNG và Hoa Kỳ đưa ra vào năm 2022, với mục tiêu tăng cường năng lực cộng đồng để ngăn chặn, giảm thiểu và ứng phó với bạo lực, đặc biệt là bạo lực về giới; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng; và cải thiện hệ thống tư pháp và lực lượng an ninh.

Ông Pomaleu nói: “Tôi cho rằng thách thức hiện tại là xây dựng các con số, trang bị đầy đủ, đảm bảo rằng việc chia sẻ dữ liệu và thu thập thông tin tình báo đủ tốt và có thể được cung cấp cho những người sẽ giải quyết các vấn đề dài hạn”. “Nhưng chúng ta sẽ phải cân bằng điều đó với những cân nhắc liên quan đến hiến pháp về quyền tự do và quyền của cá nhân”.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape, bên phải, chào đón Thủ tướng New Zealand khi đó Chris Hipkins tại Port Moresby vào tháng 5 năm 2023. THE ASSOCIATED PRESS

Giảm thiểu Tác động của Biến đổi Khí hậu

An ninh khí hậu là một thành phần quan trọng trong các thỏa thuận gần đây của PNG trong khu vực. Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến việc cạnh tranh và xung đột về các nguồn tài nguyên như đặc điểm nước hoặc địa hình và gây ra tình trạng di cư. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác hoặc các địa điểm khác có ý nghĩa về mặt an ninh quốc gia. Ông Wohengu và bà Kopel nhấn mạnh rằng tác động của tình trạng biến đổi khí hậu là một mối quan tâm an ninh quốc gia, đặc biệt là khi nhà ở và nơi sản xuất thực phẩm đang bị đe dọa. “Anh chị em của chúng tôi ở các làng, thực tế cuộc sống của họ rất khác”, bà Kopel nói, bổ sung rằng việc giới thiệu các loại cây trồng chịu được biến đổi khí hậu và thúc đẩy xây dựng các nơi trú ẩn bền vững “có thể cung cấp một môi trường thuận lợi cho đại đa số người dân”.

Ví dụ, vấn đề sạt lở đất và xói mòn đất trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã gây khó khăn cho Mul-Baiyer, một quận chuyên sản xuất nông nghiệp gần thành phố Mount Hagen, khiến tình hình an ninh lương thực và sinh kế bị đe dọa. Chương trình Sẵn sàng Ứng phó với Biến đổi Khí hậu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development – USAID) đang làm việc với Hiệp hội Nikki của PNG để tài trợ cho việc trồng tre như một biện pháp đối phó. Theo USAID, loại cây phát triển nhanh này có thể đóng vai trò như “tuyến phòng thủ đầu tiên khỏi lũ lụt và sạt lở sông vì tre có thể giữ đất nhờ hệ thống rễ lan rộng”.

Chương trình Tác động của Biến đổi Khí hậu (Climate Change Impacts – CCI) của Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, do Trung tâm vì sự Xuất sắc trong Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ Nhân đạo (CFE-DM) chỉ đạo, hoạt động để tăng cường an ninh khí hậu khu vực bằng cách xây dựng năng lực để các Đồng minh và Đối tác chống chịu được trước các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Các khuôn khổ quốc tế và khu vực, bao gồm Kế hoạch hành động về Tuyên bố Boe và Chiến lược 2050 cho Lục địa Xanh Thái Bình Dương, hướng dẫn công việc mà CCI thực hiện trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác và cộng tác khu vực. CCI sử dụng dữ liệu dựa trên khoa học để giúp các Đồng minh và Đối tác hiểu được những tác động phức tạp và nhiều mặt do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra đối với bối cảnh an ninh khu vực, đồng thời để cung cấp thông tin nhằm đưa ra quyết định giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai một cách hiệu quả. 

Khi ký DCA, Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ 309,75 tỷ đồng (12,5 triệu đô la Mỹ) thông qua USAID để giúp PNG phát triển các nguồn lực và hệ thống cần thiết cho việc giúp các cộng đồng có thể chống chịu tốt hơn với các tác động của khí hậu. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “USAID có kế hoạch tăng cường khả năng tiếp cận của PNG đối với năng lượng tái tạo và hệ thống nước, vệ sinh có khả năng chống chịu với khí hậu, hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên và bảo vệ sự đa dạng sinh học của đất nước”.  

Xin bình luận ở đây

Quyền riêng tư của Quý vị rất quan trọng đối với chúng tôi. Nếu Quý vị chọn chia sẻ địa chỉ email, nhân viên DIỄN ĐÀN sẽ chỉ sử dụng phương thức này để liên lạc với Quý vị. Chúng tôi sẽ không chia sẻ hoặc công khai địa chỉ email của Quý vị. Chỉ có tên và trang web của Quý vị sẽ hiển thị trong phần bình luận. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button