Cơn bão Sắp Đổ bộ
Khám phá mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh ở Thái Lan và Việt Nam
THIẾU TÁ AFUA O. BOAHEMA-LEE/QUÂN ĐỘI HOA KỲ | Ảnh của AFP/GETTY IMAGES
Đông Nam Á đã ghi nhận nhiệt độ trung bình tăng kể từ năm 1960. Với những tác động ngày càng rõ rệt hơn trong thập kỷ vừa qua, biến đổi khí hậu hiện được coi là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của nhân loại. Dựa trên dữ liệu thu thập được trong hai thập kỷ qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) đã xếp Thái Lan và Việt Nam trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiệt độ tăng nhanh.
Biến đổi Khí hậu ở Thái Lan
Biến đổi khí hậu là một mối lo ngại đáng kể về an ninh đối với Thái Lan – quốc gia đang phải vật lộn với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Ví dụ như trận lũ lụt vào năm 2011, một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử Thái Lan.
Lũ lụt đã gây thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và sinh kế, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với việc tăng cường nỗ lực để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Mùa mưa bắt đầu vào tháng 7 năm 2011 và tiếp diễn trong nhiều tháng đã ảnh hưởng đến 65 trong số 77 tỉnh của Thái Lan và khiến hơn 800 người thiệt mạng, với thiệt hại ước tính khoảng 1.150.875 tỷ đồng (46,5 tỷ đô la Mỹ). Thảm họa này cũng làm dấy lên các thách thức an ninh như dịch chuyển dân số, bất ổn xã hội và xung đột về tài nguyên thiên nhiên.
Sông Mê Kông là một vấn đề đáng quan tâm. Đây là một trong những con sông dài nhất châu Á, chảy qua sáu quốc gia: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đây là huyết mạch của khu vực, cung cấp nước uống, phục vụ tưới tiêu và giao thông vận tải, cũng như hỗ trợ hàng triệu người phụ thuộc vào tài nguyên nước làm kế sinh nhai. Lưu vực sông Mê Kông đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, bao gồm lũ lụt, hạn hán và nhiệt độ tăng, cũng như áp lực sinh thái từ vấn đề đô thị hóa, xói mòn bờ biển và phá rừng.
Thái Lan nằm trong vùng ven biển có độ cao thấp của lục địa châu Á, nổi tiếng là dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Các tác động đáng chú ý của biến đổi khí hậu mà người dân Thái Lan phải chịu đựng bao gồm tình trạng thiếu lương thực, vấn đề chất lượng nước, sự tuyệt chủng của thực vật và động vật và nạn đói. Tầm quan trọng của sông Mê Kông đối với Thái Lan đòi hỏi nước này cần phải có các chiến lược hiệu quả trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là Thái Lan phải giám sát và quản lý tài nguyên của dòng sông, bảo vệ hệ sinh thái và hợp tác với các nước láng giềng trong Lưu vực Sông Mê Kông để giải quyết các thách thức chung, bao gồm cả an ninh y tế. Nghiên cứu cho thấy lũ lụt là một yếu tố môi trường quan trọng liên quan đến việc lây lan bệnh leptospirosis, một bệnh do vi khuẩn gây ra và có khả năng gây tử vong. Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể là chất xúc tác gây nên đại dịch.
Hạn hán, lũ lụt thường xuyên và nghiêm trọng là gốc rễ của một số vấn đề an ninh kinh tế ở Thái Lan, đặc biệt là trong các cộng đồng canh tác nông nghiệp. Các tác động đến năng suất cây trồng và sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân làm giảm thu nhập của nông dân và tăng giá thực phẩm cho người tiêu dùng. Hơn nữa, biến đổi khí hậu còn dẫn đến tình trạng mất an ninh nước và lương thực trong khu vực. Các nhà nghiên cứu cũng dự đoán số lượng thực vật, động vật có vú và chim đến năm 2070 sẽ giảm đáng kể.
Biến đổi Khí hậu ở Việt Nam
Biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức an ninh đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt là tại các khu vực ven biển, nơi hầu hết người dân sinh sống. Nằm trong vùng nhiệt đới của Bắc bán cầu, Việt Nam đã trải qua các đợt lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và sức khỏe con người. IMF báo cáo rằng quốc gia này rất dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao, cũng như do tần suất và cường độ ngày càng tăng của các cơn bão và bão nhiệt đới.
Ví dụ, vào năm 2017, bão Damrey (Việt Nam: Cơn bão số 12) quét qua miền Trung khiến hơn 100 người thiệt mạng và gây thiệt hại hơn 24.748 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ). Những hậu quả như vậy có thể dẫn đến các lỗ hổng an ninh, bao gồm tình trạng di dời, bất ổn xã hội và tranh giành tài nguyên thiên nhiên. Theo dự kiến, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đến năm 2050 sẽ tăng thêm đến 2 độ C, gây ra hạn hán và mưa thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn. Mực nước biển có thể tăng khoảng 1 mét, ảnh hưởng đáng kể đến những vùng ven biển trũng thấp thiếu các biện pháp thích ứng.
Gần một nửa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực và nền kinh tế của Việt Nam, sẽ đặc biệt bị tổn thương trước những thay đổi này, dẫn đến những hậu quả làm thay đổi cuộc sống. Theo Chỉ số Khí hậu Toàn cầu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Dù các biện pháp giảm thiểu đang được thực hiện nhưng biến đổi khí hậu vẫn là một mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Việt Nam. Một mối quan ngại lớn là rủi ro đối với nông nghiệp vì nó có thể gây nguy hiểm cho an ninh lương thực trong nước và toàn cầu. Nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong thị trường lương thực toàn cầu với việc xuất khẩu số lượng lớn gạo, hải sản và cà phê. Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố chính gây ra những thách thức về y tế ở Việt Nam. Mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khí hậu. Trong khi đó, khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã buộc nhiều người Việt Nam phải di cư.
Chính sách về Biến đổi Khí hậu
Chính phủ Thái Lan và Việt Nam ban hành luật ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu. Thái Lan cũng đã đưa ra các cam kết quốc tế để giúp quản lý những tác động đối với địa phương. Trong Thỏa thuận Paris năm 2015 của Liên Hợp Quốc nhằm tìm cách hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, Thái Lan cam kết đến năm 2030 sẽ giảm ít nhất 30% lượng khí nhà kính. Vào năm 2007, Thái Lan đã ban hành Đạo luật Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai cũng như Kế hoạch Tổng thể Quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó chủ yếu xác định và nêu bật các lĩnh vực quan trọng cần có biện pháp can thiệp. Gần đây, quốc gia này đã thông qua Kế hoạch Thích ứng Quốc gia nhằm đạt được tính bền vững trong các lĩnh vực y tế công cộng, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp, an ninh lương thực và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Kế hoạch Tổng thể về Biến đổi Khí hậu (Climate Change Master Plan – CCMP) của Thái Lan giai đoạn 2015-2050 là tài liệu chính sách cấp cao nhất hướng dẫn việc ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia này. CCMP bao gồm các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường hỗ trợ cho các nguồn năng lượng tái tạo. Kế hoạch này bao gồm các biện pháp cải thiện hoạt động quản lý nước và giảm bớt nguy cơ lũ lụt của đất nước.
Khu vực tư nhân, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ (nongovernmental organizations – NGO), cũng quản lý các tác động của biến đổi khí hậu. Các tổ chức phi chính phủ đã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Thái Lan. Liên minh Công tác Công lý Khí hậu Thái Lan giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, bao gồm cả các cộng đồng dễ bị tổn thương và ủng hộ các chính sách và hành động thúc đẩy công lý khí hậu ở cấp quốc gia và khu vực. Liên minh này tập trung vào các vấn đề như năng lượng bền vững, tài chính khí hậu và thích ứng khí hậu. Họ đang giúp chính phủ chuyển đổi sang một xã hội sản sinh ít carbon.
Viện Môi trường Thái Lan, một tổ chức phi chính phủ khác, làm việc với khu vực tư nhân, cộng đồng địa phương và chính phủ để xây dựng các chỉ thị khuyến khích sự tiến bộ về môi trường. Trong nhiều năm, viện này đã nghiên cứu về biến đổi khí hậu và đưa ra các khuyến nghị quan trọng cho chính sách.
Ngay cả với những nỗ lực như vậy, vẫn cần có sự hỗ trợ đáng kể từ quốc tế để phát triển năng lực thích ứng và khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh. Điều này bao gồm hoạt động hỗ trợ trong việc tạo và thực hiện các chiến lược thích ứng, mở rộng khả năng tiếp cận nguồn kinh phí và phát triển chuyên môn quản lý rủi ro khí hậu.
Các điều kiện khí hậu bất lợi có khả năng gây ra bạo lực và bất ổn chính trị. Do đó, việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của quân đội. Ngoài việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, quân đội Thái Lan còn hỗ trợ những công dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán và lũ lụt. Quân nhân cung cấp phương tiện đi lại, thực phẩm và bảo vệ an ninh. Do tình trạng biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các hoạt động quốc phòng nên quân đội Thái Lan đã thực hiện các chiến lược để giải quyết những mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với các tổ chức khu vực tư nhân, chính phủ đã thực hiện những chính sách và chiến lược để giúp có được một tương lai bền vững. Để giúp các cộng đồng và cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, chính phủ nước này đã tạo ra Chương trình Mục tiêu Quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu, với mục tiêu bao quát là giảm lượng khí thải carbon của cả nước. Chương trình này bao gồm các sáng kiến nhằm tăng cường quản lý nước, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng thay thế.
Chính sách về biến đổi khí hậu của quốc gia hướng tới mục tiêu lượng phát thải ròng đến năm 2050 sẽ bằng 0. Việt Nam cũng đã thông qua luật năm 2022 về thuế carbon nhằm giúp giảm lượng khí thải. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng để hỗ trợ mục tiêu năm 2050 đầy tham vọng của Việt Nam cũng như quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch của quốc gia này. Vào tháng 5 năm 2023, Việt Nam đã đạt được một cột mốc quan trọng khi phê duyệt Kế hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia lần thứ tám (the eighth National Power Development Plan – PDP-8), nêu bật sự quyết tâm của họ cho sự phát triển bền vững và tiến bộ thân thiện với môi trường khi đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn nền kinh tế. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng PDP-8 và vẫn tiếp tục hỗ trợ thực hiện kế hoạch.
Chính phủ Việt Nam cũng đã tham gia với các tổ chức phi chính phủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu Việt Nam đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu trong cộng đồng người có thu nhập thấp. Tổ chức này khuyến khích phát triển cộng đồng và cung cấp sự hỗ trợ về mặt tài chính và môi trường cho công dân.
Một tổ chức phi chính phủ khác của Việt Nam là Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng lại thúc đẩy bình đẳng giới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung tâm này có các chương trình như kiểm soát ô nhiễm nước và giảm chất thải nhựa. Mục tiêu của các tổ chức này và các tổ chức phi chính phủ khác là điều phối, đối thoại chính sách, thích ứng, giảm thiểu, nâng cao năng lực và vận động chính sách.
Phân tích So sánh
Biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đã để lại những hậu quả về kinh tế, chính trị và môi trường tương đồng ở Thái Lan và Việt Nam, những nơi mực nước biển dự kiến sẽ tăng thêm tới 30 centimet vào năm 2050. Mực nước biển tăng sẽ gây xói mòn, lũ lụt và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Cả hai quốc gia đã chịu nhiều thiệt hại và tổn thất về tài sản liên quan đến khí hậu hơn đáng kể so với các khu vực khác. Nếu không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tổng sản phẩm quốc nội toàn khu vực sẽ giảm 11% vào cuối thế kỷ này.
Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quân sự, cả hai chính phủ đã xây dựng các chính sách và kế hoạch được xác định rõ ràng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hai quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Thái Lan nằm xa hơn về phía nam và nhiệt độ nóng hơn khiến nước này dễ gặp sóng nhiệt và hạn hán hơn. Việt Nam lại dễ bị ảnh hưởng và hứng chịu các trận bão, lũ lụt hơn. Cũng cần lưu ý rằng các bước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của Thái Lan có xu hướng kém toàn diện hơn so với Việt Nam. Mặc dù đã đặt ra các mục tiêu quản lý biến đổi khí hậu, Thái Lan vẫn chậm thực hiện các biện pháp.
Giống như Lực lượng Vũ trang Thái Lan, quân đội Việt Nam cũng tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cứu trợ và phục hồi sau thảm họa.
Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Thái Lan và Việt Nam giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia và khu vực. Ví dụ, Hoa Kỳ cung cấp sự ủng hộ về kinh tế và giáo dục, đồng thời hỗ trợ về mặt môi trường để quản lý biến đổi khí hậu.
Các Biện pháp của Chính phủ, Quân đội và Tổ chức Phi chính phủ
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến các biện pháp can thiệp và an ninh do chính phủ, quân đội và các tổ chức phi chính phủ cung cấp, dự kiến làm tăng nhu cầu viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Vì Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương, điều quan trọng là các chính phủ, quân đội và các tổ chức phi chính phủ phải sẵn sàng hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tài nguyên nước và đất có thể trở nên khan hiếm và do đó có giá trị hơn, điều này có thể dẫn đến xung đột giữa các quốc gia và các nhóm, đặc biệt là khi nguồn tài nguyên đó đã bị hạn chế. Để giảm thiểu nguy cơ xung đột và khuyến khích phân bổ tài nguyên công bằng, chính phủ, quân đội và các tổ chức phi chính phủ phải hợp tác để giúp các cộng đồng có khả năng chống chịu tốt hơn cũng như chuẩn bị kĩ càng hơn trong việc quản lý các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Triển vọng Hợp tác
Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu. Sự hợp tác có thể thúc đẩy các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ năng lượng tái tạo, Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp chuyên môn và sự hỗ trợ khác cho Thái Lan và Việt Nam khi họ chuyển sang sử dụng năng lượng bền vững với môi trường.
Là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp, Hoa Kỳ cũng sẵn sàng hỗ trợ Thái Lan và Việt Nam nâng cao năng suất nông nghiệp và thúc đẩy các hoạt động bền vững, đồng thời tăng cường khả năng chống chọi với lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác.
Hơn nữa, những quan hệ đối tác như vậy có thể tăng cường sự ổn định trong khu vực bằng cách thúc đẩy phân phối công bằng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nước và đất. Bằng cách hợp tác cùng nhau, các quốc gia có thể giảm bớt khả năng xảy ra xung đột do khan hiếm tài nguyên. Thông qua việc chia sẻ kiến thức, hợp tác và thực hiện các hoạt động bền vững, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam mong muốn tạo ra một khuôn khổ đảm bảo việc sử dụng có trách nhiệm và phân bổ hợp lý các tài nguyên quan trọng. Về mặt này, các nỗ lực hợp tác giữa ba quốc gia sẽ thể hiện một cách tiếp cận mang lại sự chuyển biến sâu sắc trong việc tăng cường khả năng phục hồi nông nghiệp và ổn định khu vực.
Sự hợp tác như vậy nên tập trung vào việc phát triển năng lực thích ứng, khả năng phục hồi và quản lý rủi ro khí hậu, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận nguồn kinh phí cho khí hậu. Việc quân đội tham gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là điều cần thiết, xét đến những tác động tiềm ẩn đối với an ninh.
Biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức đáng kể đối với Thái Lan và Việt Nam, đòi hỏi những nỗ lực phối hợp từ các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác quốc tế. Tác động của biến đổi khí hậu vượt xa các mối quan tâm về môi trường và có ý nghĩa sâu rộng đối với nhân loại. Điều bắt buộc là phải ưu tiên các chiến lược giảm thiểu và thích ứng để đảm bảo phúc lợi và an ninh của người dân ở cả hai quốc gia và trên toàn cộng đồng toàn cầu.