An ninh Tập thể
Nhật Bản, Hàn Quốc hợp tác trong các thách thức chung
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Một kế hoạch của hãng Samsung có trụ sở tại Hàn Quốc trong việc xây dựng một cơ sở nghiên cứu và phát triển trị giá hơn 5.454 tỷ đồng (220 triệu đô la Mỹ) gần Yokohama, Nhật Bản thể hiện sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các quốc gia này đều là những nước đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ khác, đồng thời lãnh đạo của các quốc gia này cũng hình dung được mối quan hệ đối tác ngày càng thắt chặt trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Liên doanh Samsung, dự kiến sẽ khai trương vào năm 2025, là “một sáng kiến mang tính biểu tượng cao được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành công nghiệp vi mạch của Nhật Bản và Hàn Quốc”, tạp chí Nikkei Asia đưa tin vào tháng 5 năm 2023. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Hàn Quốc của cơ sở này sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất cho thiết bị vi mạch nguyên mẫu. Cũng theo tạp chí này, Samsung là nhà sản xuất vi mạch bộ nhớ lớn nhất thế giới, còn Nhật Bản là nhà sản xuất vật liệu cơ bản hàng đầu để sản xuất vi mạch.
Nhật Bản và Hàn Quốc, bị chia cắt bởi các vấn đề biển và xung đột trong quá khứ, bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều vấn đề vào năm 2023, phần lớn là do sáng kiến của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người tập trung vào những điểm tương đồng về địa chính trị của hai quốc gia và kiên quyết hướng tới tương lai. Ông Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp nhau tại Seoul và Tokyo vào đầu năm 2023, và vào tháng 8, họ đã tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng của tổng thống Hoa Kỳ ở Maryland, để thảo luận về vấn đề hợp tác ba bên.
Tiến sĩ Hoo Chiew-Ping, giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Malaysia, đồng thời là chuyên gia về nghiên cứu Hàn Quốc và Đông Á, phát biểu với DIỄN ĐÀN: “Tôi lạc quan rằng cuối cùng hai nước sẽ hợp tác nghiêm túc. Tôi nghĩ đây chính là thời điểm phù hợp. Các Chaebol [tập đoàn gia đình] và các tập đoàn lớn ở Nhật Bản và [Hàn Quốc] chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân của họ, nhưng sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của chính phủ sẽ giúp tạo ra đầu tư và hợp tác”.
Tiềm năng hợp tác cũng có trong các doanh nghiệp công nghệ khác, bao gồm pin xe điện và mạng truyền thông di động. Các nhà quan sát cho rằng thành công về mặt kinh tế có thể là cách tốt nhất để thuyết phục những người hoài nghi về giá trị của quan hệ đối tác.
Tiến sĩ Yoichiro Sato, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan ở Châu Á Thái Bình Dương của Nhật Bản với chuyên môn về quan hệ quốc tế, an ninh và kinh tế, phát biểu với DIỄN ĐÀN. “Động lực đã thực sự thay đổi kể từ khi ông Yoon được bầu [vào năm 2022]”, ông Sato cho biết. “Đây là một cơ hội tuyệt vời”.
Theo ông Sato, việc hợp tác an ninh có nhiều thách thức hơn, với việc chia sẻ thông tin tình báo có lẽ sẽ là liên doanh hứa hẹn nhất. Hai quốc gia đã cam kết sẽ mở rộng các biện pháp như giám sát các vụ phóng tên lửa và khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và các hành động hàng hải hung hăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).
Các mối đe dọa từ phía Bắc Triều Tiên và CHND Trung Hoa đã đặt ra sự cấp bách trước mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tạp chí Quốc phòng Quốc gia đưa tin vào tháng 6 năm 2023. Tờ New York Times đưa tin vào tháng 5 năm 2023 rằng ông Yoon hiện gọi Nhật Bản là “một đối tác có chung các giá trị phổ quát”, trong khi ông Kishida coi Hàn Quốc là “một quốc gia láng giềng quan trọng mà chúng ta cần hợp tác”.
Tăng cường Hợp tác
Các đồng minh và Đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng tăng cường hợp tác Cùng với việc Nhật Bản và Đại Hàn Dân Quốc — tên chính thức của Hàn Quốc — đẩy mạnh quan hệ hợp tác, các mối quan hệ đối tác còn có Bộ tứ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ; và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations – ASEAN) lâu đời. Ngoài ra còn có các mối quan hệ ba bên: Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ; Úc, Pháp và Ấn Độ; và Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Các mối quan hệ này dựa trên lòng tin, sự tin tưởng lẫn nhau và khả năng lãnh đạo.
Hội nghị thượng đỉnh tại Trại David kết thúc với một tuyên bố chung dẫn đến sự hợp tác vượt ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ba quốc gia cam kết hỗ trợ ASEAN và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương Xanh. Họ hứa sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển để thúc đẩy mức trung hòa carbon, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng cũng như công nghệ thông tin và truyền thông. “Quan hệ đối tác của chúng tôi là một mối quan hệ đối tác được xây dựng không chỉ cho người dân của chúng tôi mà còn cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, tuyên bố này cho hay.
Tạp chí The Diplomat đưa tin, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh là thể chế hóa việc hợp tác giữa Seoul, Tokyo và Washington để chống lại những thách thức như thay đổi về chính trị.
Mặc dù không cam kết rằng ba quốc gia sẽ tham gia một hiệp ước an ninh, nhưng tuyên bố này kêu gọi các quốc gia chia sẻ dữ liệu và thông tin tình báo, diễn tập, sáng kiến chống lại thông tin sai lệch, đồng thời thường xuyên có các cuộc gặp gỡ giữa những nhà lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cũng như cố vấn an ninh quốc gia. Tuyên bố này tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và yêu cầu Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Hoa Kỳ vốn có quan hệ song phương lâu dài và các hiệp ước với Nhật Bản và Hàn Quốc và khẳng định một cam kết sắt đá đối với cả hai quốc gia. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) có trụ sở tại Washington, D.C., mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ít rõ ràng hơn — đó là một đường chấm chấm thay vì một đường liền.
Tiến sĩ Celeste Arrington, phó giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học George Washington, phát biểu với DIỄN ĐÀN: “Họ chia sẻ rất nhiều giá trị và lợi ích bất chấp sự khác biệt”. “Có rất nhiều lý do để họ hợp tác. Điều này rất đáng để thử”. Tiến sĩ Arrington cho biết các cuộc gặp gỡ giao lưu nhân dân sẽ giúp thể chế hóa sự tương tác giữa các quốc gia: kết nối kinh doanh, du lịch, trao đổi sinh viên và quan hệ đôi bên cùng có lợi trong chính trị và kinh tế giữa những phụ nữ được trao quyền.
Quan hệ đối tác non trẻ giữa Nhật Bản-Hàn Quốc có mục tiêu thể hiện sức mạnh của sự hợp tác để tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế và tăng cường an ninh trong bối cảnh các Đồng minh và Đối tác đang xây dựng mạng lưới để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở.
Điểm tương đồng, Khác biệt
Ông Frank Aum, chuyên gia cấp cao của Viện Hòa bình Hoa Kỳ về Đông Bắc Á, đã viết vào tháng 7 năm 2022 rằng Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ các giá trị, lợi ích và mối quan tâm. Cả hai đều là những nền dân chủ lớn mạnh và là đồng minh trung thành của Hoa Kỳ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF), Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc kinh tế toàn cầu, tự hào là các quốc gia lần lượt có tổng sản phẩm quốc nội đứng thứ hai và thứ tư Châu Á.
Cả hai quốc gia cũng có dân số già và tỷ lệ sinh thấp, trong khi sự nóng lên toàn cầu, đi kèm là tình trạng mực nước biển dâng đang đe dọa các quốc gia ven biển này. Các nhà quan sát cho rằng việc giải quyết những thách thức chung như vậy có thể mang lại lợi ích chung và tạo ra cảm giác đạt được thành tựu cho cả hai bên.
Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc cuối cùng cũng phải giải quyết các vấn đề còn sót lại, bao gồm cả sự cai trị thuộc địa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945 và tranh chấp quyền sở hữu các đảo nhỏ. Ông Aum viết: “Để cải thiện quan hệ, Seoul và Tokyo có thể sẽ cần áp dụng cả hai cách tiếp cận – theo đuổi hợp tác an ninh và kinh tế ở mức có thể, đồng thời thực hiện ngay các bước để giải quyết các tranh chấp lịch sử”.
Mặc dù Hàn Quốc do dự trong việc rời bỏ CHND Trung Hoa về mặt kinh tế, nhưng chủ nghĩa độc tài, quyết đoán và tham vọng bá quyền ngày càng tăng của Bắc Kinh đang làm tổn hại đến mối quan hệ thương mại của nước này với Seoul cũng như Tokyo, theo tin từ tờ The Diplomat vào tháng 5 năm 2023. Thật vậy, theo tờ The Washington Post, Hàn Quốc đã tham gia vào nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu ít phụ thuộc hơn vào ngành công nghiệp Trung Quốc.
Ông Yun Dukmin, đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nhưng một số lượng đáng kinh ngạc các công ty đã rời khỏi Trung Quốc”. “Chúng tôi không thể từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc, nhưng nhìn chung, thị trường Trung Quốc sẽ không mở cửa liên tục”. Ông Yun nói với tạp chí Time vào tháng 9 năm 2023 rằng các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng như các công ty lớn như Samsung đang đầu tư vào Nhật Bản.
Trong khi đó, theo tin của Kyodo News vào tháng 1 năm 2023, Nhật Bản đã xác định CHND Trung Hoa là “thách thức chiến lược lớn nhất” đối với an ninh và ổn định.
Vấn đề Địa lý
Tokuchi Hideshi, chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh có trụ sở tại Nhật Bản, đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, viết trong bài bình luận của CSIS vào tháng 6 năm 2023: “Tầm quan trọng của việc hợp tác an ninh với Hàn Quốc là điều không thể bị phóng đại”. “Quan hệ hợp tác Nhật Bản-Hàn Quốc càng trở nên cần thiết hơn do mối đe dọa từ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên”.
Việc duy trì “trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền” là nguyên tắc trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tiến sĩ Jeffrey Hornung, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức nghiên cứu độc lập Rand Corp. viết vào tháng 9 năm 2023: “Việc chính thức tham gia các cấu trúc song phương song song trong một liên minh duy nhất vẫn là điều phi thực tế trong tương lai gần, do những vấn đề nhạy cảm về chính trị còn tồn tại ở Hàn Quốc và Nhật Bản, bên cạnh những ràng buộc về hiến pháp của Nhật Bản đối với phòng thủ tập thể”. Tuy nhiên, các nước đã đồng ý “tăng cường phối hợp chiến lược giữa liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản và Hoa Kỳ-Hàn Quốc, đồng thời đưa quan hệ hợp tác an ninh ba bên lên tầm cao mới”, tuyên bố viết.
Hàn Quốc giám sát các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên vốn được coi là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, còn các vệ tinh của Nhật Bản theo dõi vũ khí trên không. Theo Reuters, Hoa Kỳ kết hợp dữ liệu cảnh báo tên lửa trong thời gian thực với thông tin tình báo của chính mình.
Thông báo của ông Kishida vào tháng 12 năm 2022 về kế hoạch xây dựng quốc phòng trị giá 7.810.047 tỷ đồng (315 tỷ đô la Mỹ) trong 5 năm được bổ trợ với các chiến lược an ninh và phòng thủ mới của Tokyo cho phép thực hiện các biện pháp phản công. Cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine khiến Nhật Bản vô cùng lo ngại, và liệu điều đó có báo trước một cuộc xâm lược của CHND Trung Hoa vào Đài Loan tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình hay không. Ông Sato cho biết Tokyo có thể sẽ phản đối một cuộc tấn công như vậy vào Đài Loan, trong khi Hàn Quốc sẽ hỗ trợ và cung cấp vật tư nhưng vẫn tập trung vào Bắc Triều Tiên.
Căng thẳng vẫn tồn tại giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc sau 70 năm kể từ ngày hai nước ký hiệp định đình chiến chấm dứt giao tranh trong Chiến tranh Triều Tiên. Theo The Associated Press, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc đã truy tố cuộc chiến chống lại Bắc Triều Tiên có thể sử dụng bảy căn cứ và cơ sở của Hoa Kỳ tại Nhật Bản là “biện pháp răn đe lớn nhất” để Bình Nhưỡng nối lại chiến sự, ông Yoon cho biết vào tháng 8 năm 2023.
Các Đồng minh và Đối tác đã đẩy mạnh những cuộc tập trận phòng thủ để cải thiện khả năng tương tác. Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo vào tháng 8 năm 2023 sau nỗ lực phóng vệ tinh gián điệp thứ hai của Bắc Triều Tiên thất bại. Đại úy Tomohiro Tomimatsu, chỉ huy của tàu khu trục Nhật Bản JS Haguro, phát biểu trong một thông cáo báo chí: “Thông qua cuộc tập trận, chúng tôi đã cải thiện khả năng chiến thuật và khả năng phản ứng chung để phòng thủ tên lửa đạn đạo”.
Các biện pháp hợp tác như vậy giúp khôi phục mối quan hệ, xây dựng niềm tin và thúc đẩy sự lạc quan về mối quan hệ bền chặt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiến sĩ Arrington của Đại học George Washington phát biểu: “Thời gian sẽ
trả lời”.