Ấn Độ phản đối việc Bắc Kinh đổi tên tùy tiện 30 địa điểm ở bang biên giới Himalaya.
Reuters
Ấn Độ phản đối việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đổi tên khoảng 30 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh phía đông bắc của Ấn Độ, gọi động thái tùy tiện của Bắc Kinh là “vô nghĩa” và tái khẳng định rằng tỉnh biên giới này là một phần “không thể tách rời” của Ấn Độ.
New Delhi đã nhiều lần bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với bang giáp Himalaya này. CHND Trung Hoa tương tự đã làm gia tăng căng thẳng vào năm 2023 bằng cách chỉ định tên Trung Quốc cho 11 địa điểm khác trong bang này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết vào đầu tháng 4 năm 2024: “Việc gán các tên được phát minh sẽ không làm thay đổi thực tế rằng Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể thiếu và không thể tách rời của Ấn Độ”.
Bang này thường là nguyên nhân gây mất hài hòa giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, mối quan hệ giữa họ sụt giảm sau cuộc xung đột biên giới chết người giữa quân đội của họ tại phía tây dãy Himalaya vào năm 2020. Các lực lượng vũ trang hạt nhân của hai quốc gia cũng đã xô xát dọc theo biên giới tranh chấp vào cuối năm 2022, mặc dù căng thẳng đã giảm bớt sau các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao sâu rộng.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói rằng “việc thay đổi tên chẳng có ý nghĩa gì”.
Ông nói: “Nếu tôi thay đổi tên nhà của bạn, nó có trở thành nhà của tôi không?”.
Vào tháng 3 năm 2024, Bắc Kinh đã phàn nàn về chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến bang này để khánh thành các dự án cơ sở hạ tầng. New Delhi bác bỏ các khiếu nại là “vô căn cứ”.
Hoa Kỳ cho biết họ công nhận Arunachal Pradesh là một phần của Ấn Độ và họ “phản đối mạnh mẽ” bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm đưa ra tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ bằng cách “xâm nhập hoặc xâm phạm” quân sự hoặc dân sự.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.800 km — phần lớn không được phân định rõ ràng — nơi đã xảy ra một cuộc chiến vào năm 1962. Hai mươi binh sĩ Ấn Độ và ít nhất bốn binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong cuộc chiến giáp lá cà vào năm 2020, khiến cả hai nước phải củng cố các vị trí và triển khai thêm quân và thiết bị dọc biên giới.