Các bài nổi bậtĐông Bắc ÁQuan hệ Đối tác

Liên minh và Quan hệ Đối tác

Nâng cao các mối quan hệ chiến lược lên tầm cao tiếp theo

Tiến sĩ Alfred Oehlers Trung tâm nghiên cứu an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye

Ảnh của The Associated Press

Chúng ta thường nghe nói liên minh và quan hệ đối tác là tài sản quan trọng sống còn. Những mối quan hệ này khiến Hoa Kỳ khác biệt với các đối thủ. Chúng cũng tạo ra những lợi thế quyết định, đặc biệt là vào các thời điểm quan trọng. Khi Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức trong tương lai, quốc gia này có thể sẽ một lần nữa tìm đến sự hỗ trợ của các đồng minh và đối tác. Chúng ta có lợi ích chung trong việc đảm bảo các mối quan hệ này bền vững và duy trì mạnh mẽ. 

Việc duy trì các mối quan hệ này không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Chúng ta có thể thay đổi điều gì trong những mối quan hệ này? Chúng ta có thể đổi mới ở khía cạnh nào và như thế nào? Chúng ta vẫn còn cơ hội nào để khám phá và nắm bắt? Đây là những câu hỏi quan trọng cần hỏi đi hỏi lại. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện nay, rủi ro rất cao. Chúng ta cần phải liên tục thử thách bản thân, cân nhắc các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta có thể bao gồm những gì khác, và tìm kiếm những lợi ích có thể thay đổi cuộc chơi mà chúng có thể mang lại vào những thời điểm quan trọng.

Năm yếu tố nói lên cơ hội lớn cho các đồng minh và đối tác. Những yếu tố này cùng nhau mang lại tiềm năng xúc tác cho các mạng lưới của chúng ta, giúp mạng lưới trở nên linh hoạt hơn và phù hợp hơn với các thách thức mang tính chiến thuật và chiến lược của hiện tại và tương lai. Đầu tiên, chúng ta phải làm mới các mối quan hệ hiện có. Thứ hai, chúng ta nên mở rộng các mạng lưới đã được thiết lập này. Thứ ba, chúng ta cần đổi mới cách định hình các kết nối. Thứ tư, chúng ta phải tăng cường hội nhập. Thứ năm, chúng ta cần triển khai các mạng lưới và mối quan hệ này với mức độ tập trung và cường độ ngày càng tăng.

Làm mới 

Nhiều liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta đã tồn tại trong nhiều năm. Những mối quan hệ này phản ánh các điều kiện và ưu tiên trong quá khứ. Chúng ta đã cố gắng theo kịp thay đổi bằng cách cập nhật định kỳ các mối quan hệ và các hoạt động được thực hiện theo khuôn khổ của từng mối quan hệ. Tuy nhiên, có thể cho rằng, với tình hình cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng, bối cảnh đã thay đổi đáng kể. Những diễn biến như cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraine cho thấy chúng ta đang ở một bước ngoặt lịch sử. Các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta có bắt kịp được bước ngoặt này không? 

Bối cảnh chiến lược của chúng ta, mặc dù ngày càng cạnh tranh, bị xáo trộn bởi các liên kết kinh tế sâu sắc và tình trạng phụ thuộc lẫn nhau, thường là với các đối thủ tiềm tàng. Các mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt ngày càng đa chiều và phức tạp. Xung đột không còn chỉ bao trùm các miền truyền thống trên không, trên biển và trên bộ. Các miền mới hơn như mạng, không gian và thông tin đang nhanh chóng nổi lên như yếu tố then chốt. 

Với rất nhiều thay đổi như vậy, có lý do để đánh giá lại liệu các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta có còn phù hợp với mục đích hay không. Việc đánh giá lại các thỏa thuận của chúng ta và sự tương thích của các quan hệ này với những thách thức đương đại sẽ có lợi cho chúng ta. Cùng với đó, các cuộc đối thoại thẳng thắn xung quanh những lộ trình tiềm năng phía trước, để giải quyết các khoảng trống hoặc nắm bắt cơ hội, cũng có thể cần thiết.

Một chiếc xe tăng của Hàn Quốc rời đi trong sự kiện Cobra Gold 2023 ở miền đông Thái Lan.

Mở rộng 

Nếu chúng ta đánh giá các liên minh và quan hệ đối tác chỉ dựa trên mối liên hệ giữa các quân đội trong khu vực, tình hình có vẻ đáng khích lệ. Chúng ta có số lượng và phạm vi địa lý liên minh và quan hệ đối tác rất ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa để phát triển và cải thiện. Việc khắc phục những thiếu sót, chẳng hạn như việc bỏ sót các quốc gia không có quân đội, có thể là trường hợp điển hình. Mặc dù, nhìn chung, vẫn có lý do để hài lòng.

Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ kém thỏa mãn hơn nếu áp dụng số liệu khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu, thay vì chỉ có các giao diện quân sự, thì giờ chúng ta đánh giá các liên minh và quan hệ đối tác về khả năng sắp xếp các phản ứng hiệu quả hơn với các mối đe dọa hiện đang phải đối mặt? Xét cho cùng, mạng lưới của chúng ta có quyền triệu tập mạnh mẽ để tập hợp các đối tác quân sự. Chúng ta có khả năng khai thác các mạng lưới để cho gia nhập những chủ thể quốc gia, khu vực và quốc tế quan trọng khác, tạo ra đóng góp có giá trị cho không gian chiến đấu. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta thừa nhận một điểm quan trọng. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện tại của mình, với những thách thức hỗn hợp hoặc vùng xám, quân đội vẫn là một nhân vật chủ chốt. Tuy nhiên, quân đội dần dần sẽ không phải là nhân vật duy nhất. Trong một số trường hợp, quân đội có thể không phải là nhân vật quan trọng nhất. Mạng lưới của chúng ta nên bao gồm những ai hoặc những gì khác?

Ở một cấp độ, điều này có thể liên quan đến vấn đề quen thuộc là tập hợp các đối tác liên cơ quan phù hợp. Mới đầu là vậy. Nhưng có thể còn hơn thế nữa. Người ta đã đề xuất phương pháp tiếp cận toàn xã hội để giải quyết toàn diện hơn các thách thức vùng xám và thách thức kết hợp. Vai trò quan trọng của các tác nhân phi nhà nước như khu vực tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ thường được đề cập đến trong vấn đề này. 

Trong khi triển khai các mối quan hệ liên minh và đối tác, chúng ta phải đưa thêm các đối tác phi quân sự với những đóng góp quan trọng vào khả năng phục hồi chống lại các mối đe dọa vùng xám và mối đe dọa kết hợp. Các nhiệm vụ, ưu tiên và văn hóa tổ chức khác nhau có thể khiến nỗ lực này gặp khó. Tuy nhiên, cần đạt được sự tiến triển dần dần. Khi mở rộng sự tham gia của các đối tác phát sinh này, mức độ phù hợp và hiệu quả của toàn bộ mạng lưới sẽ được khuếch đại. Đây sẽ là đầu tư đáng giá về thời gian và công sức.

Đổi mới

Các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta chủ yếu dựa trên các thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, thông thường, các giải pháp mà chúng ta tìm kiếm có thể đòi hỏi cách tiếp cận đa phương. Trong bối cảnh tăng cường cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, cùng với các mối đe dọa xuyên quốc gia hoặc vùng xám, các giải pháp dựa trên liên minh có thể có ý nghĩa hơn. Liên minh không nhất thiết phải là những liên minh lớn. Cho dù vì lý do tinh gọn và cấp thiết về mặt thời gian, tập trung về mặt địa lý, hiệu quả trong việc chia sẻ tài nguyên, bổ sung liên minh hay tính chất độc đáo của các vấn đề được giải quyết, liên minh có thể chỉ có ba hoặc bốn quốc gia. Thuật ngữ “quan hệ đa phương nhỏ” (minilaterals) thường được sử dụng để mô tả nỗ lực đa quốc gia quy mô nhỏ hơn này.

Quan hệ Đối tác Bộ tứ, gọi tắt là Bộ tứ, tập hợp các quốc gia Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ để thảo luận về các mối quan tâm chiến lược chung. Trong khi đó, quan hệ đối tác ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, còn gọi là AUKUS, tập trung vào chia sẻ và phát triển khoa học và công nghệ quốc phòng. Nhiều cấu hình khác có thể giải quyết các chủ đề rộng lớn và chuyên biệt hơn hay các mối quan tâm về địa lý. Một số có thể là không chính thức hoặc phát sinh theo từng trường hợp trong khi một số khác được mã hóa bằng các hiệp ước chính thức. Một xu hướng đáng khích lệ là ngày càng đa dạng nhiều quốc gia triệu tập hoặc tham gia vào các quan hệ đa phương nhỏ, bao gồm Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.

Các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta là nền tảng lý tưởng để khám phá các cấu hình quan hệ đa phương nhỏ mới, tiềm năng để chúng ta mặc sức tưởng tượng các phương pháp giải quyết thách thức. Các quốc gia này cũng tăng cường mạng lưới các mối quan hệ trong khu vực, giúp ngăn chặn và hạn chế các hoạt động xấu của chính phủ các nước như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Nga. Nếu có thể và phù hợp, chúng ta có thể thử nghiên cứu cơ hội này.

Tăng cường Hội nhập

Đại dịch COVID-19 đã tiết lộ một lỗ hổng lớn. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các nền kinh tế sẽ dừng lại. Khi chúng ta nhận ra tình trạng kiểm soát quá mức mà một quốc gia, CHND Trung Hoa, thực hiện trên chuỗi cung ứng quốc tế, viễn cảnh sụp đổ kinh tế, vốn đã là mối quan tâm an ninh quốc gia, lại được thấy trên một khía cạnh đáng báo động khác: Làm thế nào mà một đối thủ cạnh tranh chiến lược lại có được ảnh hưởng như vậy?

Trong bối cảnh này, các liên minh và quan hệ đối tác đã đạt được tầm quan trọng hơn nữa. Các lỗ hổng kinh tế đã dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt về sự cần thiết phải “tách rời” hoặc “tránh rủi ro” khỏi CHND Trung Hoa. Sản xuất tại quốc gia sở tại (homeshoring) hoặc dịch chuyển các ngành công nghiệp trở lại quốc gia của công ty (reshoring) thường được coi là giải pháp. Liên quan đến các quốc gia đồng minh và đối tác, “sản xuất tại các quốc gia đồng minh và đối tác” (friend-shoring) là một lựa chọn khác, cho dù về mặt định vị các ngành công nghiệp nhạy cảm ở nơi an toàn hơn hoặc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu, linh kiện hoặc công nghệ quan trọng. 

Các đồng minh và đối tác cũng đã làm sâu sắc thêm quá trình hội nhập công nghiệp và kinh tế, nổi bật nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng đối với quốc phòng. Quá trình hội nhập này giúp hợp nhất các thế mạnh tương đối của các đối tác, mang lại khả năng tập thể trong toàn bộ chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp chính. Các thuật ngữ như “đồng minh theo thiết kế” mô tả mức độ hợp tác và hội nhập sâu sắc hơn từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai sản phẩm. Quan hệ hợp tác giữa Úc, Anh và Hoa Kỳ về khoa học và công nghệ quốc phòng là một ví dụ về quá trình hội nhập đầy tham vọng như vậy. Có nhiều cơ hội có khả năng liên quan đến nhiều đối tác hơn trên các lĩnh vực công nghệ cao đa dạng. Ví dụ: các hoạt động mạng, không gian và thông tin, cũng như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Quá trình hợp tác và hội nhập như vậy không dễ dàng. Điều đó phản ánh mức độ cam kết sâu sắc hơn về mặt chất lượng giữa các đối tác. Tuy nhiên, những lợi ích này góp phần vào tạo ra ngành công nghiệp và nền kinh tế bền vững hơn, giải quyết các lỗ hổng do đại dịch gây ra, thúc đẩy sức mạnh kinh tế và trang bị tốt hơn cho các đồng minh và đối tác cho những thách thức đa miền, đa chiều trong tương lai. Điều này đại diện cho bước tiến quan trọng tiếp theo đối với các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta.

Mạng lưới Diễn tập 

Trăm hay không bằng tay quen. Các cuộc tập trận quân sự xem xét khả năng sẵn sàng hoạt động, có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác chuẩn bị và hiệu quả của lực lượng chung. Đối với các liên minh, các cuộc tập trận có ý nghĩa không thể thiếu đối với khả năng tương tác giữa các đối tác lực lượng chung đa dạng. Khả năng quân đội hoạt động liền mạch cùng nhau là dấu hiệu của các liên minh và quan hệ đối tác của chúng ta. Điều đó thể hiện khả năng răn đe tích hợp đáng chú ý đối với các đối thủ tiềm tàng.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi diễn ra nhiều cuộc tập trận đa quốc gia, bao gồm Balikatan, Cobra Gold, Garuda Shield, Malabar và Talisman Sabre. Mạng lưới dày đặc này là một nền tảng tuyệt vời. Có dấu hiệu đáng khích lệ cho rằng các cuộc tập trận như vậy đang mở rộng và tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác khi các lực lượng đổi mới để đối mặt với những thách thức hiện đại. Số lượng các quốc gia tham gia liên tục tăng lên. Phạm vi các tình huống được giải quyết đã tăng lên về số lượng, độ tinh vi và phức tạp. Càng ngày, các miền mới hơn như không gian và không gian mạng càng nổi bật, với miền thông tin không xa phía sau. Nhìn chung, các mức độ tương tác và hội nhập ngày càng sâu hơn đang được kiểm tra và hoàn thiện. 

Mặc dù điều này nói lên rất nhiều về các liên minh và quan hệ đối tác, chúng ta vẫn nên cảnh giác với sự tiến bộ của các đối thủ tiềm tàng. Chúng ta phải liên tục tìm cách vượt qua các đối thủ bất chấp mọi hạn chế về thời gian hoặc nguồn lực. Điều này có nghĩa là nâng cao tiêu chuẩn sau mỗi lần diễn tập, đòi hỏi phải không ngừng tìm kiếm cách thức mới để kiểm tra căng thẳng và tăng cường khả năng quan trọng để làm việc cùng nhau.

Điều chúng ta làm tiếp theo với các liên minh và quan hệ đối tác sẽ mang lại kết quả. Chúng ta không thể hài lòng với hiện trạng. Thay vào đó, trạng thái bồn chồn nhất định cũng là tốt. Mạng lưới của chúng ta là con đường thiết yếu hướng tới khả năng răn đe tích hợp rất quan trọng để duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế cũng như một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Có nhiều ví dụ cho hành động của chúng ta.  

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button