Chnd Trung Hoa Vũ Khí Hóa Tài Nguyên Nước
Siêu đập mới nhất của CHND Trung Hoa đặt ra một mối đe dọa môi trường đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Brahma Chellaney
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) thống trị nguồn nước của châu Á vì nước này kiểm soát cao nguyên Tây Tạng, là vùng đệm với Ấn Độ cho đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới thời Mao Trạch Đông sáp nhập vào đầu những năm 1950.
Kể từ giữa năm 2022, Bắc Kinh đã làm dấy lên những lo ngại về an ninh khi tăng cường nỗ lực vũ khí hóa các dòng chảy xuyên biên giới của các con sông quốc tế bắt nguồn từ vùng cao nguyên giàu tài nguyên nước bằng kế hoạch xây dựng đập đầy hiểm họa.
Cao nguyên Tây Tạng là điểm khởi đầu của 10 hệ thống sông lớn của châu Á và là nguồn sống của hơn chục quốc gia. Điều này càng nhấn mạnh địa thế độc đáo nằm ven bờ các dòng sông của CHND Trung Hoa. Tuy nhiên, mặc dù CHND Trung Hoa nắm giữ chìa khóa cho mối quan hệ ổn định, cùng có lợi giữa các quốc gia ven sông, chính phủ Trung Quốc không có thỏa thuận chia sẻ nước hoặc hiệp ước hợp tác với bất kỳ quốc gia hạ nguồn nào. Ngược lại, Ấn Độ có nhiều thỏa thuận chia sẻ nước với hầu hết các nước láng giềng, bao gồm Bangladesh và Nepal.
Cơn sốt xây dựng đập của CHND Trung Hoa ngày càng tập trung vào các con sông quốc tế. Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tận dụng tình trạng kiểm soát của mình đối với cao nguyên Tây Tạng trong quan hệ giữa các quốc gia là phần không thể tách rời đối với các mục tiêu địa chính trị rộng lớn của nước này. Trung Quốc đang sử dụng ngày càng nhiều chiến thuật chiến tranh bất đối xứng hoặc chiến tranh kết hợp, còn được gọi là “chiến tranh không hạn chế”, một thuật ngữ do các sĩ quan quân đội Trung Quốc đặt ra hơn 20 năm trước.
Thông qua mô hình bao gồm tất cả các hình thức chiến tranh gián tiếp này, Trung Quốc đã theo đuổi một chương trình nghị sự bành trướng và cưỡng chế. Nhưng họ luôn tìm cách ngụy trang các hành động gây hấn của mình dưới dạng hành vi phòng thủ hoặc hòa bình. Vũ khí hóa các mạng lưới sông ngòi cấp nước với chiến lược chiến tranh không hạn chế của Bắc Kinh.
Siêu đập vô song
CHND Trung Hoa đang xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Brahmaputra ở Tây Tạng. Đây cũng là một dự án chứa nhiều rủi ro. Con đập khổng lồ gây ra lo ngại cho vùng hạ lưu là Bangladesh và Ấn Độ, hay ít nhất một phần khu vực này vì con đập nằm trong khu vực hoạt động địa chấn. Vị trí này có khả năng sẽ khiến con đập trở thành quả bom nước trong tích tắc cho các cộng đồng ở hạ lưu.
Thêm vào đó là rủi ro của việc xây dựng nhà máy thủy điện mạnh nhất thế giới ở địa hình nguy hiểm, có lẽ là đoạn sông chảy xiết nhất trên thế giới. Sông Brahmaputra uốn cong mạnh xung quanh dãy Himalaya, tạo thành hẻm núi dài nhất và dốc nhất thế giới — sâu gấp đôi Grand Canyon ở Hoa Kỳ. Hẻm núi này có độ sâu 6.008 mét, chứa nguồn nước chưa được khai thác lớn nhất châu Á.
Vùng Tây Nam Trung Quốc dễ bị động đất vì nằm trên đường đứt gãy địa chất, nơi xảy ra va chạm giữa các mảng địa chất lục địa Ấn Độ và Á-Âu. Trận động đất năm 2008 xảy ra ở vành đai phía đông của cao nguyên Tây Tạng, khiến 87.000 người thiệt mạng, bị một số nhà khoa học Trung Quốc và Hoa Kỳ đổ lỗi cho đập Tử Bình Phô (Zipingpu), một con đập bắt đầu hoạt động bốn năm trước dọc theo một đứt gãy địa chấn. Các nhà khoa học cho rằng trọng lượng của nước trong hồ chứa khổng lồ của con đập đã gây ra trận động đất.
Trong bối cảnh này, việc CHND Trung Hoa tăng cường xây dựng đập trên cao nguyên gây ra những lo ngại chính đáng về an toàn. Nếu công trình siêu đập sụp xuống, các khu vực hạ lưu sẽ bị tàn phá. Năm 2020, hiện tượng lũ lụt kỷ lục gây nguy hiểm cho đập Tam Hiệp gây tranh cãi của CHND Trung Hoa trên sông Dương Tử, khiến 400 triệu người Trung Quốc gặp nguy hiểm.
Tam Hiệp là con đập lớn nhất thế giới, nhưng sẽ bị dự án Brahmaputra soán ngôi. Con đập khổng lồ sẽ nằm gần biên giới lâu nay bị quân sự hóa với Ấn Độ. Hai quốc gia hơn ba năm nay vẫn đối đầu quân sự căng thẳng dọc theo biên giới Himalaya sau những cuộc xâm lấn lén lút của Bắc Kinh trên lãnh thổ Ladakh ở vùng cực bắc của Ấn Độ. Siêu đập này sẽ trang bị đòn bẩy cho CHND Trung Hoa đối với Ấn Độ. Vào cuối năm 2020, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kêu gọi New Delhi “đánh giá cách Trung Quốc vũ khí hóa” các vùng nước xuyên biên giới để có thể “bóp nghẹt nền kinh tế Ấn Độ”.
Sông Brahmaputra được người Tây Tạng gọi là Yarlung Tsangpo, cái tên bắt nguồn từ Thung lũng Yarlung, được cho là cái nôi của nền văn minh Tây Tạng và là trụ sở của Đế chế Tây Tạng đầu tiên. Thung lũng nhỏ nhưng có vị trí chiến lược này kiểm soát các tuyến thương mại cổ xưa đến Bhutan và Ấn Độ.
Trong văn hóa Tây Tạng, dòng sông này tượng trưng cho xương sống của nữ thần Dorje Phagmo, một trong những hóa thân cao nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Những ngọn núi, vách đá và hang động lớn trong khu vực hẻm núi đại diện cho các bộ phận trên cơ thể nữ thần.
Siêu đập đang được xây dựng ở Pemako, nơi được coi là linh thiêng nhất ở Tây Tạng. Pemako là một nơi “thiêng liêng” (beyul), nơi mà thế giới vật chất và tinh thần hòa trộn với nhau. Tín ngưỡng tôn trọng thiên nhiên bắt nguồn sâu sắc trong văn hóa Tây Tạng — tấm lòng tôn kính được sinh ra từ cảnh quan độc đáo của cao nguyên này —. Văn hóa này từ lâu đã đóng vai trò là người bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, chính sách cai trị của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại lớn về văn hóa và môi trường ở Tây Tạng, một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới. Với siêu dự án này, CHND Trung Hoa đang mạo phạm nơi linh thiêng nhất của người Tây Tạng, khu vực hẻm núi, tượng trưng cho vị thần bảo vệ Tây Tạng. Với siêu đập này, một khu vực linh thiêng khác đang bị ô uế.
Dự án xây dựng được phê duyệt vào tháng 3 năm 2021, khi quốc hội của ĐCSTQ phê duyệt quyết định của chế độ do Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình lãnh đạo. Ngay trước khi phê duyệt, CHND Trung Hoa đã công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó cho biết siêu dự án sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm.
Vào tháng 10 năm 2020, chính quyền địa phương Tây Tạng đã phê duyệt “thỏa thuận hợp tác chiến lược” liên quan đến siêu dự án với PowerChina, công ty xây dựng nhà nước chuyên về các dự án thủy điện. Một tháng sau, người đứng đầu PowerChina, ông Yan Zhiyong, chia sẻ với Đoàn Thanh niên Cộng sản rằng siêu đập sẽ nằm trong “khu vực giàu nhất thế giới về tài nguyên thủy điện”, gọi kế hoạch này là “cơ hội lịch sử” để xây đập Brahmaputra.
Con đập này ở huyện Mạt Thoát của Tây Tạng, trung tâm của Pemako, ngay trước khi dòng sông này chảy vào Ấn Độ. Siêu đập sẽ tạo ra khoảng 300 tỷ kilowatt điện mỗi năm, gần gấp ba lần so với Tam Hiệp. Từ năm 1994 đến năm 2012, việc xây dựng Tam Hiệp đã khiến ít nhất 1,3 triệu người phải di dời.
Lưu vực sông Brahmaputra trong lịch sử đã xác định biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng ở phía đông dãy Himalaya. Từ các sông băng ở phía tây Tây Tạng, dòng sông bắt nguồn từ độ cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển, khiến Brahmaputra trở thành con sông cao nhất thế giới khi chảy qua các ngọn núi.
Trước khi chảy vào Ấn Độ, dòng sông đổ xuống từ độ cao hơn 2.700 mét để tạo thành hẻm núi chưa từng có, nằm giữa hai đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya là Namcha Barwa và Gyala Peri. Các nhà xây dựng đập Trung Quốc muốn khai thác thủy điện bằng cách chuyển hướng nước qua một đường hầm trên núi.
Siêu dự án có khả năng tàn phá môi trường ở khu vực đông bắc của Ấn Độ và thậm chí Bangladesh, quốc gia ở hạ lưu xa nhất, còn bị tàn phá nặng nề hơn. Quốc gia vùng đồng bằng thấp này đang bị biến đổi khí hậu và môi trường đe dọa. Dự án đập của CHND Trung Hoa sẽ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Điều đó có thể kích hoạt một cuộc di cư lớn hơn của người tị nạn đến Ấn Độ, nơi đã có vô số người Bangladesh định cư bất hợp pháp. Brahmaputra là nguồn nước ngọt lớn nhất đối với Bangladesh, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. Tất cả những điều này dường như không làm chế độ của Tập Cận Bình bận tâm.
Quyền bá chủ Thủy điện
Với dự án này, CHND Trung Hoa cũng có thể tận dụng quyền kiểm soát dòng chảy để thúc đẩy các yêu sách của mình đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, giáp biên giới với Tây Tạng. Để khiêu khích Ấn Độ, Bắc Kinh gọi khu vực này là Nam Tây Tạng.
Về cơ bản, con đập sẽ cho phép CHND Trung Hoa kiểm soát hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng đối với hàng chục triệu người bên ngoài biên giới. Khu vực thượng nguồn của Brahmaputra là nơi có hàng chục đập thủy điện cỡ nhỏ hoặc trung bình của Trung Quốc. Các hoạt động ở thượng nguồn của CHND Trung Hoa gây ra lũ quét ở các bang biên giới Ấn Độ và gần đây đã biến mạch máu chính của Brahmaputra — Siang nguyên sơ một thời — trở nên bẩn thỉu và xám xịt.
Tính minh bạch và hợp tác là nền tảng xây dựng mối quan hệ hòa bình về quyền sử dụng nước. Nhưng CHND Trung Hoa không chấp nhận những nguyên tắc này. Trung Quốc thường che giấu các dự án đập lớn trong bí mật cho đến khi bằng chứng không còn có thể che giấu khỏi các vệ tinh thương mại. Điều này giải thích tại sao Bắc Kinh không công bố thông tin về dự án siêu đập của nước này kể từ khi dự án được phê duyệt.
Trong những năm trước khi siêu đập được phê duyệt, CHND Trung Hoa đã đẩy mạnh công tác cơ sở hạ tầng xung quanh hẻm núi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng. Các quan chức vào tháng 5 năm 2021 đã tuyên bố hoàn thành một “đường cao tốc xuyên qua hẻm núi sâu nhất thế giới”. Đường cao tốc kết thúc gần làng Bishing của Ấn Độ trên biên giới Tây Tạng.
Tháng sau, CHND Trung Hoa khai trương tuyến đường sắt điện khí hóa đầu tiên của Tây Tạng, chạy từ thủ phủ khu vực Lhasa đến Nyangtri, bên cạnh Hẻm núi Brahmaputra. Các quan chức Trung Quốc gọi tuyến đường sắt trên cao này là món
quà nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ vào tháng
7 năm 2021.
Đường sắt và đường cao tốc được sử dụng để vận chuyển thiết bị nặng, vật liệu và công nhân đến địa điểm xa xôi nơi siêu đập tọa lạc, lâu nay được coi là không thể tiếp cận được vì địa hình nguy hiểm. Tuyến đường sắt này cũng có ý nghĩa quân sự, và sẽ được củng cố khi tuyến thứ hai từ Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc đến biên giới Ấn Độ được hoàn thành. Tuyến đường sắt Lhasa-Nyangtri là một phần của tuyến đường sắt đang được xây dựng đến Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên lân cận.
Kết quả Lớn hơn
Dự án đập Brahmaputra là một phần trong chiến lược đã khiến CHND Trung Hoa đẩy mạnh việc tái cấu trúc các dòng sông xuyên biên giới bằng cách tận dụng quyền kiểm soát của quốc gia này đối với cao nguyên Tây Tạng. Trong lúc tình trạng thiếu nước ngọt đang phủ bóng tương lai kinh tế của châu Á, CHND Trung Hoa xây dựng các đập và hồ chứa lớn dọc theo các con sông chảy qua nhiều nước để độc chiếm vùng nước chung. CHND Trung Hoa tìm cách chuyển quyền bá chủ thủy điện sang kiểm soát nước ở thượng nguồn để giữ vững vị trí của mình với nguồn nước của châu Á.
Hành vi xây dựng quá nhiều đập của CHND Trung Hoa trên các con sông nội địa đã làm suy yếu nghiêm trọng các hệ sinh thái, gây ra tình trạng phân mảnh và cạn kiệt của sông. Điều này cũng làm gián đoạn chu kỳ lũ lụt, vốn có vai trò làm giàu dinh dưỡng cho đất nông nghiệp theo cách tự nhiên nhờ phủ lên lớp phù sa giàu chất dinh dưỡng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể ngăn chặn CHND Trung Hoa gây ra thiệt hại tương tự cho các con sông quốc tế đang được xây đập ngày một nhiều.
Lưu vực hạ lưu sông Mekong lẽ ra phải là hồi chuông cảnh tỉnh. Tuy nhiên, sau khi gây ra hạn hán thường xuyên ở các nước hạ lưu khi xây dựng 11 siêu đập trên sông Mekong — dòng sông huyết mạch cho nhiều quốc gia Đông Nam Á — CHND Trung Hoa hiện lại đặt mục tiêu vào nguồn tài nguyên dồi dào của sông Brahmaputra, dòng sông lớn có độ cao lớn nhất thế giới.
Để phù hợp với mô hình chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ và bành trướng biển của Bắc Kinh, chiến lược chiếm dụng nước cũng không loại trừ cả các nước láng giềng thân thiện hoặc dễ bảo — từ Campuchia, Lào và Thái Lan đến Nepal. Thật vậy, các hoạt động chiếm đoạt lãnh thổ của CHND Trung Hoa ở Biển Đông và dãy Himalaya, nơi quốc gia này nhắm vào cả Bhutan nhỏ bé, đi kèm với các hoạt động lấy nước ngọt hiếm khi được chú ý trong các lưu vực sông xuyên quốc gia. Với những thực tiễn như vậy, việc CHND Trung Hoa nhắm mục tiêu vào sông Brahmaputra và các con sông khác chảy vào quốc gia đối đầu Ấn Độ là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Vi phạm Lòng tin
CHND Trung Hoa cũng vũ khí hóa nước bằng cách giữ lại dữ liệu thủy văn trong mùa mưa quan trọng. Đây là hành vi thường dẫn đến lũ lụt trên diện rộng. Năm 2017, sau khi Ấn Độ tẩy chay hội nghị thượng đỉnh khai mạc chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road) của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh bắt đầu che giấu dữ liệu, không cho New Delhi nắm được, làm suy yếu hệ thống cảnh báo lũ sớm của Ấn Độ.
Mặc dù vào năm đó, miền đông bắc Ấn Độ nơi sông Brahmaputra chảy qua sau khi rời Tây Tạng và trước khi vào Bangladesh xảy ra ít mưa thuộc vùng khí hậu gió mùa hơn mức thông thường, khu vực này phải đối mặt với lũ lụt chưa từng có và gây tàn phá, đặc biệt là ở bang Assam. CHND Trung Hoa tiếp tục chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ vào năm 2018, nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi hành vi từ chối dữ liệu dẫn đến nhiều người tử vong, mặc dù hoàn toàn có thể phòng ngừa được ở Assam.
Hành vi trên cho thấy rõ Bắc Kinh coi thường các nghĩa vụ pháp lý. Dừng chia sẻ dữ liệu đã vi phạm hai hiệp định song phương với Ấn Độ, trong đó yêu cầu CHND Trung Hoa chuyển dữ liệu thủy văn hàng ngày, mà Ấn Độ đã thanh toán trước.
Các thỏa thuận không còn ràng buộc đối với ĐCSTQ khi không còn thuận tiện về mặt chính trị. Ví dụ, tình trạng bế tắc quân sự giữa Ấn Độ và CHND Trung Hoa là kết quả của việc Bắc Kinh vi phạm các thỏa thuận song phương về việc cấm tập trung lực lượng dọc biên giới tranh chấp.
Dự án siêu đập là biểu tượng cho nỗ lực xây dựng các dự án thủy điện cao nhất, lớn nhất, sâu nhất, dài nhất và nằm ở độ cao cao nhất thế giới của CHND Trung Hoa — bất chấp hậu quả đối với cộng đồng hoặc hệ sinh thái.
Do đó, việc bảo vệ Lưu vực Đại Himalaya, nơi có hàng ngàn sông băng và nguồn gốc của các hệ thống sông lớn nhất châu Á, là huyết mạch của gần một nửa số người trên thế giới, trở thành nhiệm vụ bắt buộc. Tình trạng tan băng ở sông băng đã trở thành vấn đề. Sức khỏe môi trường của châu Á chủ yếu phụ thuộc vào việc CHND Trung Hoa chấp nhận hợp tác thể chế hóa trên các con sông chảy qua nhiều nước, bao gồm cả bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương về mặt sinh thái và minh bạch về các dự án đập của nước này. Tuy nhiên, nếu ĐCSTQ vẫn nắm quyền, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc chiến tranh nước theo cách lén lút.