Đông Nam ÁKhu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở / FOIPNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Philippines nâng cấp các tiền đồn ở Biển Đông trong bối cảnh lo ngại về chủ quyền

Maria T. Reyes

Các quan chức cho biết Philippines sẽ nâng cấp các tiền đồn quân sự trên Biển Đông, một động thái diễn ra khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tiếp tục quấy rối các tàu của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Chánh Văn phòng AFP, Tướng Romeo Brawner Jr. vào tháng 1 năm 2024 đã công bố kế hoạch cải tiến cho chín rạn san hô và đảo, bao gồm lắp đặt hệ thống khử muối và thiết bị liên lạc.

Chính phủ Philippines đã dành 348,5 tỷ đồng (14,2 triệu đô la Mỹ) để xây dựng một cảng trên đảo Nanshan, hòn đảo lớn thứ hai mà Philippines chiếm đóng trong khu vực sau đảo Thị Tứ. Thêm 566,8 tỷ đồng (23,1 triệu đô la Mỹ) sẽ được chi trả cho việc mở rộng đường băng dài 1,3 km trên đảo Thị Tứ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bay qua đảo Thị Tứ, Bãi Cỏ Mây, đảo Nanshan và Đá Khúc giác vào tháng 3 năm 2023. Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ tổ chức cuộc tập trận của Cảnh sát biển ba bên đầu tiên ở Biển Đông vào tháng 6 năm 2023.
NGUỒN VIDEO: REUTERS

Tiến sĩ Chester Cabalza, một chuyên gia an ninh và là người sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế có trụ sở tại Manila, nói với DIỄN ĐÀN: “Các hành động chủ động của Philippines để củng cố các tiền đồn sẽ xác định vị trí chính đáng của nó trong một tuyến đường thủy căng thẳng và tranh chấp. “Nó trao quyền cho Philippines hiện đại hóa các cơ sở của mình, duy trì sự ổn định và bảo vệ các quyền hàng hải trong khu vực”.

Căng thẳng đã sôi sục giữa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong những tháng gần đây về các tuyên bố hàng hải, đặc biệt liên quan đến bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây. Trong năm qua, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc và dân quân biển đã làm phiền các tàu Philippines cung cấp hỗ trợ cho binh sĩ trên tàu BRP Sierra Madre, một trạm tiền đồn của Hải quân Philippines tại Bãi Cỏ Mây.

Ông Cabalza nói: “Biển Đông đối với Philippines là một lợi ích cốt lõi vì các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của nước này ở Biển Tây Philippines là nền tảng cho một chiến lược đột phá về sự chuyển hướng đầy tham vọng của Philippines sang phòng thủ bên ngoài”. “Nỗ lực chuyển đổi này của Manila nhằm để đạt được một tư thế phòng thủ chiến lược nâng cao an ninh khu vực trên quy mô lớn hơn”.

Người Philippines gọi một phần của Biển Đông trong EEZ của Manila là Biển Tây Philippines.

Ông Cabalza cho biết Philippines đã thực hiện những nâng cấp khiêm tốn cho các tiền đồn của mình trong những năm gần đây, nhưng những sửa đổi này không đáng kể như những sửa đổi của CHND Trung Hoa hoặc các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác, chẳng hạn như Việt Nam.

Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược là lãnh thổ của mình và tiếp tục bỏ qua phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách này là không hợp lệ về mặt pháp lý dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). CHND Trung Hoa đã nạo vét và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên biển, và lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã đâm, chặn và theo dõi các tàu dân sự và quân sự của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác.

Ông Cabalza cho biết, tình hình đòi hỏi Manila phải đầu tư công đáng kể và hiện đại hóa để bảo vệ lãnh thổ và tăng cường “sự hiện diện quân sự của chính mình ở Biển Đông”.

Philippines cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược và đồng minh, bao gồm Hoa Kỳ và Việt Nam.

Ông Cabalza nói: “Philippines có tiềm năng to lớn để phát triển và mở rộng các tiền đồn hiện tại của mình”, bất chấp việc CHND Trung Hoa “xâm phạm và không tuân thủ UNCLOS”.

Maria T. Reyes là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Manila, Philippines.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button