Lực lượng Garuda Contigent của Indonesia là lực lượng quan trọng để gìn giữ hòa bình toàn cầu
Gusty Da Costa
Từ Lebanon đến Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và sáu khu vực xung đột khác, hơn 2.700 binh sĩ Indonesia được triển khai cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành nước đóng góp nhân sự lớn thứ tám. Kể từ năm 1957, hơn 24.000 lính gìn giữ hòa bình Indonesia đã phục vụ trong các phái đoàn của Liên Hợp Quốc và Jakarta gần đây đã đưa ra kế hoạch hai năm để tăng cường triển khai.
Ông Lalu Muhamad Iqbal, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN: “Bất cứ nơi nào Indonesia tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nước này luôn đóng một vai trò quan trọng”. “Tính chất tự do và tích cực của chính sách đối ngoại của Indonesia mang lại sự thoải mái cho các bên xung đột để sự hiện diện của Indonesia trở thành một phần của giải pháp, chứ không phải là một phần của vấn đề.”
Vào tháng 12 năm 2023, Bộ Ngoại giao Indonesia đã công bố cam kết của nước này tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đến năm 2025, bao gồm bổ sung thêm 865 quân nhân từ Lực lượng Vũ trang và Cảnh sát Quốc gia, 155 trong số đó là phụ nữ.
Theo ông Dave Laksono, thành viên của Ủy ban 1 trong Hạ viện Indonesia, cơ quan giám sát quốc phòng và đối ngoại thì đơn vị gìn giữ hòa bình của Indonesia, được gọi là Garuda Contingent, đã triển khai 30 nhiệm vụ trong gần bảy thập kỷ phục vụ. Ông Laksono nói với DIỄN ĐÀN rằng ngoài Cộng hòa Dân chủ Congo và Lebanon, quân nhân Indonesia đang phục vụ tại Cộng hòa Trung Phi, Mali, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Tây Sahara.
Lần triển khai gần đây nhất của Garuda bắt đầu vào tháng 3 năm 2023, với 1.090 quân nhân được cử đến Lebanon theo bốn đợt như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Kể từ năm 2013, Indonesia đã vận hành Trung tâm Phái đoàn Gìn giữ hòa bình ở Sentul, cách Jakarta khoảng 50 km về phía nam, mà ông Iqbal cho biết là “một trung tâm xuất sắc để huấn luyện và xây dựng năng lực của quân nhân cho các sứ mệnh hòa bình của Liên Hợp Quốc.”
Trung tâm này được xây dựng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, mời các giảng viên từ các quốc gia như Nhật Bản và đã đào tạo quân nhân từ các quốc gia bao gồm Campuchia và Mông Cổ theo Chương trình Đối tác Tam giác của Liên Hợp Quốc để xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng trong các khu vực thực hiện sứ mệnh.
Trung tá Vanna Neng của Campuchia đã tham gia khóa huấn luyện vận hành thiết bị kỹ thuật hạng nặng của trung tâm vào giữa năm 2023. Ông cho biết khoảng 300 lính gìn giữ hòa bình trong tương lai từ các lực lượng của đất nước ông sẽ được đào tạo sau khóa học này.
Trong thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc, ông Neng nói: “Nhưng, tất nhiên, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ khóa huấn luyện này là những người sống trong khu vực thực hiện sứ mệnh”. “Điều này đặc biệt đúng ở Cộng hòa Trung Phi, vì đường sá bị hư hỏng nặng khiến việc di chuyển trở nên khó khăn”.
Cũng như phản ánh sự ủng hộ của Jakarta đối với hoạt động gìn giữ hòa bình toàn cầu, ông Laksono nói việc triển khai nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc là “một phương tiện để cải thiện tính chuyên nghiệp” của cảnh sát và quân đội quốc gia.
Thường được triển khai trong vòng hai tháng kể từ khi có yêu cầu của Liên Hợp Quốc, Garuda Contingent cũng thực hiện các nhiệm vụ bao gồm chăm sóc sức khỏe và cứu trợ thiên tai, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn của phụ nữ.
Ông Teuku Rezasyah, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran của Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN rằng hợp tác với Liên Hợp Quốc và các quân đội khác mang lại lợi ích cho Lực lượng vũ trang Indonesia. Ông nói: “Chúng tôi có sự học hỏi lẫn nhau”. “Chúng tôi học hỏi từ họ, và họ học hỏi từ chúng tôi.”
Gusty Da Costa là cộng tác viên DIỄN ĐÀN thường trực tại Jakarta, Indonesia.