xây dựng Khả Năng Phục Hồi
Các Quân đội ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Thích ứng, Củng cố Chống lại Tác động của Biến đổi Khí hậu
Nhân viên DIỄN ĐÀN | hình ảnh của the associated press
Các mục tiêu đang di chuyển ở Trường bắn Foxtrot, một phương pháp tái định vị chiến lược khi Bãi biển Ewa ngày càng bị lấn át trước bước tiến của một lực lượng không ngừng — những con sóng và thủy triều Thái Bình Dương liên tục xô bờ và cuốn theo mọi thứ. Vào đầu năm 2023, các đội bắt đầu di chuyển phạm vi súng lục khoảng 40 mét vào đất liền, bước đầu tiên trong việc di dời bốn trường bắn tầm ngắn tại Cơ sở Huấn luyện Trường bắn Pu ‘uloa (Pu’uloa Range Training Facility – PRTF) của Căn cứ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Hawaii, nơi những người lính đã rèn giũa tài thiện xạ của họ trong một thế kỷ qua. Dự án tại địa điểm rộng 55 hecta ở phía khuất gió của đảo Oahu sẽ bảo vệ các trường bắn để tránh tình trạng xói mòn bờ biển đồng thời hạn chế nguy cơ đạn dược gây ô nhiễm đại dương.
Thiếu tá Jeffry Hart, chỉ huy bộ phận tuân thủ và bảo vệ môi trường của cơ sở, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chúng tôi được giao nhiệm vụ quản lý”. “Trong vai trò là những người quản lý vùng đất này, chúng tôi phải bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động của PRTF để đảm bảo Thủy quân lục chiến, các thành viên thuộc lực lượng liên quan và các sĩ quan của lực lượng thực thi pháp luật được đào tạo đầy đủ và luôn sẵn sàng”.
Từ phần giữa Thái Bình Dương đến Đông Nam Á và xa hơn nữa, các quân đội đang tham gia vào các nỗ lực đòi hỏi cố gắng từ toàn bộ chính phủ để thích ứng và củng cố các cơ sở chống lại mối đe dọa đến sự tồn tại từ biến đổi khí hậu và vô vàn thách thức đi kèm — mực nước biển dâng, băng vĩnh cửu tan ra, và những trận lũ lụt và bão ngày càng nặng nề. Ông Robert Evans Jr., một kỹ sư thuộc Bộ Không quân Hoa Kỳ (Department of the Air Force – DAF), đã viết trong một bài tiểu luận vào tháng 8 năm 2022 cho Tạp chí các Vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của DAF: “Những tác động của biến đổi khí hậu và các rủi ro đi kèm tạo ra những thách thức về an ninh và ảnh hưởng đến các chiến lược, kế hoạch, năng lực, nhiệm vụ, vật liệu, thiết bị, phương tiện, hệ thống vũ khí và thậm chí cả nhân sự của công tác quốc phòng”. “Hoạt động lập kế hoạch cho nhiệm vụ phải bao gồm việc xác định và đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đối với các nhiệm vụ, kết hợp các tác động của biến đổi khí hậu vào các kế hoạch và quy trình, đồng thời dự đoán và quản lý các rủi ro từ biến đổi khí hậu để xây dựng khả năng phục hồi, đặc biệt là cho cơ sở hạ tầng căn bản và các hệ thống hỗ trợ”.
Đặc biệt, ông Evans viết, khi các quốc gia hướng sự chú ý của họ “về phía Trung Quốc và mối đe dọa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác phải đánh giá các tác động và rủi ro của biến đổi khí hậu liên quan đến các lựa chọn về đặt căn cứ quân sự”.
NHỮNG CHUYỂN DỊCH CHIẾN LƯỢC
Có rất ít nơi mà những cân nhắc như vậy hiện hữu rõ ràng như Indonesia, một quốc gia gồm 13.500 hòn đảo và 280 triệu dân. Gần đây, nước này đã bắt đầu một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực là xây dựng một thủ đô mới từ đầu. Thủ đô hiện tại — siêu đô thị Jakarta trên đảo Java, nơi 11,2 triệu cư dân sống ở độ cao trung bình 8 mét so với mực nước biển — đang chìm tới 25 centimet mỗi năm, hậu quả của việc khai thác nước ngầm không bị hạn chế và xâm lấn các bức tường biển của Biển Java. Liên Hợp Quốc ước tính rằng trong vòng hai thập kỷ tới, một phần ba Jakarta sẽ bị nhấn chìm.
Cách đảo Java khoảng 1.400 kilomet về phía đông bắc, thủ đô mới đang mọc lên ở vùng cao nguyên rừng rậm thuộc tỉnh Đông Kalimantan của Borneo. Khi hoàn thành, Nusantara — còn có nghĩa là “quần đảo” trong tiếng Java — sẽ là nơi có cơ sở hạ tầng quốc phòng và an ninh, bao gồm các căn cứ cho khoảng 30.000 binh sĩ và đại bản doanh của Lực lượng Vũ trang Indonesia, các nhà phân tích cho hay. Ông Khairul Fahmi, một chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Chiến lược của Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN: “Cân nhắc chính trong việc phát triển các cơ sở và căn cứ quân sự là sự an toàn và an ninh của binh sĩ và người dân, cũng như hiệu quả của việc thực hiện công việc, chức năng và hình thức của các mối đe dọa”. “Do đó, khả năng phục hồi khi phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên như bão, động đất, lũ lụt trở nên vô cùng cần thiết trong việc phát triển các cơ sở và căn cứ quân sự”.
Vị trí của Indonesia dọc theo cái gọi là Vành đai Lửa, một vành đai có tầng địa chấn bất ổn dài 40.000 kilomet bao gồm 75% núi lửa của Trái đất và tạo ra 90% các trận động đất, khiến cơ sở hạ tầng có sức chống chịu tốt càng trở nên cấp bách hơn. Ông Fahmi nói: “Sự cần thiết của việc nâng cấp các cơ sở quân sự hiện tại để chuẩn bị cho các vấn đề thời tiết có thể xảy ra, di dời các địa điểm quân sự dễ chịu ảnh hưởng và đánh giá chiến lược xây dựng và mua sắm, là tác động gần nhất của mô hình thời tiết đang thay đổi”.
Theo một bài báo vào tháng 3 năm 2023 trên tạp chí Nature Climate Change, đến năm 2100, các thành phố lớn khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể bị nhấn chìm bởi nước biển dâng. Trong số đó: Bangkok, Thái Lan; Chennai và Kolkata, Ấn Độ; Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; Manila, Philippines; và Yangon, Miến Điện. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation – OECD) cho biết chi phí sẽ tăng cùng với mực nước, với mức thiệt hại trên toàn cầu có khả năng lên tới 134 triệu tỷ đồng (5,5 nghìn tỷ đô la Mỹ) trong thế kỷ này. Đồng thời, các cơn bão và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng có nghĩa là các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác “được thiết kế để chống chịu các sự kiện xảy ra một lần trong 100 năm đang trở nên khó khăn hơn vì những kiểu thời tiết khắc nghiệt này xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn”, theo The Associated Press đưa tin vào tháng 3 năm 2023, viện dẫn nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ.
NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NHIỆM VỤ
Một kịch bản như vậy có nguy cơ khiến hàng chục triệu người phải di dời, có khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng an ninh lan rộng và tạo thêm căng thẳng cho các lực lượng vũ trang đang phải đối phó với nhu cầu ở mức cao chưa từng có về viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Bà Abbie Tingstad, đồng giám đốc Trung tâm Khả năng Phục hồi do Khí hậu (Climate Resilience Center) của Rand Corp, nói với DIỄN ĐÀN: Điều đó khiến quân đội ngày càng chú ý hơn đến “mối đe dọa to lớn” từ biến đổi khí hậu. “Tôi nghĩ rằng một số lực lượng quân đội đang đặc biệt quan tâm đến các tác động đến nhiệm vụ. Đây có thể là sự thay đổi và tần suất của các loại nhiệm vụ họ hiện có, và có lẽ cả một số nhiệm vụ mới sắp được thực hiện,” bà Tingstad, người có bằng tiến sĩ về địa lý và là một nhà khoa học vật lý cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết. “Một lĩnh vực khác mà các quân đội đang chú ý là … sự sẵn sàng và khả năng phục hồi của con người và cơ sở hạ tầng”.
Mực nước biển xung quanh Nhật Bản đã có xu hướng tăng lên kể từ những năm 1980. Năm 2022 có mức trung bình cao thứ hai kể từ năm 1906, theo thông tin từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. Về các căn cứ quân sự, các căn cứ của Nhật Bản và Hoa Kỳ trên quần đảo Okinawa “nằm trong số những địa điểm dễ chịu ảnh hưởng nhất, vì ước tính khoa học cho thấy mực nước biển xung quanh các địa điểm đó đến cuối năm 2100 sẽ dâng lên khoảng 30 centimet hoặc nhiều hơn, so với năm 2000”, Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản Kazumine Akimoto, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đại dương của Quỹ Hòa bình Sasakawa, nói với tờ The Japan Times vào tháng 3 năm 2023.
Chiến lược Quốc phòng của Nhật Bản, được cập nhật vào cuối năm 2022, ghi nhận rằng biến đổi khí hậu “chắc chắn sẽ tác động nhiều hơn nữa đến các hoạt động [của Bộ Quốc phòng/Lực lượng Phòng vệ] trong tương lai, bao gồm các kế hoạch, cơ sở vật chất, thiết bị quốc phòng và môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản. … Để đạt được mục tiêu này, đến [năm tài chính] 2027, Nhật Bản sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm xây dựng trụ sở chỉ huy ngầm dưới lòng đất, đồng thời di dời và củng cố các cơ sở trong các căn cứ và doanh trại lớn để cải thiện khả năng phục hồi của các cơ sở đó. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tăng cường việc củng cố các cơ sở và cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác hại của các thảm họa như sóng thần, bắt đầu từ các căn cứ và doanh trại theo dự kiến là sẽ bị hư hại đáng kể và đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động”.
Ngoài ra, quân đội Nhật Bản đang đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nhiên liệu hóa thạch và lưới điện. “Ý tưởng ở đây là điều chỉnh các cơ sở quân sự để chịu được các điều kiện khí hậu ngày càng khó khăn hơn và củng cố khả năng của chúng để phục hồi nhanh chóng sau những sự gián đoạn xảy ra với cơ sở hạ tầng công cộng”, tờ The Japan Times đưa tin.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Singapore (Singapore Ministry of Defence – MINDEF) đã ra mắt Trung tâm Hiệu suất và Khả năng phục hồi Nhiệt (Heat Resilience and Performance Centre) vào đầu năm 2023 để giải quyết “những thách thức dài hạn mà nhiệt độ môi trường đang tăng lên gây ra cho hoạt động đào tạo và sự sẵn sàng trong hoạt động”. Là sự hợp tác giữa Lực lượng Vũ trang Singapore, Đại học Quốc gia Singapore và tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng DSO National Laboratories, trung tâm này kết hợp các công nghệ mô phỏng khí hậu, đánh giá hiệu suất và khoa học phục hồi để giảm tình trạng kiệt sức vì nóng cho binh sĩ, vốn có thể gây thương tích, làm suy giảm khả năng thực hiện công việc và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình ra quyết định. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu về quần áo và cơ sở hạ tầng giảm nhiệt, cùng với những phát kiến khác.
Theo một thông cáo báo chí của MINDEF, “Mặc dù trọng tâm của R&D [nghiên cứu và phát triển] là hướng tới bối cảnh quân sự, nhưng các kết quả và cách tiếp cận cơ bản, quan trọng sẽ được áp dụng bên ngoài quân đội cho bối cảnh bán quân sự và dân sự”.
‘CAM KẾT CHUNG’
Các đối tác đang hợp tác để giúp khu vực đứng vững hơn trước các tác động của khí hậu, đặc biệt là ở các Đảo Thái Bình Dương, nơi dân làng ven biển đang phải di chuyển đến vùng đất cao hơn khi nước mặn xâm nhập vào cộng đồng của họ. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc nói với DIỄN ĐÀN, trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Tăng cường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Enhanced Engagement) được công bố vào năm 2019, Úc “muốn cung cấp cơ sở hạ tầng và những năng lực liên quan đến an ninh với các quốc gia đối tác, góp phần xây dựng một khu vực ổn định về kinh tế, an ninh về chiến lược, có năng lực và chủ quyền chính trị”. “Điều này bao gồm làm việc với các đối tác ở Thái Bình Dương để thúc đẩy khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Tất cả các cơ sở hạ tầng do Úc cung cấp đều đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, giúp nâng cao khả năng phục hồi khi xảy ra thiên tai. … Úc ủng hộ cam kết chung về xây dựng khả năng phục hồi ở Thái Bình Dương thông qua hành động tập thể. Khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng an ninh được nâng cao trên khắp Thái Bình Dương hỗ trợ những cơ chế ứng phó trước và sau thảm họa của các quốc gia đối tác và hợp tác để ứng phó với các thách thức do khí hậu”.
An ninh tập thể cũng là nền tảng của sáng kiến Philippines-Hoa Kỳ nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng tại chín địa điểm ở Philippines, quốc gia sẽ tiếp nhận các đợt binh sĩ Hoa Kỳ luân chuyển, bao gồm bốn địa điểm mới được công bố vào đầu năm 2023 theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA) giữa hai đồng minh lâu năm. Washington đang đầu tư 2,4 nghìn tỷ đồng (100 triệu đô la Mỹ) cho các cải tiến. Các quan chức cho biết những cải thiện này sẽ hỗ trợ khả năng chuẩn bị và ứng phó với thảm họa của Manila, tạo công ăn việc làm tại địa phương và tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng quân đội. “Những địa điểm EDCA mới này sẽ cho phép ứng phó nhanh hơn khi xảy ra các thảm họa liên quan đến nhân đạo và khí hậu ở Philippines, cũng như ứng phó với các thách thức chung khác”, ông Carlito Galvez Jr., khi đó là chỉ huy phụ trách Bộ Quốc phòng Philippines, cho biết trong một thông cáo vào tháng 2 năm 2023.
Những quan hệ đối tác trong khu vực tập trung vào thích ứng và khả năng phục hồi do ảnh hưởng của khí hậu trái ngược hoàn toàn với chiến dịch phá hoại môi trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi nước này xây dựng và quân sự hóa các rạn san hô nhân tạo trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Việc nạo vét để xây dựng các căn cứ quân sự trong khi nước biển dâng rồi sẽ lộ nguyên hình là một hành động điên rồ — một lời cảnh báo cho các thế hệ tương lai về những mối họa từ tham vọng ngông cuồng. Bà Tingstad nói: “Tình huống này có lẽ khá gieo neo khi họ tiến hành một dự án cải tạo đất ở một khu vực đa phần đã ngập dưới nước và, trong tương lai, nhiều khả năng sẽ chìm sâu hơn dưới nước”.
CÁC QUYẾT ĐỊNH ‘DỰA TRÊN KHÍ HẬU’
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense – DOD) coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng”, bao gồm cả việc gây rủi ro cho các hoạt động và căn cứ quân sự. Mực nước biển dâng lên “và các cơn bão thường xuyên hơn và dữ dội hơn khiến các cá nhân, gia đình và toàn bộ cộng đồng gặp rủi ro — đồng thời thách thức các giới hạn về năng lực tập thể của chúng ta trong việc ứng phó”, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo về Khí hậu năm 2021 ở Washington, D.C. Bộ Quốc phòng đã sử dụng phân tích dữ liệu, mô hình dự đoán và lập bản đồ bằng máy tính để bảo vệ 5.000 căn cứ của mình trên toàn thế giới, một phần ba trong số đó nằm ở các khu vực ven biển dễ bị bão, và tình trạng đó càng trầm trọng hơn do mực nước biển dâng lên.
Được thiết kế bởi Quân đoàn Kỹ sư Quân đội Hoa Kỳ và được công bố vào năm 2020, Công cụ Đánh giá Khí hậu (Climate Assessment Tool – DCAT) của Bộ Quốc phòng sử dụng dữ liệu từ các cơn bão, cháy rừng, hạn hán, lũ lụt và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác, cũng như phân tích sự thay đổi mực nước biển, để đánh giá điểm yếu của căn cứ dựa trên ba yếu tố: độ tiếp xúc, độ nhạy và khả năng thích ứng. Theo một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng, “DCAT cho phép nhân viên ở tất cả các cấp của bộ — từ người quy hoạch căn cứ đến cấp lãnh đạo — hiểu được mức độ tiếp xúc của từng địa điểm với các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu bằng cách sử dụng dữ liệu đã có từ quá khứ và các dự báo về khí hậu trong tương lai”.
Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ chia sẻ DCAT với các đồng minh bao gồm Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và “tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác ở Thái Bình Dương để chuẩn bị cho khả năng ứng phó kết hợp khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu”, bà Melissa Dalton, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về các vấn đề quốc phòng và bán cầu, cho biết trong một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ vào giữa năm 2021, để xác định các ưu tiên. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) “đang khắc sâu một nền văn hóa ra quyết định dựa trên thông tin về khí hậu và kết hợp biến đổi khí hậu vào những đánh giá về mối đe dọa, ngân sách và quy trình ra quyết định về mặt hoạt động… [và] lo liệu cho người dân của chúng tôi, bao gồm các thành viên của Lực lượng Vũ trang và thường dân làm việc cùng họ, bằng cách củng cố khả năng phục hồi của các căn cứ của chúng tôi và các công trình nơi mọi người làm việc và sinh sống”.
Các phóng viên của DIỄN ĐÀN Gusty Da Costa, Jacob Doyle và Maria T. Reyes đã đóng góp cho bài viết này.