Hoa Kỳ cam kết 13,4 nghìn tỷ đồng (553 triệu đô la Mỹ) cho việc mở rộng cảng Sri Lanka
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (Development Finance Corp. – DFC) đã cam kết hơn 12 nghìn tỷ đồng (500 triệu đô la Mỹ) để phục vụ hoạt động phát triển một bến nước sâu cho tàu vận chuyển công-te-nơ tại Cảng Colombo, Sri Lanka, theo công bố của cơ quan này vào tháng 11 năm 2023.
Gói cấp vốn trị giá 13,4 nghìn tỷ đồng (553 triệu đô la Mỹ) cung cấp khoản vay cho Colombo West International Terminal Private Ltd. để xây dựng West Container Terminal. Các đối tác của dự án cũng bao gồm John Keells Holdings, một tập đoàn có trụ sở tại Sri Lanka, Adani Ports & Special Economic Zones Ltd. có trụ sở tại Ấn Độ và Cơ quan Quản lý Cảng Sri Lanka. Cảng Colombo nằm trên bờ biển phía tây của Sri Lanka và là cảng trung chuyển lớn nhất và đông đúc nhất ở Ấn Độ Dương. Cảng này đã hoạt động với công suất hơn 90 phần trăm kể từ năm 2021, tức là khoảng 27 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
“DFC nỗ lực nhằm thu hút các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân để thúc đẩy hoạt động phát triển và tăng trưởng kinh tế, đồng thời củng cố vị thế chiến lược của các đối tác. Đó là những điều chúng tôi đang thực hiện với khoản đầu tư này cho cơ sở hạ tầng tại Cảng Colombo,” ông Scott Nathan, Giám đốc Điều hành của cơ quan này, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Sri Lanka là một trong những trung tâm vận chuyển quan trọng của thế giới, với một nửa số tàu công-te-nơ đi qua vùng biển của nước này. Khoản cam kết 13,4 nghìn tỷ đồng (553 triệu đô la Mỹ) của DFC dưới dạng các khoản vay của khu vực tư nhân cho West Container Terminal sẽ mở rộng năng lực vận chuyển, tạo ra sự thịnh vượng lớn hơn cho Sri Lanka — mà không làm tăng thêm nợ của quốc gia — đồng thời củng cố vị thế của các đồng minh của chúng tôi trên khắp khu vực.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Sri Lanka Julie Chung cho biết dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng do khu vực tư nhân thúc đẩy ở Sri Lanka và thu hút lượng ngoại hối quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của quốc gia này.
“Khoản tài trợ này minh chứng cho cam kết lâu bền của Hoa Kỳ đối với sự phát triển và hạnh phúc của người dân Sri Lanka. Việc Sri Lanka phục hồi được vị thế kinh tế của mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh tầm nhìn chung của chúng ta về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng”, bà Chung phát biểu trong một thông cáo.
Công tác nạo vét cho bến này đã bắt đầu vào tháng 11 năm 2022, và giai đoạn đầu tiên sẽ được hoàn thành vào quý 3 năm 2024, theo Reuters đưa tin. Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025.
Công ty quốc doanh China Merchants Port Holdings của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) cũng vận hành một bến tại cảng Colombo. Dự án đó và các dự án khác được cấp vốn theo chương trình cơ sở hạ tầng Một Vành đai, Một Con đường (One Belt, One Road – OBOR) của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, bao gồm các khoản vay lớn mà Sri Lanka và các quốc gia khác đã gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn trả. Vào năm 2017, Sri Lanka đã chuyển giao cảng Hambantota, trên bờ biển phía nam của nước này, cho CHND Trung Hoa theo một hợp đồng cho thuê 99 năm. Thỏa thuận đó đã xóa khoản nợ trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) của Sri Lanka nhưng làm dấy lên mối những lo ngại trong khu vực rằng nó có thể dẫn đến một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại cảng này.
Theo một báo cáo vào tháng 11 năm 2023 từ AidData, một viện nghiên cứu tại Đại học William và Mary ở Hoa Kỳ, khoản tiền các quốc gia đang phát triển nợ Bắc Kinh, chủ yếu là kết quả của các dự án OBOR được khởi xướng từ năm 2013, vượt quá 31,6 triệu tỷ đồng (1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ). Các khoản vay của Bắc Kinh cho các nước đang phát triển mà gặp khó khăn về tài chính chiếm 75% vào năm 2021. Theo báo cáo của AidData, ít nhất 57 quốc gia đã vướng vào những khoản nợ đó.