Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác đảm bảo thương mại toàn cầu được vận chuyển an toàn, an ninh
Nhân viên DIỄN ĐÀN
Vào cuối tháng 11 năm 2023, Nhóm Tàu Sân bay Tấn công USS Dwight D. Eisenhower của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Hormuz vào Vịnh Ba Tư, thể hiện cách các chuyến đi theo lịch trình đều đặn sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế thông qua các tuyến đường biển an toàn và an ninh.
“Hành trình của chúng tôi qua eo biển quan trọng này và sự hiện diện liên tục trong khu vực đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì quyền tự do hàng hải, một yếu tố rất cần thiết cho an ninh và ổn định khu vực”, Chuẩn Đô đốc Hoa Kỳ Marc Miguez, chỉ huy nhóm tàu tấn công, nói về hoạt động hải quân của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ. Khoảng một phần năm nguồn cung năng lượng của thế giới đi qua Eo biển Hormuz mỗi năm.
Việc đảm bảo an ninh cho các nút thắt quan trọng trên biển trên toàn thế giới là một phần quan trọng trong những nỗ lực của Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác của nước này nhằm bảo vệ hoạt động giao thương của thế giới. Việc thực hiện thường xuyên và định kỳ các hoạt động tự do hàng hải (freedom of navigation – FON) hỗ trợ lợi ích quốc gia lâu dài của Hoa Kỳ đối với sự tự do của các vùng biển. Các hoạt động của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (Department of Defense – DOD) trong Chương trình FON được lên kế hoạch một cách cẩn trọng, xem xét để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về mặt pháp lý và được tiến hành một cách chuyên nghiệp.
Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đi qua Eo biển Hormuz cùng với tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea, các tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Gravely và USS Stethem, và tàu khu trục FS Languedoc của Hải quân Pháp. Một máy bay chiến đấu E-2C Hawkeye của Hải quân Pháp và máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Pháp đã hỗ trợ từ trên không.
Ông Miguez khen ngợi sự chuyên nghiệp của các thành viên của thủy thủ đoàn, “đặc biệt là trong các diễn biến như đi qua eo biển, khi việc lập kế hoạch chi tiết, điều hướng chính xác và năng lực của các đội chiến đấu của chúng tôi được thể hiện trọn vẹn.”
Trung Đông bao gồm Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, Vịnh Oman, Vịnh Aden và các phần của Ấn Độ Dương. Khu vực này bao gồm 21 quốc gia và ba điểm nút thắt chính.
Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ, các Đồng minh và Đối tác của nước này đã tiến hành các hoạt động định kỳ để đảm bảo an toàn cho các điểm nút thắt và các tuyến đường biển và thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng trên biển trên khắp thế giới. Ví dụ, các lực lượng của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã đảm bảo quyền tự do hàng hải trong những vùng biển trải dài từ Ấn Độ Dương đến Eo biển Malacca và Eo biển Singapore đến miền bắc Philippines và Biển Nhật Bản.
Cũng vào cuối tháng 11, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Hopper đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, tuân theo luật pháp quốc tế, thông qua việc thách thức những nỗ lực của các quốc gia như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc hạn chế việc đi lại không gây hại.
“Những tuyên bố chủ quyền hàng hải bất hợp pháp trên diện tích rộng lớn ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do của các vùng biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, giao thương tự do và thương mại không bị cản trở, và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven biển Biển Đông”, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ phát biểu trong một thông cáo. “Hoa Kỳ thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá đáng trên toàn thế giới bất kể danh tính của bên đưa ra tuyên bố chủ quyền”.
Các lực lượng Hoa Kỳ hoạt động ở Biển Đông hàng ngày, như họ vẫn làm trong hơn một thế kỷ qua, phối hợp với các Đồng minh và Đối tác, những bên cam kết về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng.
Trong năm tài chính 2022, các lực lượng của Hoa Kỳ thông qua hoạt động của mình đã thách thức 22 tuyên bố chủ quyền hàng hải quá đáng của 15 bên có tuyên bố chủ quyền trên toàn thế giới, theo Báo cáo FON hàng năm của Bộ Quốc phòng (DOD).
Nhiều quốc gia cùng chí hướng tiến hành các hoạt động FON và tiếp tục tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 như khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động trên các vùng biển và đại dương.